Bộ Công an đề xuất thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng
Bộ Công an đề xuất xem xét, bổ sung quy định tối thiểu 3 năm hoặc 5 năm một lần, Ngân hàng Nhà nước chủ trì thanh tra thị trường vàng và các tổ chức có hoạt động kinh doanh vàng.
Bộ Công an đã góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012, trong đó có nội dung tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện chế tài để kiểm soát, ổn định đối với hoạt động kinh doanh vàng.
Theo đó, Bộ Công an cho rằng cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm đối với đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng và việc xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng của các đơn vị này. Bộ Công an đề nghị nghiên cứu, xem xét bắt buộc các đơn vị này phải thực hiện kiểm toán độc lập chuyên đề định kỳ (hàng năm) đối với hoạt động sản xuất vàng miếng và xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng.

Bộ Công an đề xuất thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng.
"Cần xem xét, bổ sung quy định tối thiểu 3 năm hoặc 5 năm một lần, Ngân hàng Nhà nước chủ trì thanh tra thị trường vàng và các tổ chức có hoạt động kinh doanh vàng", Bộ Công an đồng thời kiến nghị.
Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Bộ Công an đánh giá dự thảo Nghị định đề cập nhiều hình thức giấy phép, nguy cơ xuất hiện cơ chế "giấy phép mẹ" tạo ra nhiều "giấy phép con".
Cơ chế cấp hạn ngạch sản xuất vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo từng năm, từng lần dễ dẫn đến tiêu cực trong cấp phép, nguy cơ tập trung độc quyền sản xuất vàng miếng, nhập khẩu, phân phối vàng nguyên liệu vào nhóm đơn vị được cấp phép. Đồng thời, điều này sẽ gây khó khăn trong quản lý việc sản xuất, nhập khẩu vượt hạn mức và việc mua bán giấy phép/hạn ngạch, nếu thiếu cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm chặt chẽ.
Ngoài ra, Bộ Công an cho rằng các "giấy phép con" khác như giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm... có thể tăng áp lực về thủ tục hành chính, tạo rào cản cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp.
Về cơ chế "cân trạng thái vàng", phòng ngừa rủi ro biến động giá, Bộ Công an nhận thấy cơ chế cho phép các đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng, nhưng không đề cập cụ thể các biện pháp để các đơn vị này có thể cân trạng thái vàng, cân/chốt giá vàng trong ngày để phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng.
Trong khi đây là ngành có rủi ro phụ thuộc vào giá vàng thế giới biến động và có tỷ suất sinh lợi thấp, nếu không có biện pháp "phòng thủ" chốt giá, thì từ lúc mua vàng trên sàn vàng thế giới đến khi nhập khẩu, sản xuất và bán ra thị trường, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại sản xuất vàng có thể gánh chịu toàn bộ rủi ro này.
Từ đó, Bộ Công an cũng chỉ ra nguy cơ sẽ không thể khuyến khích các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhập vàng về sản xuất, phân phối để giảm chênh lệch khi giá vàng thế giới cao hơn giá vàng trong nước theo định hướng của Nhà nước, cũng như nguy cơ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp không phù hợp, trái quy định pháp luật để cân trạng thái vàng.
An Tú