Bình dân học vụ số (Bài 1): Cơ hội từ công nghệ số

Việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, trở thành một xu thế tất yếu trong xã hội hiện đại. Bởi vậy, phong trào 'Bình dân học vụ số' với mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số.

Hình ảnh sản phẩm luôn được Dịu chú trọng mỗi khi quảng bá trên các nền tảng số.

Hình ảnh sản phẩm luôn được Dịu chú trọng mỗi khi quảng bá trên các nền tảng số.

Nghề “hot”

Sáng tạo kênh nội dung số, bán hàng trên mạng, quảng cáo... những công việc liên quan đến công nghệ số đang là nghề “hot” trong giới trẻ hiện nay. Ưu điểm của những nghề này là thoải mái về thời gian, thỏa sức sáng tạo, nhiều trải nghiệm mới mẻ, môi trường làm việc năng động, hiện đại... và có nguồn thu nhập ổn định, thậm chí là cao.

Sau khi xuất ngũ, anh Lê Xuân Chiến, 27 tuổi (khu phố Vinh Phúc, phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn) loay hoay đi tìm việc làm phù hợp. Trong thời gian đó, anh Chiến ở lại ngôi nhà cũ của bà ngoại, ngôi nhà có tuổi đời gần 100 năm và còn giữ được nhiều nét đẹp xưa cũ. Vẻ đẹp mộc mạc của ngôi nhà khiến Chiến quay video và đăng tải lên trang cá nhân. Bất ngờ, video nhận được hàng nghìn lượt thích với phản hồi tích cực. “Sự thành công của video khiến tôi nhận ra cơ hội việc làm, đó chính là sáng tạo nội dung số. Tôi đã thấy rất nhiều bạn thành công với công việc này, nhất là những nội dung quảng bá vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Lợi thế cúa tôi là đang ở trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều nét đẹp làng quê xưa, một người bà thân thiện, hồn hậu cùng với những người dân chân chất”, công việc sáng tạo nội dung số của Chiến bắt đầu từ đó. Các video clip của anh được cộng đồng đón nhận, trong đó có nhiều video đạt triệu lượt xem.

Từ một người “ngoại đạo”, Chiến tự mình nghiên cứu, học hỏi, mua sắm thiết bị xây dựng thành công kênh “bếp quê choa”. Theo Chiến, việc trở thành người sáng tạo nội dung số không khó khi có nhiều khóa học đào tạo, chia sẻ của người nổi tiếng rộng rãi trên mạng. Tuy nhiên, để kênh có sức hút thì phải tạo được dấu ấn riêng và phải luôn duy trì được độ “hot” bằng sáng tạo ra nội dung số hay, độc, lạ. “Kênh của tôi thường đăng những video ngắn về cuộc sống yên ả, thanh bình của làng quê thông qua những câu chuyện đời thường hàng ngày như đi chợ, nấu cơm, dọn rửa nhà cửa, tâm tình người già... Chủ đề thì đơn giản nhưng được tôi lên ý tưởng, xây dựng cốt truyện, mời nhân vật, chọn cảnh quay đặc sắc để toát lên được chất “quê” trong từng clip”, Chiến cho biết thêm.

Hiện kênh “bếp quê choa” của Chiến có khoảng 200 nghìn lượt người theo dõi trên facebook, 130 nghìn lượt theo dõi trên tiktok. Nhiều video đạt triệu view, là một trong những kênh mạng xã hội lan tỏa vẻ đẹp đất và người xứ Thanh. Chiến chỉ là một trong rất nhiều thanh niên xứ Thanh đang gắn bó công việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng số. Tận dụng lợi thế từ nền tảng số, không ít bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công, họ không những tìm thấy cơ hội việc làm mà nhờ sự linh hoạt, nhạy bén họ đã tìm ra “công thức” trở thành những ông, bà chủ trẻ.

