Bộ Giao thông lại sửa 'trạm thu giá' thành trạm thu phí
Sau nhiều tranh cãi với đa số ý kiến không đồng thuận về tên gọi 'trạm thu giá', Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chính thức sửa dự thảo thành Thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, đồng thời đăng tải lấy ý kiến góp ý.
Trước đó, dự thảo thông tư lần 1 hồi tháng 5, Bộ GTVT lấy ý kiến thay thế thông tư số 49/2016/TT-BGTVT, trong đó nêu lên đề xuất xây dựng, tổ chức và hoạt động của “trạm thu giá” dịch vụ sử dụng đường bộ - nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Sau nhiều tranh cãi với đa số ý kiến không đồng thuận, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã gửi đề xuất Bộ GTVT đổi tên gọi trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ thành trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ nhằm thống nhất tên gọi phù hợp, đơn giản, dễ hiểu, được người dân, doanh nghiệp đồng tình chấp thuận.
Theo dự thảo mới của Bộ GTVT lấy ý kiến góp ý từ ngày 13/8-13/10/2019, Bộ này đã sửa “trạm thu giá” thành trạm thu phí như tên gọi cũ. Đây là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông. Đơn vị thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án hoặc đơn vị được nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện việc bán, kiểm soát vé thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Về quy định về việc xây dựng trạm thu phí, trạm thu phí được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo phải tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và thiết kế phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với trường hợp áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài, công nghệ thu phải được chuẩn hóa, đồng bộ dữ liệu và phù hợp với công nghệ chung của các trạm thu phí đang áp dụng và được Bộ GTVT chấp thuận.
Trạm thu phí phải áp dụng hệ thống công nghệ thu một dừng, thu điện tử tự động không dừng sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định của Bộ Giao thông vận tải. Việc xây dựng hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Toàn bộ hệ thống công nghệ thu, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải đảm bảo kết nối trực tuyến, ổn định và liên tục với hệ thống quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dự thảo thông tư cũng nêu rõ về vị trí trạm thu phí. Theo đó, vị trí trạm thu phí phải được công khai khi công bố dự án và được xác định trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của nhà nước; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng); phải thuận lợi cho việc thu tiền, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án đối với dự án đối tác công tư.
Đối với các trạm thu phí thu theo hình thức thu hở, vị trí trạm thu phí phải được công khai cho chính quyền cấp quân (huyện) và nhân dân địa phương trong thời gian 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm thu phí. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức công bố công khai vị trí trạm thu phí tại trụ sở Ủy ban nhân dân quận (huyện), phường (xã) nơi dự kiến đặt trạm thu phí.
Đối với quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án và được lấy ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trạm thu phí.
Đối với đường địa phương đấu nối vào quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ GTVT. Trường hợp đường địa phương không đấu nối vào quốc lộ, vị trí trạm thu phí do cấp quyết định đầu tư chấp thuận sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận.
Đơn vị thu phí phải tổ chức hoạt động của trạm thu phí tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, quy định; thực hiện việc bảo trì công trình đúng quy định, tổ chức giao thông an toàn, thông suốt. Xây dựng quy trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp với công nghệ thu đang áp dụng tại trạm thu phí và quy định nội bộ về kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý sự cố trong quá trình thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Bộ GTVT cũng yêu cầu đơn vị thu phí phải phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương nơi đặt trạm thu phí để giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông, bảo đảm không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ; xử lý kịp thời các hành vi gian lận (không mua vé, sử dụng vé giả, quay vòng vé, vé không đúng chủng loại) trong quá trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Bộ GTVT thông tin, lí do chuyển từ cơ chế quản lý phí sang cơ chế quản lý giá đã có lộ trình cụ thể và được thực hiện theo Luật phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua. Giai đoạn từ 1/1/2017 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.
Theo danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá ban hành kèm theo Phụ lục 02 của Luật phí và lệ phí của Quốc hội có 17 loại phí được chuyển thành giá sản phẩm, dịch vụ trong đó “Phí sử dụng đường bộ” được chuyển đổi thành “Giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.