Bình Định dự kiến thu phí hạ tầng cảng biển, doanh nghiệp băn khoăn

Tỉnh Bình Định đang đề xuất thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn, với mức phí dự kiến 100.000 - 125.000 đồng/container 20' và 200.000 - 250.000 đồng/container 40'. Nếu được thông qua, địa phương sẽ thu được khoảng hơn 74 tỷ đồng/năm, phục vụ cho công tác đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng. Tuy vậy, đại diện doanh nghiệp kiến nghị cần cân nhắc.

Thu phí là “hết sức cần thiết”

Theo Đề án Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn tỉnh Bình Định (gọi tắt là Đề án), Sở Tài chính cho biết, hiện tỉnh có 5 bến cảng tổng hợp là cảng Quy Nhơn, cảng Thị Nại, Tân cảng Quy Nhơn, Tân cảng miền Trung và bến địa phương Đống Đa (đang chuẩn bị đầu tư xây dựng). Trong đó, có 2 bến cảng chính, chiếm thị phần lớn nhất là cảng Quy Nhơn và cảng Thị Nại.

Một góc cảng Quy Nhơn. Ảnh: Báo Bình Định

Một góc cảng Quy Nhơn. Ảnh: Báo Bình Định

Năm 2023, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Quy Nhơn đạt gần 13.700 container 20’ và 38.260 container 40’; hàng lỏng, hàng rời đạt hơn 6,7 triệu tấn; sản lượng hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu đạt khoảng 1.000 container. Tại cảng Thị Nại và Tân cảng miền Trung chỉ có hàng lỏng, hàng rời, với sản lượng lần lượt đạt 50.000 tấn và 48.000 tấn.

Năm 2024, dự kiến sản lượng hàng xuất nhập khẩu qua cảng Quy Nhơn đạt khoảng 63.000 container; hàng lỏng, hàng rời khoảng 8 triệu tấn. Tại cảng Thị Nại, sản lượng hàng lỏng, hàng rời sẽ nâng lên 54.100 tấn và Tân cảng miền Trung là 50.000 tấn.

Đến năm 2025, dự báo hàng hóa thông qua các cảng biển Bình Định đạt khoảng 11 - 12 triệu tấn. Đến năm 2030, sản lượng này đạt khoảng 37,9 - 45,5 triệu tấn.

Theo đánh giá của Sở Tài chính, với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ngày càng tăng đã tạo áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển. Tuyến Quốc lộ 19 mới được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác phục vụ chính cho nhu cầu giao thương hàng hóa thông qua cảng biển, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển, thường xuyên bị ùn ứ đoạn đi qua khu đô thị có mật độ phương tiện lớn. Bên cạnh đó, hệ thống kho bãi, bãi đậu xe… phục vụ nhu cầu đậu đỗ của các phương tiện vận tải vẫn chưa hoàn chỉnh. Chính sự bất cập về hạ tầng hiện nay có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động giao nhận hàng hóa trong khu vực cảng, tăng chi phí logistics, hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh và sự phát triển của địa phương.

Trong bối cảnh đó, Sở Tài chính cho rằng, việc ban hành phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn là hết sức cần thiết nhằm huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng này.

Cụ thể, Sở Tài chính đề xuất mức thu phí bằng 40% hoặc 50% của TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, đối với hàng xuất nhập khẩu sẽ là 100.000 - 125.000 đồng/container 20’ và 200.000 - 250.000 đồng/container 40’; đối với hàng lỏng sẽ có mức phí từ 6.000 - 7.500 đồng/tấn. Thời gian dự kiến thu phí trong năm 2025. Nếu được triển khai, với sản lượng hàng hóa như hiện nay, mỗi năm địa phương sẽ thu được 74 tỷ đồng.

Đánh giá về tác động của việc thu phí này, Sở Tài chính cho rằng, nếu thu thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ khiến tổng chi phí vận chuyển từ các khu vực phụ cận như Phú Yên, Gia Lai, Nam Kon Tum, Bắc Đắk Lắk tới các cảng của Bình Định sẽ cao hơn so với khi xuất khẩu tại cảng Chu Lai (Quảng Nam) và cảng Đà Nẵng. Do vậy, nhiều khả năng sẽ tác động đến việc các doanh nghiệp lựa chọn thay đổi cảng xuất hàng sang Chu Lai và Đà Nẵng, đặc biệt là đối với hàng quá cảnh từ Bắc Campuchia.

Để tránh tình trạng này, dự thảo Đề án đề xuất cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ trong doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp khai thác cảng biển tại địa phương, cần chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ thời gian này, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như năng lực quản lý, hiện đại hóa việc xếp dỡ hàng hóa, đầu tư kho bãi hiện đại để giảm chi phí dịch vụ tại cảng, nhằm thu hút và giữ chân khách hàng.

Cần cân nhắc kỹ

Chủ tịch Hội Doanh nhân Đất võ Bình Định Nguyễn Văn Học cho rằng, việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng cảng biển trên địa bàn là rất quan trọng để giúp giảm chi phí logistics, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn về đơn hàng; cùng với đó là sự gia tăng các chi phí do tăng lương cho người lao động, ảnh hưởng từ các cuộc xung đột trên thế giới thời gian qua đẩy giá cước vận tải tăng… Nếu đề xuất này được thông qua, chắc chắn sẽ làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, chúng tôi không muốn gia tăng bất cứ chi phí nào. Song, nếu việc thu phí này giúp cải thiện hệ thống hạ tầng cảng biển cũng là điều nên làm. Tuy nhiên, tỉnh cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ và nếu được, nên xem xét áp dụng từ sau năm 2025 để doanh nghiệp có thời gian thích ứng, chuẩn bị”, ông Học đề xuất.

Đại diện một hiệp hội doanh nghiệp logistics cho rằng, Bình Định cần tính toán thật kỹ việc thu phí này, bởi như Sở Tài chính đánh giá có thể làm dịch chuyển nguồn hàng sang các cảng lân cận thay vì lựa chọn các cảng trên địa bàn, như thế địa phương sẽ mất luôn nguồn thu từ các hoạt động xuất nhập khẩu. Bởi vậy, tỉnh cần đánh giá kỹ “được” và “mất” khi thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển để lựa chọn phương án tối ưu.

Mặt khác, nếu thực sự có sự dịch chuyển nguồn hàng xuất khẩu từ Đắk Lắk, Phú Yên, Gia Lai… ra khỏi cảng của Bình Định để sang cảng Chu Lai hay Đà Nẵng sẽ kéo dài thời gian vận chuyển trên đường, đồng nghĩa sẽ tác động xấu đến môi trường, gây lãng phí cho xã hội. Ngoài ra, nếu áp dụng thu phí, mỗi năm địa phương thu được khoảng 74 tỷ đồng, số tiền này sẽ khó đầu tư về kết cấu hạ tầng cho “ra tấm ra món” vì thường đòi hỏi nguồn vốn lớn.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/binh-dinh-du-kien-thu-phi-ha-tang-cang-bien-doanh-nghiep-ban-khoan-i385092/