Bộ Công Thương đề xuất chính sách giảm lệ phí trước bạ cho các dòng xe hybrid
Trong Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ Công Thương đề xuất cần nghiên cứu, xây dựng các chính sách giảm lệ phí trước bạ cho các dòng xe HEV, PHEV và BEV.
Đối với sản xuất và tiêu dùng trong nước, theo Bộ Công Thương, đến năm 2030, cần chú trọng phát triển để giúp tăng trưởng thị trường xe ô tô trong nước đạt tốc độ bình quân khoảng từ 14 - 16% /năm, tổng lượng xe tiêu thụ đạt khoảng 1.000.000 - 1.100.000 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 550.000 chiếc (chiếm 55%), từ 10 chỗ trở lên khoảng 50.000 chiếc (chiếm 5%), xe tải khoảng 350.000 chiếc (chiếm 35%), xe chuyên dụng khoảng 50.000 chiếc (chiếm 5%).
Đáng chú ý, trong Dự thảo, Bộ Công Thương nhấn mạnh tỷ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác sẽ chiếm khoảng 18 - 22%.
Tổng sản lượng xe sản xuất và lắp ráp trong nước đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 18 - 20%/năm, sản lượng đạt khoảng 600.000 - 700.000 chiếc vào năm 2030. Đến năm 2030, xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm ~ 70%, trong đó: xe đến 9 chỗ đạt ~ 62%, từ 10 chỗ trở lên đạt ~ 85%, xe tải đạt - 75%, xe chuyên dụng đạt ~ 20%. Đến năm 2045, xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm ~ 87%, trong đó: xe đến 9 chỗ đạt ~ 90%, từ 10 chỗ trở lên đạt ~ 98%, xe tải đạt ~ 93%, xe chuyên dụng đạt ~ 50%.
Đến năm 2045, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng thị trường tiêu thụ xe ô tô trong nước tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2031 - 2045 là 11 - 12%/năm, tổng lượng xe đạt ~ 5.000.000 - 5.700.000 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ chiếm khoảng 68 - 70%, từ 10 chỗ trở lên chiếm 5 - 6%, xe tải chiếm 23 - 24%, xe chuyên dụng chiếm khoảng 2 - 3%. Tỷ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác đạt ~ 4.300.000 4.400.000 chiếc, chiếm khoảng 80 - 85 %.
Tổng sản lượng xe sản xuất và lắp ráp trong nước tăng trưởng bình quân hàng năm là 13 - 14%/năm trong giai đoạn 2031 - 2045, sản lượng đạt ~ 4.000.000 - 4.600.000 chiếc, chiếm khoảng 80 - 85% so với nhu cầu nội địa.
Trong Dự thảo, đối với việc xuất khẩu, đến năm 2030, giá trị xuất khẩu phương tiện vận tải và linh kiện, phụ tùng ô tô được đặt mục tiêu đạt ~ 14 tỷ USD. Đến năm 2045, giá trị xuất khẩu phương tiện vận tải và linh kiện, phụ tùng ô tô đạt ~ 36 tỷ USD.
Giai đoạn đến năm 2030, bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Đủ khả năng cung ứng 55 - 60% (về giá trị) linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới. Đáp ứng trên 80 - 85% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Để đạt được các mục tiêu, Bộ Công Thương cho rằng cần phát huy nội lực của quốc gia; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông; đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu thị trường nội địa và định hướng ngày càng tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành tô tô toàn cầu; mở rộng, nâng cao kim ngạch và giá trị gia tăng trong xuất khẩu các sản phẩm của ngành ô tô; đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường, đi tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường và định hướng chuyển dịch hoàn toàn sang sản xuất, cung ứng các sản phẩm ô tô sử dụng xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác... phù hợp với định hướng phát triển năng lượng quốc gia, góp phần tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước theo hướng văn minh, hiện đại.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển nhu cầu thị trường, đặc biệt là các chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa cho các loại xe điện khí hóa, xe sử dụng năng lượng xanh mới để phát triển thị trường;
Xây dựng chính sách hỗ trợ cho khách hàng/ người tiêu dùng phí đỗ xe, thuế môi trường... đối với tất cả các loại xe điện khí hóa, xe sử dụng năng lượng xanh mới;
Phát triển thị trường trong nước trên cơ sở phát triển hệ thống trạm sạc diện, trạm bơm các nhiêm liệu xanh mới; Xây dựng và phát triển thương hiệu xe ô tô sản xuất trong nước; Phát triển tiêu thụ xe ô tô trên cơ sở chú trọng phát triển khu vực nông thôn, muồn núi, vùng sâu, vùng xa trong giai đoàn trung và dài hạn,...
Đối với giai đoạn đến năm 2030, đây được xác định là giai đoạn khởi đầu cho Chiến lược, định hướng phát triển ngành ô tô Việt Nam sẽ đạt mức cơ giới hóa và đạt khoảng trên 1,0 triệu xe các loại vào năm 2030. Trong giai đoạn này xác định các dòng xe động cơ đốt trong vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn trong cả sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
Tầm nhìn đến năm 2045, và những năm tiếp theo được xác định sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh của lượng xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới... và tiến dần đến sự ổn định của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó, xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới... sẽ thay thế hoàn toàn 80,5% xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2050.
Hiện tại, dù được xếp “chung mâm” là xe xanh nhưng không như xe điện, các loại xe Hybrid tại thị trường Việt đang chịu những mức thuế như xe động cơ đốt trong.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã được Quốc hội khóa 15 thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô điện chạy pin (BEV) giảm mạnh từ 15% xuống còn 3%, áp dụng từ ngày 01/3/2022 đến 28/2/2027.
Nhưng xe hybrid (bao gồm HEV, PHEV) không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi thuế. Một chiếc xe hybrid dưới 9 chỗ ngồi vẫn áp dụng mức thuế của xe động cơ đốt trong có cùng dung tích xi lanh.
Cụ thể, thuế TTĐB dành cho xe có động cơ dưới 1.5L là 35%; xe từ 1.5-2.0L là 40%, xe từ 2.0-2.5L là 50%, xe từ 2.5-3.0L áp dụng mức 60%, từ 3.0-4.0L là 90%, trên 4.0-5.0L là 110%, trên 5.0-6.0L chịu 130% và 150% đối với xe trên 6.0L.
Riêng với xe Hybrid có tỷ trọng sử dụng năng lượng xăng không quá 70% được áp dụng thuế suất thuế TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy xăng, dầu có cùng dung tích xi lanh.
Năm 2022, VAMA kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với dòng xe hybrid như HEV, PHEV (xe lai giữa xăng và điện, có thể sạc được điện từ bên ngoài cho pin) để có sự chuyển đổi hài hòa sang xe thuần điện.
Đầu năm 2022, Quốc hội cũng đã quyết nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện chạy pin dưới 9 chỗ ngồi từ 15% xuống còn 3%. Mức thuế mới áp dụng từ tháng 3-2022, trong vòng 5 năm. Sau tháng 3-2027, thuế suất tiêu thụ đặc biệt với dòng xe điện chạy pin là 11%.
Nhưng trong khi đó, các dòng xe hybrid như HEV, PHEV… vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi này, đang bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 15% và lệ phí trước bạ 100% như xe xăng.