Vai trò của phụ nữ Khmer trong phát triển du lịch nông thôn

Phụ nữ Khmer không chỉ là người kế tục những điệu múa truyền thống, là người giữ lửa các công thức nấu ăn cổ truyền, mà còn là những người hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm đời sống tín ngưỡng bản địa.

Phụ nữ Khmer - trái tim của văn hóa và du lịch

Nhóm tác giả Nguyễn Thị Hồng Nhâm, Nguyễn Văn Dũng, Phan Thị Ánh Hồng, Nguyễn Thị Xuân Quỳnh (Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam) đã có nghiên cứu tập trung vào phân tích vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là phụ nữ Khmer, trong phát triển du lịch nông thôn tại hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh cũ.

Phụ nữ Khmer không chỉ đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống mà còn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương thông qua du lịch nông thôn.

Phụ nữ Khmer không chỉ đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống mà còn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương thông qua du lịch nông thôn.

Nghiên cứu trên được đưa ra tại Hội thảo Khoa học Quốc gia "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo khu vực phía Nam" do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Theo đó, từ tháng 03/2024 đến tháng 06/2024 nhóm cán bộ đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính thực hiện 12 phỏng vấn sâu được chia thành hai nhóm chính: (1) Nhóm cán bộ và chính quyền địa phương gồm 3 người (2 nữ, 1 nam), có vai trò cung cấp cái nhìn tổng quan về chính sách và đánh giá tác động của các chương trình hỗ trợ; (2) Nhóm cư dân tham gia hoạt động du lịch nông thôn gồm 9 người (tất cả là nữ), đại diện cho các lĩnh vực như homestay, trang trại, ẩm thực và làng nghề, cung cấp thông tin trực tiếp từ trải nghiệm thực tế và góc nhìn từ phía cộng đồng tại 02 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh (cũ): những trải nghiệm cá nhân trong quá trình tham gia phát triển du lịch nông thôn, thách thức và rào cản gặp phải; cơ hội và lợi ích từ việc tham gia du lịch; Động lực thúc đẩy sự tham gia; quan điểm về vai trò của phụ nữ Khmer trong phát triển du lịch nông thôn…

Kết quả nghiên cứu cho thấy, phụ nữ Khmer không chỉ đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống mà còn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương thông qua du lịch nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Dấu ấn "văn hóa sống"

Những khoảnh khắc phụ nữ Khmer hướng dẫn du khách dâng lễ ở chùa, pha trà mật ong, biểu diễn những khúc nhạc Khmer… từng bước hình thành nên dấu ấn "văn hóa sống" lai giữa du lịch và cộng đồng.

Theo khảo sát thực tế, hơn 78% các điểm du lịch gắn với cộng đồng Khmer mang dấu ấn của phụ nữ - từ tổ chức sự kiện, dẫn tour, đến biểu diễn nghệ thuật. Tại Trà Vinh, số làng nghề do phụ nữ Khmer thực hiện tăng từ 12 lên 18 chỉ trong 4 năm (2018-2022), trong khi tại Sóc Trăng, phụ nữ Khmer chiếm 85% người biểu diễn tại các hoạt động nghệ thuật phục vụ du khách.

Tinh thần gìn giữ văn hóa cùng khả năng giao tiếp khéo léo giúp họ không chỉ giữ chân du khách ở lại lâu hơn mà còn truyền cảm hứng cho họ về sự độc đáo, mộc mạc, có hồn nơi miền quê Khmer.

Không chỉ là người giữ gìn văn hóa, phụ nữ Khmer còn là người sản xuất và điều hành du lịch tại các homestay, farmstay và điểm ẩm thực. Tại Sóc Trăng, ước tính có khoảng 120.000 lượt khách lưu trú tại các homestay do phụ nữ Khmer quản lý, chiếm khoảng 25% lưu lượng khách nội tỉnh. Cùng với đó, những homestay này đóng góp trực tiếp khoảng 18% vào tổng doanh thu ngành du lịch của tỉnh (UBND Sóc Trăng, 2023).

Nhờ đó, nguồn thu nhập của nhiều hộ gia đình Khmer tăng đáng kể, từ thu nhập phụ sống nhờ nông nghiệp tiến tới đời sống ổn định hơn, góp phần giảm nghèo và phát triển cộng đồng.

Rào cản trên hành trình phát triển

Dù vai trò quan trọng, phụ nữ Khmer vẫn gặp phải nhiều rào cản trong việc phát triển du lịch nông thôn. Trong đó có thể kể đến việc phần lớn phụ nữ Khmer gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn do thiếu tài sản thế chấp, quy trình vay vốn phức tạp và không ổn định về lượng khách. Nhiều người e ngại rủi ro khi đầu tư kinh doanh du lịch.

"Lướt sóng bằng tay không" là khái niệm được đề cập đến khi nhiều homestay, farmstay hoạt động phần lớn dựa vào kỹ năng tự học, chưa hệ thống. Khảo sát cũng cho thấy phụ nữ Khmer thiếu kỹ năng quản lý tài chính, marketing và ứng dụng công nghệ. Họ thường ghi chép thủ công, không sử dụng phần mềm quản lý hay các nền tảng đặt phòng trực tuyến rất phổ biến hiện nay như Booking hoặc Agoda. Tỷ lệ có website hoặc trang mạng xã hội quảng bá dịch vụ còn rất thấp. Điều này khiến họ khó kiểm soát dòng tiền, hoạch định phát triển bền vững.

Phụ nữ Khmer giữ vai trò trung tâm trong gìn giữ và truyền bá văn hóa truyền thống, tham gia tổ chức, điều hành các điểm du lịch văn hóa Khmer.

