Bộ Tài chính chuẩn bị cho vận hành sàn giao dịch các-bon
Dự án hỗ trợ kỹ thuật do UNOPS tài trợ giúp Bộ Tài chính nâng cao năng lực xây dựng sàn giao dịch tín chỉ các-bon, bước then chốt trong chuyển dịch xanh.
Ngày 22/4/2025 tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp cùng Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP, UNOPS) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực cho Bộ Tài chính trong nghiên cứu mô hình và chuẩn bị vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam” (Dự án).

Các đại biểu tham dự hội thảo
Đây là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa các chỉ đạo của Chính phủ về phát triển thị trường các-bon. Đồng thời, khẳng định rõ vai trò điều phối, kiến tạo thể chế của Bộ Tài chính trong tiến trình chuyển dịch xanh quốc gia.
Tăng năng lực thể chế và quản lý vận hành
Việc thành lập thị trường các-bon tại Việt Nam đã được cụ thể hóa tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025, phê duyệt Đề án phát triển thị trường các-bon trong nước với lộ trình cụ thể gồm hai giai đoạn: Thí điểm trong giai đoạn 2025 - 2028 và chính thức từ năm 2029.

Bà Đặng Hồng Hạnh phát biểu tại hội thảo
Bà Đặng Hồng Hạnh, Trưởng nhóm, chuyên gia giảm nhẹ biến đổi khí hậu, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) - cho biết: Theo đề án, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì thiết kế, tổ chức và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon - trung tâm của thị trường các-bon Việt Nam.
Đây là nhiệm vụ có tính chất cốt lõi, đòi hỏi năng lực quản trị thị trường cao, sự phối hợp liên ngành và đặc biệt là khả năng hoạch định chính sách tài chính, thuế và định giá các-bon phù hợp với thông lệ quốc tế.
"Dự án hỗ trợ kỹ thuật do UNOPS/ETP tài trợ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của Bộ Tài chính về kiến thức, kỹ năng và mô hình vận hành sàn giao dịch các-bon. Dự án tập trung vào hai hợp phần chính: Nghiên cứu mô hình tổ chức - quản trị sàn giao dịch phù hợp điều kiện Việt Nam; đào tạo thực tế, cập nhật bài học từ các quốc gia có kinh nghiệm như Trung Quốc, Anh, Mỹ"- bà Hạnh nhấn mạnh.
Từ cơ chế thử nghiệm đến khung thị trường bền vững
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Tô Nguyễn Cẩm Anh - Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính - cho biết: Bộ Tài chính được giao là cơ quan chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định về sàn giao dịch các-bon trong nước.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho Bộ Tài chính trong nghiên cứu mô hình và chuẩn bị vận sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam do ETP thuộc Văn phòng UNOPS tài trợ, mục đích nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thiết lập thị trường các-bon tại Việt Nam,
Hội thảo đã trình bày tổng quan lộ trình xây dựng sàn giao dịch, xác định rõ các bước triển khai trong giai đoạn thí điểm, từ xây dựng quy chế giao dịch, vận hành hệ thống đăng ký - xác minh tín chỉ các-bon, đến mô hình kết nối với các cơ sở phát thải và đơn vị trung gian.
Đáng chú ý, dự án còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế, như TS. Michael Mehling (MIT, Mỹ) và GS. Zhang Xiliang (Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc), nhằm chia sẻ kinh nghiệm từ các sàn giao dịch lớn như California ETS hay thị trường các-bon Trung Quốc - hiện là thị trường lớn nhất thế giới.

Bà Tô Nguyễn Cẩm Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính
"Những bài học này sẽ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng trong việc nghiên cứu, xây dựng sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Chúng tôi mong muốn qua hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp và đề xuất từ các chuyên gia, đại diện bộ, ngành, tổ chức để Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu đề xuất trong xây dựng sàn giao dịch tín chỉ các-bon có hiệu quả"- bà Cẩm Anh nhấn mạnh.
Việc hình thành thị trường các-bon nội địa không chỉ là một cam kết chính trị với quốc tế, mà còn là công cụ hiệu quả để huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, sàn giao dịch các-bon chính là “nút thắt” kỹ thuật và thể chế cần được tháo gỡ để thị trường có thể vận hành công bằng, hiệu quả.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay không nằm ở công nghệ mà là thể chế, đặc biệt là khả năng điều tiết thị trường, bảo đảm sự công bằng và minh bạch trong giao dịch. Đây chính là lĩnh vực mà Bộ Tài chính - với kinh nghiệm điều hành hệ thống thị trường chứng khoán và các sàn giao dịch tập trung - có thể phát huy vai trò chủ lực.
Cũng theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ khung pháp lý hướng dẫn vận hành sàn giao dịch trong giai đoạn thí điểm. Dự kiến đến cuối năm 2025, Việt Nam sẽ có phiên giao dịch thử nghiệm đầu tiên cho một số loại tín chỉ đã được xác minh. Điều này tạo tiền đề cho việc mở rộng quy mô giao dịch và kết nối thị trường các-bon quốc tế trong tương lai.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế và quyết tâm chính trị rõ ràng, Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò chủ động trong cuộc chơi các-bon toàn cầu.