Tận dụng lợi thế

Chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành một xu thế tất yếu, việc tận dụng lợi thế của CĐS với nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp là “chìa khóa” đi đến thành công. Nguyễn Thị Dịu, chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Hoàng Dịu (phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn) thay vì phải quảng bá sản phẩm trên những kênh thông tin truyền thống trước đây, thì nay tập trung vào các kênh trên nền tảng số như facebook, zalo, tiktok, sàn thương mại điện tử. Đồng thời, chị xác định đối tượng khách hàng và xây dựng các video clip đáp ứng nhu cầu. Chị Dịu cho biết: “Hiện nay, công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, giúp sản phẩm tiếp cận khách hàng tiềm năng rộng rãi hơn, bất kể vị trí địa lý hay thời gian. Cùng với đó, các kênh trên nền tảng số cung cấp cho khách hàng trải nghiệm liền mạch và cá nhân hóa hơn, giúp tăng cường sự gắn kết giữa sản phẩm và khách hàng. Từ đó, tăng uy tín thương hiệu, giúp nhà sản xuất thể hiện đúng phương châm mà mình muốn gửi đến”.

Hình ảnh đời thường của Chiến và bà ngoại là chất liệu trong nhiều video của anh.

Hình ảnh đời thường của Chiến và bà ngoại là chất liệu trong nhiều video của anh.

Theo chị Dịu, bán hàng trực tuyến là một kênh tiêu thụ trọng yếu của nhà sản xuất, để bán hàng trực tuyến thành công cần chú trọng đến các yếu tố: Chất lượng sản phẩm, giá thành, bao bì, tem nhãn, xác định khách hàng mục tiêu và lựa chọn nền tảng trực tuyến phù hợp để quảng bá sản phẩm... Xây dựng thương hiệu cá nhân là điều quan trọng trong bán hàng online. Nếu bạn bán hàng online mà không hiện diện, mọi người không biết bạn là ai để họ tin tưởng mua hàng. Vì thế, bạn cần có sự xuất hiện thường xuyên. Sự hiện diện thể hiện qua các video clip, bài đăng về quy trình sản xuất hàng hóa, về chất lượng sản phẩm, phản hồi của người tiêu dùng, đầu vào của nguyên liệu... Những điều này được minh bạch thì càng tăng độ tin tưởng của khách hàng. Hiện, mỗi năm cơ sở sản xuất nước mắm Hoàng Dịu xuất bán được khoảng 10.000 lít nước mắm các loại, đạt doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm. Thị trường tiêu thụ của cơ sở mở rộng trên toàn quốc.

Tận dụng lợi thế từ nền tảng số, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay Thanh Hóa có khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP tham gia quảng bá, giới thiệu và bán hàng trên các nền tàng số, sàn thương mại điện tử như voso.vn, posmart.vn, lazada, shopee, tiki... với trên 1.050 sản phẩm các loại. Các kênh tiêu thụ mới đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh và giúp các doanh nghiệp, HTX, tăng doanh số bán hàng bình quân từ 15 - 20%/năm. Thông qua nền tảng số, các đơn vị đã tìm kiếm, mở rộng được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Uớc tính lượng hàng hóa tiêu thụ thông qua nền tảng số đạt khoảng 25 - 30% sản lượng hàng hóa của các đơn vị.

Không chỉ chủ doanh nghiệp, nhà sản xuất nắm bắt cơ hội mà những người nông dân hiện nay đã có thể thông qua máy tính, điện thoại thông minh truy cập vào cơ sở dữ liệu về sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường, giá cả nguyên liệu và trao đổi kinh nghiệm để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Ứng dụng các tiện ích của mạng xã hội chủ động xây dựng các trang bán hàng, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ của hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác, đưa sản phẩm hàng hóa trao đổi rộng khắp trên không gian mạng.

Bài và ảnh: Phan Thị

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/binh-dan-hoc-vu-so-bai-1-nbsp-co-hoi-tu-cong-nghe-so-37059.htm