Bộc lộ nhiều bất cập quản lý cây xanh trong trường học
Cây cổ thụ đổ trong trường học gây thương tích gióng lên hồi chuông cảnh báo về 'lỗ hổng' quản lý cây xanh...
Ở nhiều địa phương, trường học luôn chú trọng đến mảng xanh để học sinh học tập, vui chơi. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn, tránh xảy ra tai nạn do cây đổ là vấn đề cần quan tâm. Mới đây, vụ cây cổ thụ đổ trong trường học tại TPHCM gây thương tích lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về “lỗ hổng” quản lý cây xanh.
Cây chết rễ nhưng trường không biết
Sáng 3/4, một cây điệp 20 tuổi trong khuôn viên Trường THCS Trần Văn Ơn (Quận 1) bất ngờ đổ ra đường Nguyễn Văn Thủ làm 7 người bị thương. Điều đáng nói, cây xanh này vừa được nhà trường kiểm tra, rà soát định kỳ cuối tháng 2/2023. Thời điểm kiểm tra ghi nhận cây vẫn phát triển bình thường, không phát hiện dấu hiệu hư hỏng. Lực lượng kiểm tra gồm một thành viên ban giám hiệu, bộ phận phụ trách cơ sở vật chất, nhân viên bảo vệ và kế toán của trường.
Cô Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, cho biết: “Hàng năm, trường kiểm tra định kỳ tất cả cây xanh trong khuôn viên, tuy nhiên việc kiểm tra chỉ dựa vào quan sát bằng mắt và kinh nghiệm chăm sóc cây. Vào dịp Hè, trường mới phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM thực hiện kế hoạch bảo dưỡng, chỉnh đốn, cắt tỉa những cây có dấu hiệu hư hỏng”.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tai nạn đổ cây trong trường học. Năm 2020, một cây phượng cổ thụ trong Trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TPHCM) bất ngờ đổ khiến 1 học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương. Sau đó, nhiều trường học có cây xanh, đặc biệt cây cổ thụ trong khuôn viên trường đã tổng rà soát, tỉa cành, nhánh để đảm bảo an toàn.
TS Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên (Trường ĐH Nông Lâm TPHCM), chia sẻ, cây bật gốc có thể do tuổi đã “già”, bộ rễ hư hỏng. Ngoài ra không loại trừ khả năng cây được trồng khi đã trưởng thành, như vậy rất nguy hiểm bởi hệ rễ sẽ không phát triển. Mặt khác trong môi trường trường học, với nền xi măng, rễ cũng khó phát triển. Thực tế, cây trong đô thị tuổi thọ thấp hơn cây ngoài tự nhiên. Nhiều trường hợp, nếu kiểm tra cây bên ngoài sẽ khó đánh giá được bộ rễ hoặc thân cây bên trong.
Cũng theo TS Diệp, trên thực tế, muốn cây phát triển xanh tốt, rễ bám chắc phải trồng cây từ nhỏ. Tất nhiên cây nhỏ không có nghĩa quá bé, cây phát triển từ 2 - 3 mét là có thể trồng được. Như vậy từ từ cây sẽ phát triển bình thường. Các trường học cần có đơn vị chuyên ngành chăm sóc cây. Đặc biệt muốn trồng cây gì trong trường phổ thông cũng phải có đơn vị chuyên môn tư vấn để cây phát triển bình thường và tùy theo không gian trường bố trí cây hợp lý.
“Ở nhiều nước trên thế giới, việc trồng cây xanh phải có lí lịch cụ thể. Chẳng hạn: Trồng như thế nào, ở đâu, nguồn gốc ra sao để cơ quan chuyên môn theo dõi, kiểm tra… từ đó nắm được tuổi của cây, các bệnh cây mắc phải để xử lý kịp thời. Ngoài ra, một số nước còn có máy siêu âm kiểm tra bộ rễ hoặc bên trong thân cây. Tuy nhiên thiết bị này có chi phí rất cao”, TS Diệp nói.
Còn nhiều bất cập
Thầy Phạm Thanh Yên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1, TPHCM), cho biết, mảng xanh rất quan trọng để học sinh học tập và vui chơi. Xác định rõ điều này những năm qua nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn và chăm sóc cây xanh. Cụ thể, đơn vị đã hợp đồng với 2 nhân viên làm vườn để chăm sóc mảng xanh trong trường. Nếu phát hiện cây có mối, mọt hay thân bị khô… các nhân viên sẽ báo với nhà trường, từ đó ban giám hiệu mời các công ty có chuyên môn đến kiểm tra.
“Bình quân mỗi năm định kỳ 1 - 2 lần trường đều hợp đồng với công ty cây xanh của TPHCM đến kiểm tra, chăm sóc, tỉa cây và thường xuyên thăm khám các cây cổ thụ lâu năm để đảm bảo an toàn học đường. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới bắt đầu mùa mưa bão, nhà trường cũng đang làm kế hoạch nhờ các bên chuyên môn đến khám cây. Các cây lớn ở trường đa phần là me tây, phượng… nhìn bên ngoài tốt tươi nhưng trong thân có thể mối mọt. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong công tác chăm sóc cây vẫn là kinh phí”, thầy Yên chia sẻ.
Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi (Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là một trong số ít ngôi trường còn giữ lại các cây xanh cổ thụ lớn. Theo thầy Lê Kinh Đô, Hiệu trưởng, hiện khuôn viên trường có 7 cây cổ thụ. Để đảm bảo an toàn, trường đã hợp đồng cùng các đơn vị chuyên về cây xanh để bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ vào đầu năm học và trước mùa mưa bão. “Mỗi năm nhà trường chi khoảng 10 triệu đồng cho công tác bảo dưỡng, kiểm tra đánh giá mức độ an toàn và chi phí vận chuyển bẻ nhánh, cành cây xanh trong trường. Hầu hết, các chi phí trên đều được trường thực hiện xã hội hóa”, thầy Đô cho biết.
Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), chia sẻ: “Chi phí duy tu, bảo dưỡng hay tỉa cành tương đối nhỏ nên trường có thể chủ động trích từ kinh phí hoạt động hằng năm. Tuy nhiên, trường đang gặp khó trong việc tìm kiếm chuyên gia đánh giá, thẩm định mức độ an toàn cây xanh. Đặc biệt, với cây cổ thụ phải thuê chuyên gia các tỉnh khác. Hiện, đơn vị công trình đô thị tại địa phương chủ yếu đến bảo dưỡng, kiểm tra và tỉa nhánh, cành trước và trong mùa mưa bão”.
“Để vừa giữ mảng xanh vừa bảo đảm an toàn, trong sân trường chỉ nên trồng những loại cây có hệ rễ phát triển tốt, cành nhánh dẻo dai. Bên cạnh đó, không nên trồng tràn lan, nên cân nhắc nếu khuôn viên trường chật hẹp cần chọn giải pháp khác để tăng mảng xanh, còn cây cổ thụ chỉ phù hợp với không gian rộng. Về lâu dài, các cây cổ thụ phải được giám định để có kế hoạch thay thế, cây nào cần để lại hay đốn bỏ”, ông Đinh Quang Diệp chia sẻ.