Bộ trưởng GTVT chỉ ra 2 khâu cốt tử để làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát là hai khâu cốt tử quyết định dự án có đúng tiến độ và đội vốn hay không.
Chiều 20-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đa phần đại biểu ủng hộ việc triển khai dự án vì các điều kiện đã chín muồi nhưng lưu ý cần thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để Việt Nam làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Điều kiện triển khai dự án đã chín muồi
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) chia sẻ đường sắt tốc độ cao đã được nhiều nước đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả cao. Bản thân ông đã từng trải nghiệm ở châu Âu và mong muốn Việt Nam cũng có loại hình giao thông này.
“15 năm trước chúng ta đã thảo luận về dự án này nhưng lúc đó chưa đáp ứng được về nguồn lực. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta có thể tự tin khi hội tụ nhiều điều kiện để thực hiện dự án này” - ông Ngân nói và nhấn mạnh khi dự án đi vào hoạt động sẽ giúp đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt đi qua.
Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng “đây là dự án rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước”, do vậy phải được đánh giá rất kỹ, để lựa chọn được phương án phù hợp nhất.
Dẫn chứng bài học triển khai các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, ông Cường phân tích nếu làm theo phương thức cũ sẽ tiếp tục đối mặt với các rủi ro chậm tiến độ, đội vốn và lệ thuộc vào nước ngoài về công nghệ.
Theo ông Cường, nếu kết hợp dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với các dự án đường sắt đô thị Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, Việt Nam sẽ có một thị phần đường sắt khoảng 150 tỉ USD.
“Đây là thị trường đủ lớn để nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài” - đại biểu đoàn Hà Nội nói và đề nghị việc đầu tư dự án phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để Việt Nam làm chủ quá trình đầu tư cũng như phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Dự án được xem xét cẩn trọng
Cùng nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho hay hiện Chính phủ đã đề xuất công nghệ chạy trên ray, công nghệ đoàn tàu động lực phân tán với tàu khách, tàu hàng áp dụng công nghệ động lực tập trung, thông tin tín hiệu áp dụng như một số nước. Nhưng chưa rõ công nghệ theo khung tiêu chuẩn nào, tỉ lệ nội địa hóa là bao nhiêu?
“Tôi đề nghị có định hướng lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải đảm bảo tính phổ quát nhằm nâng cao cạnh tranh trong việc lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Đề án phát triển công nghiệp cần xây dựng lộ trình, nguồn lực cụ thể để đảm bảo việc chuyển giao và tiếp nhận công nghệ phù hợp với tiến độ dự án” - ông Sơn nói.
Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết dự án được nghiên cứu trong thời gian dài tới 18 năm, hồ sơ được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
“Dự báo vận tải, tiềm lực cho thấy năm 2027 là thời điểm thích hợp triển khai đầu tư” - ông nói và cho hay Trung ương, Bộ Chính trị đã thảo luận rất kỹ về chủ trương đầu tư, các yếu tố, điều kiện để triển khai dự án.
Về công nghệ, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng là đảm bảo hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới, chưa quy định ngay tiêu chuẩn để tránh áp đặt công nghệ cho các bước tiếp theo. Đặc biệt, Bộ trưởng GTVT cũng nhấn mạnh có hai khâu “mang tính chất cốt tử” trong tổ chức thực hiện dự án phải thuê nước ngoài đó là tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát. Theo ông, hai khâu này quyết định dự án có đúng tiến độ và đội vốn hay không.
“Đại biểu mong dự án làm càng sớm càng tốt thì Chính phủ, bộ và cá nhân tôi cũng rất mong. Tuy nhiên, với dự án lớn như thế này thì thời gian chuẩn bị là vô cùng quan trọng, vì nếu không đủ thời gian là nguy hiểm, gây hệ lụy như mấy tuyến đường sắt vừa qua chúng ta bị chậm” - Bộ trưởng Bộ GTVT bày tỏ.