Bứt phá thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế
HNN - Cùng với sự cần cù, chịu khó, vợ chồng anh Nguyễn Văn Huỳnh, chị Lê Thị Lân, người đồng bào dân tộc Pa Cô ở thôn Ra loóc- A Sốc, xã Hồng Bắc (A Lưới) đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thoát nghèo, phát triển kinh tế một cách bền vững.

Chị Lân mộc mạc khi kể về những đổi thay đáng mừng trong kinh tế gia đình
Trưởng thôn Ra loóc - A Sốc, ông Nguyễn Văn Đẽo nói, phải đến thật sớm mới gặp được vợ chồng anh Huỳnh, nên chưa đến 7 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại thôn nhưng vẫn chậm so với giờ đi làm của vợ chồng anh. Hàng xóm cho hay, anh Huỳnh đã lên rẫy. Chị Lân “theo đuôi” đàn bò từ lúc sớm.
Đến gần trưa, chúng tôi mới gặp chị Lân thủng thẳng sau đàn bò đang gặm cỏ bên vệ đường. Người phụ nữ Pa Cô nở nụ cười mộc mạc: “Phải luôn theo sát để bò của mình không gặm hoa màu, cây cối của người khác. Chỗ nào có cỏ nhiều, cỏ ngon, có khe suối nước mát thì mình đưa đàn bò đến. Ra khỏi nhà từ sáng sớm tinh mơ, đến lúc bò no bụng thì về, không kể giờ giấc”.
Ngày trước, gia đình anh Huỳnh thuộc diện hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, không có vốn để làm ăn. Mùa giáp hạt là cả nhà đứt bữa, củ sắn, bắp ngô, rau rừng, hạt muối qua ngày. Vợ chồng anh Huỳnh từng trăn trở, họ đâu có sợ vất vả, sao lại chịu để cái nghèo đeo bám? Trước đây đã từng nhiều lần ngại ngần không dám vay vốn, vì sợ làm ăn thất bại sẽ không trả nổi nợ, nhưng rồi khi được trưởng thôn bảo lãnh, vợ chồng anh Huỳnh mạnh dạn nắm bắt cơ hội, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua kênh Hội Nông dân xã.
Từng đồng vốn vay được, vợ chồng anh Huỳnh đầu tư vào mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Sau khi mua bò cái giống, cá, gà, keo giống, vợ chồng anh không chỉ tăng tốc công sức, thời gian gấp nhiều lần, mà còn chịu khó học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm để chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả.
Hàng ngày, khi bản làng còn ngái ngủ, chị Lân đã trở dậy chăm sóc đàn gà, bắt sâu, tưới nước cho vườn rau, cắt cỏ cho đàn cá dưới ao, trước khi dẫn đàn bò lên đồi ăn cỏ; anh Huỳnh thì vào rẫy phát cỏ, cuốc đất, trồng sắn, trồng ngô, keo... Những hôm nông nhàn, anh Huỳnh lại đi vác keo tràm thuê, kiếm thêm thu nhập.
“Bây giờ ngoài rẫy sắn, ngô, gia đình mình có 3ha keo, 6 con bò; trong vườn có gà, có rau trái theo mùa: bầu, bí, mướp, rau dền, rau lang, cà pháo, dưới ao có cá trắm cỏ, cá chép, cá mè, cá rô phi” - chị Lân phấn khởi. Ngoài phục vụ đảm bảo cuộc sống, cải thiện bữa ăn hàng ngày, hồ cá của gia đình là nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống cho người dân trong thôn khi bà con cần.
“Ở xã biên giới xa xôi này, khi mà cái khó, cái nghèo vẫn còn là “chuyện thường ngày”, thì những người có tinh thần vượt khó như vợ chồng anh Huỳnh rất đáng quý. Sự mạnh dạn, chăm chỉ, tinh thần chủ động vươn lên phát triển kinh tế của họ chính là tấm gương, động lực cho bà con trong thôn” - ông Hồ Văn Thiếc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Bắc nhận xét.
Còn Trưởng thôn Ra loóc - A Sốc thì nói rằng, hộ anh Nguyễn Văn Huỳnh, chị Lê Thị Lân, là một trong những hộ điển hình trong vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế một cách bền vững, góp phần hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.