Bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung nhằm phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, chiều 28.5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Thể hiện rõ các nội dung đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện có 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều). Dự luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP. Hà Nội trên một số lĩnh vực; thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị có liên quan đến các chính sách được thể hiện trong dự thảo Luật.

Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, có ý kiến đề nghị chỉnh sửa tên gọi của Chương II thành “Tổ chức chính quyền đô thị” để bảo đảm phù hợp với nội dung các quy định của Chương này. Ý kiến khác đề nghị đổi tên Chương II thành “tổ chức chính quyền Thủ đô” hoặc “Tổ chức chính quyền các cấp Thủ đô”.

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý tên gọi của Chương II là “Tổ chức chính quyền đô thị” để thể hiện rõ các nội dung đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị sẽ được áp dụng tại TP. Hà Nội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, có ý kiến đề nghị Chương II chỉ quy định những chính sách đặc thù áp dụng cho TP. Hà Nội mà không quy định lại những nội dung đã có trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rà soát, lược bỏ các quy định có sự trùng lặp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương như không quy định về trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội trong việc quy định tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP. Hà Nội, không quy định về tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các huyện của Hà Nội vì các nội dung này tiếp tục thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Riêng nội dung về phân cấp, ủy quyền, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, dự thảo Luật đã tập hợp, bổ sung, sắp xếp lại các quy định về nguyên tắc và các nội dung cụ thể về phân cấp, ủy quyền trong dự thảo Luật do Chính phủ trình để quy định thành một điều riêng trong dự thảo Luật (Điều 14) nhằm bảo đảm rõ ràng về chủ thể được phân cấp, ủy quyền, đối tượng được nhận phân cấp, ủy quyền, nội dung và trách nhiệm trong phân cấp, ủy quyền thay thế cho việc áp dụng các quy định về phân cấp, ủy quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Làm rõ hơn chủ thể, đối tượng, phạm vi được phân cấp, ủy quyền

Về phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND (Điều 14 mới), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự thảo Luật bổ sung một số quy định nhằm làm rõ hơn chủ thể, đối tượng, phạm vi được phân cấp, ủy quyền so với các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Đồng thời, để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, tránh lạm dụng, ủy quyền tràn lan, dự thảo Luật giao HĐND TP. Hà Nội quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền cho công chức thuộc UBND cấp xã, phân cấp, ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (khoản 6 Điều 14); giao UBND TP. Hà Nội quy định việc điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết công việc phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền (khoản 7 Điều 14); giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của TP. Hà Nội và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát việc thực hiện các nội dung được phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật này (điểm a khoản 6 Điều 52 của dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý).

Có ý kiến đề nghị cần xác định rõ phạm vi nội dung chính quyền TP. Hà Nội được phân cấp, ủy quyền; đề nghị bổ sung đầy đủ quy định về phân cấp, ủy quyền tại Điều này bảo đảm đồng bộ, thống nhất với nội dung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5.3.2020 của Chính phủ về công tác văn thư.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Điều 14 của dự thảo Luật chỉ quy định một số vấn đề mang tính chất nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND. Những vấn đề cụ thể như phạm vi công việc được phép phân cấp, ủy quyền; hồ sơ, hình thức văn bản ủy quyền sẽ do UBND TP. Hà Nội quy định cụ thể bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và yêu cầu, điều kiện thực tiễn của địa phương.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/bo-sung-chinh-ly-nhieu-noi-dung-nham-phan-quyen-manh-me-cho-chinh-quyen-thanh-pho-ha-noi-i373080/