Bình Dương vừa 'tinh gọn' bộ máy vừa 'trải thảm đỏ' đón đại bàng
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10,5% vào năm 2025, Bình Dương đang nỗ lực 'trải thảm đỏ' thu hút đầu tư, khẳng định vị thế 'thỏi nam châm' của cả nước. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp là việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính có thể làm gián đoạn các thủ tục đầu tư. Doanh nghiệp đề nghị Bình Dương chủ động giải quyết, đảm bảo thông suốt và hiệu quả.
"Thỏi nam châm" hút vốn đầu tư
Bình Dương đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp hơn 8,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước. Sức hút này đến từ sự đa dạng của các nhà đầu tư quốc tế với 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động tại đây. Dẫn đầu là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Singapore.

Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025
Tính đến nay, Bình Dương đã thu hút 4.399 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42,4 tỷ USD.
Không chỉ thu hút mạnh mẽ vốn FDI, Bình Dương còn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 807.000 tỷ đồng. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, tỉnh đã chấp thuận 23 dự án với tổng vốn đăng ký 42.000 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), cho thấy dòng vốn nội địa đang đổ mạnh vào địa phương này.
Để trở thành "thỏi nam châm" thu hút đầu tư, Bình Dương đã cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch hóa chính sách; kết nối giao thông với TP.HCM và các cảng biển, sân bay; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ưu tiên đầu tư chính quyền điện tử.

Hiện nay, các khu công nghiệp tỷ lệ lấp đầy đạt 98%
Ông Phan Xuân Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai chính quyền điện tử, giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp và mở rộng các khu công nghiệp.
“Bình Dương đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư, giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lí cho doanh nghiệp. Đồng thời, ban hành nhiều chính sách thuế, tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi. Chính điều này giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm gánh nặng về tài chính”.
Bứt phá để đón "đại bàng"
Bình Dương đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 10,5% trở lên vào năm 2025, với động lực chính đến từ ngành công nghiệp (tăng trên 11,2%) và dịch vụ (tăng trên 10,3%).
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể về GRDP bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu chi ngân sách, thành lập doanh nghiệp và thu hút vốn FDI.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương khảo sát tiến độ đường Vành đai 3 để sớm thông tuyến
Tiếp tục đà tăng trưởng và thu hút "đại bàng" đến đầu tư, theo các doanh nghiệp, Bình Dương cần có những bước đột phá mới trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các địa phương. Việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông để tăng cường liên kết vùng và phát triển đồng bộ từ Nam lên Bắc là vô cùng cần thiết.
Bình Dương cần mở rộng các khu công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới tư duy xây dựng và cải cách thủ tục hành chính.
"Cải cách thủ tục hành chính là yếu tố then chốt để Bình Dương tiếp tục tăng trưởng hai con số. Cần có những chính sách mang tính chiến lược để doanh nghiệp có cơ sở hoạt động. Bình Dương cần tạo ra những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa", ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh nhấn mạnh.
Đối với vấn đề quỹ đất "sạch", Bình Dương đã lên kế hoạch mở rộng quy hoạch khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển thêm 20 khu công nghiệp và 36 cụm công nghiệp trong giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2050.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang hướng đến xây dựng các khu công nghiệp hiện đại, sinh thái, phù hợp với xu hướng đầu tư mới của doanh nghiệp.
"Tỉnh đã thực hiện chuyển đổi công năng các doanh nghiệp phía Nam sang phát triển thương mại, đô thị phù hợp với định hướng quy hoạch chung của tỉnh. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển cụm công nghiệp phía Bắc. Hiện tỉnh đã giao cho Tổng công ty Becamex IDC cùng với Ngân hàng Thế giới phát triển các khu công nghiệp sinh thái tại Bàu Bàng, khu công nghiệp công nghệ cao Lai Hưng và khu công nghệ thông tin tại thành phố mới Bình Dương".
Ổn định bộ máy giúp doanh nghiệp yên tâm
Có đất, có cơ chế và hạ tầng giao thông, tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy có thể gây gián đoạn trong thủ tục hành chính, tạo ra "điểm nghẽn" và cản trở mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Bình Dương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp
Trước những lo ngại này, ông Trương Công Huy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương khẳng định, việc sắp xếp bộ máy sẽ không gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
Ông Huy nhấn mạnh, Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc cải cách thủ tục hành chính, được Trung ương đánh giá cao.
Cụ thể, trong năm 2024, Bình Dương đã cắt giảm hơn 19,6% thành phần hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh cũng đặt mục tiêu tiếp tục rà soát và giảm từ 20-30% thành phần hồ sơ và thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong năm 2025.
"Tỉnh cam kết rõ ràng, hộ kinh doanh cá thể từ 3 ngày làm thủ tục chỉ cần 1 ngày; các giấy phép đăng ký doanh nghiệp thông thường khác, tỉnh cam kết giảm 30% thời gian giải quyết ra giấy phép thành lập doanh nghiệp và mã số thuế. Các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm... cam kết giảm 50% thời gian giải quyết. Chúng tôi tin tưởng rằng việc sớm có giấy phép góp phần đưa hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào thực tế, tạo ra giá trị đóng góp cho phát triển 2 con số của tỉnh Bình Dương”, ông Trương Công Huy nhấn mạnh.

Bình Dương đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp
Trước nỗi lo về nguồn nhân lực chất lượng cao, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương đã đưa ra các giải pháp đột phá nhằm nâng tầm giáo dục tỉnh nhà. Theo đó, ngành giáo dục sẽ phát triển theo hướng tiên tiến, đẩy mạnh chuyển đổi số trên mọi mặt trận, từ quản lý đến giảng dạy. Việc tăng cường giảng dạy song ngữ, hướng đến mục tiêu biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cũng được chú trọng. Các trường kết hợp doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để giúp tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động.
Nhằm nâng tầm hạ tầng giao thông, Bình Dương đang đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai hàng loạt dự án trọng điểm. Trong đó, nổi bật là tuyến đường sắt kết nối trực tiếp với TP.HCM, mang đến sự thuận tiện tối đa cho việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cũng đang được gấp rút xây dựng, hứa hẹn tạo nên mạng lưới giao thông liên vùng hiện đại.
Khi hoàn thiện, những công trình này không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển, mà còn mở ra cơ hội giao thương rộng lớn, kết nối Bình Dương với các sân bay, cảng biển và trung tâm kinh tế lớn TP.HCM.