Bổ sung 6.300 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương cho cao tốc Bắc - Nam

Trong gần 8.700 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 được bổ sung thêm cho Bộ GTVT, trong đó dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ được bổ sung 6.300 tỷ đồng.

Ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án đường cao tốc do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản và tiến độ giải ngân, bố trí vốn cho các dự án.

Báo cáo với Bộ trưởng, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KH-ĐT) cho biết, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 62.600 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương. Trong đó, các dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm được phân bổ khoảng 45.000 tỷ đồng, chiếm 72% nguồn vốn được giao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 8.680 tỷ đồng bổ sung từ nguồn tăng thu Ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án trọng điểm của Bộ GTVT, trong đó chủ yếu bổ sung cho các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là 6.300 tỷ đồng để tiếp tục triển khai. Các Bộ đang hoàn chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ được bố trí trong tháng 8/2024.

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (ảnh VGP News).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (ảnh VGP News).

"Nếu tính cả nguồn được phân bổ thêm, tổng kế hoạch vốn Bộ GTVT được giao năm nay là 71.280 tỷ đồng", ông Thìn thông tin.

Về kết quả giải ngân, tính đến ngày 15/7, Bộ GTVT giải ngân được khoảng 27.500/62.600 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch được giao. Các dự án thuộc danh mục các công trình trọng điểm giải ngân 22.018/45.000 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch năm.

Trong đó, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân gần 2.700 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch. Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân 16.765 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch, phù hợp với tiến độ yêu cầu.

Đảm bảo tiến độ giải ngân trong năm, Vụ KH-ĐT đề nghị các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng ngay khi có khối lượng theo đúng quy định.

"Hiện, khối lượng giải ngân các dự án cao tốc Bắc - Nam tương đối cao nhưng chủ yếu tập trung vào các công trình trên tuyến (cầu, hầm), khối lượng thi công nền đường còn tương đối nhiều. Mùa mưa sắp đến, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thi công nền đường để kịp hoàn thành dự án", lãnh đạo Vụ KH-ĐT đề nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao tinh thần vào cuộc quyết liệt của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án trong triển khai thi công, đưa dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2) bám sát tiến độ.

"Ngoài hai đoạn tuyến khu vực đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau và 1 đoạn tuyến khu vực Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi - Hoài Nhơn), các dự án thành phần khác cơ bản sẽ được hoàn thành từ 30/4 - 30/9/2025. Đây là sự quyết tâm rất lớn từ lãnh đạo Bộ GTVT đến chủ đầu tư, nhà thầu", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Qua các cuộc đi thị sát trực tiếp tại hiện trường, Bộ trưởng đánh giá quá trình triển khai thi công vẫn còn sự lúng túng trong phối hợp, "còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành đồng bộ các tuyến cao tốc theo kế hoạch trong năm 2025".

Đảm bảo thời gian về đích của dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các ban QLDA phối hợp xây dựng kế hoạch thi công các hạng mục quyết định tiến độ từng dự án, từ hạ tầng tuyến chính, đường gom, đường dân sinh đến hệ thống trạm dừng nghỉ, ITS (giao thông thông minh, camera, trạm kiểm soát trọng tải xe, hệ thống thu phí).

Bên cạnh việc quyết liệt phối hợp giải quyết vướng mắc về mặt bằng, chủ đầu tư phải chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công "3 ca, 4 kíp", đảm bảo khối lượng thi công cao nhất trong mùa khô. Nhà thầu không đảm bảo phải điều chuyển khối lượng ngay", Bộ trưởng chỉ đạo.

Đặc biệt với công tác giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng yêu cầu: Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải giải ngân 100% vốn được giao. Các Ban QLDA có khả năng đẩy nhanh tiến độ bổ sung đăng ký theo nhu cầu.

"Quan điểm của Bộ GTVT là không hạn chế khối lượng đăng ký. Ban QLDA nào có nhu cầu vốn cần sớm trình Vụ chuyên môn báo cáo lãnh đạo Bộ theo thẩm quyền để thực hiện điều chuyển vốn ngay, tạo điều kiện cho nhà thầu yên tâm thi công", Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Đối với các dự án cao tốc trục ngang trọng điểm như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA 85 phối hợp với địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, chậm nhất tháng 9/2024 bàn giao 100% để kịp thời gian hoàn thành năm 2025.

Về nguồn vật liệu thi công, Bộ trưởng chỉ đạo Ban QLDA phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng nghiên cứu thủ tục trong trường hợp sử dụng đất đắp từ dự án sân bay Long Thành cho dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đảm bảo nguồn vật liệu hỗ trợ cho dự án.

"Chúng ta phải làm rất nhanh, phải làm rõ việc sử dụng đất từ dự án khác cần điều kiện gì, Bộ cần có ý kiến như thế nào với cơ quan chức năng, giải pháp thi công cũng cần phải tính kỹ, bảo đảm dự án có thể khánh thành trước 31/12/2025", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Bộ trưởng chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng phải rốt ráo hơn nữa, tăng tốc huy động vật liệu.

"Các vụ, cục chuyên ngành của Bộ phải phát huy trách nhiệm cao nhất giải quyết kịp thời các kiến nghị của các ban QLDA, không để ứ đọng, ảnh hưởng tiến độ chung của dự án. Trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu xảy ra tình trạng chậm", Bộ trưởng quyết liệt.

Nguyễn Triệu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bo-sung-6300-ty-dong-nguon-tang-thu-ngan-sach-trung-uong-cho-cao-toc-bac--nam-d50436.html