Phụ nữ Khmer giữ vai trò trung tâm trong gìn giữ và truyền bá văn hóa truyền thống, tham gia tổ chức, điều hành các điểm du lịch văn hóa Khmer.

Chỉ 18% phụ nữ Khmer từng tham gia các khóa đào tạo nghề liên quan đến du lịch, chủ yếu là các lớp ngắn hạn, chưa đủ để nâng cao năng lực quản lý dài hạn (Sở LĐTBXH Trà Vinh, 2021).

Phụ nữ Khmer thường bị ràng buộc bởi vai trò truyền thống trong gia đình, ít có cơ hội tham gia lãnh đạo hoặc hoạch định chính sách (tỷ lệ phụ nữ DTTS giữ chức vụ quản lý cấp xã chỉ khoảng 15,5%). Họ còn chịu "gánh nặng kép" giữa việc chăm lo gia đình và tìm kế sinh nhai. Quan niệm văn hóa truyền thống đôi khi làm giảm cơ hội tham gia vào kinh doanh hoặc học hỏi mô hình du lịch mới.

Đặc biệt, vay vốn ngân hàng vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ Khmer. Họ thường không có tài sản thế chấp, quy trình thủ tục rườm rà, lãi suất dù ưu đãi vẫn cao, trong khi lượng khách không ổn định khiến họ ngại rủi ro. Ngân hàng yêu cầu khắt khe, lịch sử tín dụng không rõ ràng khiến họ thường bị từ chối hoặc chỉ tiếp cận được các khoản vay nhỏ, không đủ để đầu tư mở rộng.

Chỉ có 18% phụ nữ Khmer tham gia đào tạo nghề liên quan đến du lịch - chủ yếu là các lớp ngắn hạn. Sau đó, gần như không có bồi dưỡng tiếp theo, khiến kỹ năng và kiến thức nhanh chóng lỗi thời trong bối cảnh du lịch hiện đại.

Khảo sát của Sở LĐ-TBXH Trà Vinh năm 2021

Khoảng cách này khiến họ dễ bị bỏ lại phía sau, khó tiếp cận khách quốc tế, khó mở rộng thị trường và nâng cao doanh thu.

Bóng dáng cũ bên lề hiện đại là điều mọi người đề cập đến khi nhắc đến việc phụ nữ Khmer còn chịu gánh nặng kép: vừa chăm sóc gia đình, vừa theo đuổi đam mê du lịch; trong khi các vị trí lãnh đạo, ra quyết định đa phần thuộc về nam giới. Quan niệm truyền thống đôi khi khiến họ tự ti, hạn chế tham gia kinh doanh hoặc phát triển dự án du lịch mới.

Hành trình này không chỉ là câu chuyện của riêng địa phương nào, mà là minh chứng sống động cho chiến lược phát triển du lịch văn hóa bền vững, bình đẳng giới, và trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số - phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

Nghiên cứu khẳng định vai trò thiết yếu của phụ nữ Khmer trong phát triển du lịch nông thôn. Họ không chỉ góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Khmer, mà còn là lực lượng lao động quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương.

Để khắc phục những khó khăn này, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ phụ nữ DTTS phát huy tối đa vai trò của mình trong việc phát triển du lịch nông thôn bền vững, qua đó nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng:

Hỗ trợ tài chính - từ ưu đãi đến dễ tiếp cận

• Thành lập quỹ tín dụng dành riêng cho phụ nữ Khmer khởi nghiệp.

• Khuyến khích nhóm/HTX phụ nữ để cùng chia sẻ kinh nghiệm, giảm bớt rủi ro vay vốn.

• Hạ tầng hỗ trợ du lịch nhỏ lẻ: đường sá, cấp thoát nước, nhà vệ sinh, biển chỉ dẫn.

Nâng cao kỹ năng - chuyên nghiệp hóa từng bước

• Đào tạo sâu kỹ năng quản lý tài chính, marketing, lập kế hoạch kinh doanh.

• Khóa học dài hạn (6-12 tháng) và bồi dưỡng chuyên sâu, kết hợp với chuyên gia ngành du lịch.

• Chuyển đổi số toàn diện: hướng dẫn sử dụng mạng xã hội, sàn OTA, nhận đặt phòng online; áp dụng phần mềm quản lý khách sạn/homestay.

Mở đường cho bình đẳng

• Chiến dịch nâng cao nhận thức tại cộng đồng về vai trò kinh tế của phụ nữ.

• Đào tạo, bồi dưỡng để hỗ trợ phụ nữ Khmer tự tin tham gia vị trí ra quyết định.

• Mạng lưới hỗ trợ bản địa (qua Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, NGO, chính quyền) giúp họ kết nối, chia sẻ và cùng lên ý tưởng, phát triển.

Sự tham gia của phụ nữ DTTS không chỉ nâng cao thu nhập gia đình mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương, giảm nghèo và tạo việc làm cho cộng đồng Khmer.

Sự tham gia của phụ nữ DTTS không chỉ nâng cao thu nhập gia đình mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương, giảm nghèo và tạo việc làm cho cộng đồng Khmer.

Phụ nữ Khmer với nhiệt huyết, đam mê văn hóa, đang chuyển mình cùng du lịch nông thôn. Họ không chỉ giữ gìn những di sản giá trị mà còn từng ngày tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Nghiên cứu trên được đưa ra tại Hội thảo Khoa học Quốc gia "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo khu vực phía Nam" do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Bảo Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vai-tro-cua-phu-nu-khmer-trong-phat-trien-du-lich-nong-thon-20250702174605976.htm