Bộ GDĐT nêu những điểm mới nổi bật trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục 2019

Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông cáo báo chí về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó đề xuất nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến phân cấp quản lý, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, cấp văn bằng, tổ chức bộ máy trường học và thủ tục hành chính.

Nhiều bất cập trong Luật Giáo dục hiện hành

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 (sau đây gọi là Luật Giáo dục) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy một số bất cập, hạn chế cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, tập trung vào một số nội dung như: vấn đề phân cấp, phân quyền và cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục; các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân; hoạt động của Hội đồng trường của trường mầm non, trường phổ thông công lập; quy định về chương trình, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương…

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW (12/8/2024), yêu cầu tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý, thúc đẩy quyền tự chủ và tăng cường trách nhiệm giải trình trong hệ thống giáo dục. Đồng thời, Quyết định số 1705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (2024) phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến 2030, tầm nhìn đến 2045, cũng nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi pháp luật theo hướng hiện đại, liên thông và hội nhập quốc tế.

“Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thi hành Luật Giáo dục, đồng thời, để phù hợp, thống nhất với các quy định pháp luật mới được ban hành trong quá trình thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết”, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

 Ảnh minh họa: DN

Ảnh minh họa: DN

5 điểm mới nổi bật trong Dự thảo

1. Xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học

Điểm mới trong dự thảo Luật là xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học, gồm hai bậc: trung học nghề và cao đẳng. Trong cấp học này, người học được đào tạo ở ba trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Cụ thể: Trung học nghề dành cho học sinh sau trung học cơ sở, tích hợp kiến thức văn hóa phổ thông nền tảng và kỹ năng nghề, hướng tới đạt trình độ sơ cấp hoặc trung cấp; Cao đẳng dành cho người học sau trung học phổ thông hoặc tương đương, đào tạo ở trình độ cao đẳng. Cách thiết kế này bảo đảm cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng phân rõ cấp học, phân loại rõ trình độ đào tạo và tăng cường tính mở, liên thông, phù hợp với Khung trình độ quốc gia và thông lệ quốc tế.

2. Bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, giao quyền xác nhận về cho nhà trường

Dự thảo Luật quy định bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường trung học cơ sở/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở xác nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở thay cho việc Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường trung học phổ thông/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục trung học phổ thông cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thay cho việc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đây là bước cụ thể hóa chủ trương phân cấp quản lý, giảm thủ tục hành chính trung gian, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các nhà trường. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, phổ cập giáo dục trung học cơ sở là chính sách xã hội, không phải là hệ thống đào tạo có đầu ra bằng cấp. Việc xác nhận hoàn thành chương trình học là đủ để phục vụ phân luồng, chuyển cấp, không cần thiết duy trì cơ chế cấp bằng hành chính. Đồng thời, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

3. Giải thể Hội đồng trường ở bậc mầm non và phổ thông công lập

Dự thảo cũng đề xuất bỏ Hội đồng trường ở các trường mầm non và phổ thông công lập, do hoạt động hình thức, không mang lại hiệu quả thực chất, trùng vai với hiệu trưởng - người đồng thời thường là Chủ tịch Hội đồng trường và Bí thư chi bộ. Trong khi các trường này chưa được trao quyền tự chủ về tài chính, nhân sự hay tổ chức bộ máy, vai trò Hội đồng trường là không cần thiết.

Việc bỏ quy định Hội đồng trường ở trường mầm non, phổ thông công lập là một bước đi cần thiết nhằm làm gọn bộ máy, tăng hiệu lực thực thi, và tạo điều kiện để đổi mới thực chất hoạt động nhà trường dựa trên các thiết chế dân chủ sẵn có như cấp ủy, công đoàn, Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội đồng Sư phạm...

4. Phân quyền mạnh hơn trong biên soạn tài liệu giáo dục địa phương

Dự thảo Luật xác định rõ tài liệu giáo dục địa phương không phải là sách giáo khoa; sửa đổi quy định về thẩm quyền biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo hướng: giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương.

Quy định này phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; chủ trương phân cấp, phân quyền của Đảng và Nhà nước; Tinh thần “Bộ không làm thay cho địa phương”, được thể hiện tại nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Việc này cũng giúp địa phương chủ động hơn trong quản lý nội dung giáo dục gắn với đặc thù, đồng thời cắt giảm được thủ tục hành chính, giảm áp lực cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác phê duyệt học liệu mang tính địa phương hóa.

5. Cắt giảm trên 50% thủ tục hành chính

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều quy định có liên quan đến thủ tục hành chính. Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt trọng tâm cắt giảm, đơn giản hóa trên 50% các thủ tục hành chính thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người học, cơ sở giáo dục và nhà đầu tư. Các quy định được sửa đổi, bổ sung dự kiến có tác động trực tiếp đến 69 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, những điều chỉnh nêu trên sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm thiểu chi phí và hồ sơ giấy tờ cho người học và nhà đầu tư; tạo thuận lợi cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục; tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, giảm nguy cơ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy đầu tư vào giáo dục ngoài công lập và mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, về thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia tách nhà trường, để phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, dự án Luật sửa đổi theo hướng: Giao Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý cơ sở giáo dục ở các cấp học còn lại, trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, toàn bộ hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Thời gian lấy ý kiến góp ý từ nay đến hết ngày 9/7/2025.

Xem chi tiết Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục TẠI ĐÂY.

Minh Chi ,

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-neu-nhung-diem-moi-noi-bat-trong-du-thao-sua-doi-luat-giao-duc-2019-post251279.gd