Bổ sung quy định cho phép người lao động hưởng lương hưu sớm

Sáng 27-5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.

ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) quan tâm đến nội dung giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. ĐB Vương Thị Hương khẳng định, chính sách này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 của Trung ương (về cải cách chính sách BHXH) là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển, tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH.

 Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận sáng 27-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận sáng 27-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp vào mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất. Đây là điều mà nhiều người lao động đang rất băn khoăn và lo ngại có thể dẫn đến xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai. Do vậy, ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống.

ĐB Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cũng quan tâm đến quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm từ 20 năm xuống còn 15 năm. ĐB cho rằng, nếu phương án này được thông qua sẽ có một nhóm người lao động tham gia BHXH muộn, tức là khoảng 45-47 tuổi mới tham gia, hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng. ĐB cho rằng, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế, sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già cho người lao động.

Điều 53 dự thảo nêu trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho mỗi lần khám thai. ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết, trên thực tế, qua tiếp xúc cử tri là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, có nhiều ý kiến đối với nội dung này khi lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sĩ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày.

Dự thảo luật quy định cho lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần, nếu thai phát triển trong điều kiện bình thường, còn nếu thai phát triển không bình thường thì bác sĩ chỉ định sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày... phải đi tái khám để bác sĩ theo dõi. Như vậy, thời gian quy định như dự thảo chỉ được nghỉ không quá 5 lần là quá thấp đối với những trường hợp thai phát triển không bình thường.

Để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt cho phụ nữ lao động đang mang thai yên tâm làm việc, ĐB đề nghị cũng cần nên xem xét, quy định lựa chọn có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tăng số lần khám thai lên 9-10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt.

 ĐB Nguyễn Tri Thức, TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Tri Thức, TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) cũng cho rằng, dự luật nên chia ra 2 trường hợp là thai bình thường và thai bệnh lý. Với thai bình thường, số lần nghỉ việc để đi khám thai là 5, nhưng có thể cho người lao động lựa chọn nghỉ liên tiếp hoặc cách ngày, do họ thường phải chờ kết quả xét nghiệm để khám tiếp. Với trường hợp bệnh lý, nên cho phép bác sĩ quyết định để thai phụ được nghỉ bao nhiêu lần, ngày để phù hợp với tình trạng bệnh. ĐB Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cũng đề nghị nghiên cứu tăng số lần đi khám thai tối thiểu là 5 lần, số lần có thể nhiều hơn 5 lần đối với trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận). Ảnh: QUANG PHÚC

Về trợ cấp hưu trí xã hội, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, dự thảo quy định đủ 75 tuổi trở lên, nhưng độ tuổi này là quá cao so với tuổi thọ trung bình của dân số cả nước ta hiện nay (theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, tuổi thọ trung bình của dân số nước ta là 73,7 tuổi, năm 2022 là 73,6 tuổi). Về điều kiện để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, ĐB cho rằng, thực tế hiện nay, có những người thỏa mãn điều kiện nhưng lại có thu nhập rất cao từ các nguồn khác như hỗ trợ của con cái hoặc các nguồn thu nhập hợp pháp khác, nhưng vẫn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Do đó, ĐB cho rằng, nên hạ điều kiện về độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống bằng hoặc thấp hơn tuổi thọ trung bình của nước ta hiện nay, đồng thời bổ sung thêm điều kiện không có nguồn thu nhập ổn định khác để phù hợp với tình hình thực tế.

ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) quan tâm đến vấn đề tiền lương hưu do nghỉ hưu sớm. Thực tế, nhiều người lao động có nguyện vọng nghỉ hưu sớm, do đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này cần bổ sung quy định cho phép người lao động hưởng lương hưu sớm và thời gian nghỉ sớm tối đa là 5 năm so với tuổi nghỉ hưu.

 Đại biểu Trần Kim Yến. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Trần Kim Yến. Ảnh: QUANG PHÚC

Về bổ sung là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) cho rằng, bản chất nhóm đối tượng này khác với người lao động làm công ăn lương. Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang BHXH bắt buộc mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng BHXH tự nguyện.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-sung-quy-dinh-cho-phep-nguoi-lao-dong-huong-luong-huu-som-post741778.html