Ca mắc cúm vẫn tăng, làm gì phòng ngừa khi thời tiết nồm ẩm?

Thời tiết nồm ẩm càng là yếu tố thuận lợi cho virus cúm phát triển. Tại nhiều cơ sở y tế, số ca mắc cúm nhập viện tiếp tục gia tăng và có không ít ca vào viện trong tình trạng co giật, viêm phổi, viêm não, biến chứng nặng nề.

Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân cúm A nặng, trong đó đa số là người cao tuổi.

Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân cúm A nặng, trong đó đa số là người cao tuổi.

Số ca mắc cúm vẫn tiếp tục gia tăng

Trong tháng 1/2025, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 820 ca mắc cúm, tăng 51 trường hợp (chiếm 6%) so với cùng kỳ năm 2024. Cộng dồn năm 2024 đến nay, tổng số ca mắc cúm là 7.133 trường hợp, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Thời gian gần đây, Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân cúm A nặng, trong đó đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền kết hợp và một số trường hợp là phụ nữ mang thai.

Bệnh nhân nam, 83 tuổi (Hà Nội) có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, nhập viện ngày thứ 3 của bệnh với biểu hiện sốt cao đột ngột liên tục 39-39,5 độ C kèm theo mệt mỏi, ho khạc đờm, đau ngực và khó thở. Kết quả thăm khám và xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh cúm A. Mặc dù đã được điều trị thuốc kháng virus, kháng sinh chống bội nhiễm và kiểm soát bệnh lý nền, tuy nhiên tình trạng người bệnh tiến triển nặng dần, viêm phổi và suy hô hấp tiến triển phải hỗ trợ thở oxy tăng dần sau đó được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển khoa Hồi sức truyền nhiễm điều trị hồi sức tích cực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khám cho sản phụ mắc cúm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khám cho sản phụ mắc cúm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thời gian qua, bệnh nhân cúm đến Trung tâm tăng đột biến so với mọi năm. Tổng số điều trị ở Trung tâm này đến nay đã khoảng 3.000 ca. Hầu hết các ca nhập viện điều trị đều là bệnh nhân cúm nặng có bệnh nền, ở các khoa khác chuyển sang hoặc từ tuyến dưới chuyển lên.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc cúm nhập viện tăng từ tháng 12/2024. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, trong tháng 11/2024, trung bình bệnh viện chỉ tiếp nhận 100-120 ca/tuần, nhưng đến tháng 12/2024 đã tăng gấp 4 lần so với tháng 11 và đến tháng 1/2025, lại tăng 4 lần so với tháng 12/2024 với trung bình 1.200 ca/tuần. Trong đó, khoảng 10-15% nhập viện đều là các ca nặng.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cũng đang điều trị 45 ca mắc cúm, đều trong tình trạng nặng, trong đó, 5 ca thở máy, 5 ca HFNC (thở ô xy lưu lượng cao), 10 ca thở ô xy kính… đều là những người có bệnh nền.

Phòng bệnh cúm trong thời tiết nồm ẩm

Theo các bác sĩ Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mùa đông-xuân, khí hậu lạnh ẩm rất thuận lợi cho virus cúm mùa phát triển, gây bệnh và bùng phát dịch. Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp dự phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm (A/H1N1, A/H3N2, B, C) gây ra. Virus cúm lây lan nhanh qua đường hô hấp thông qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus.

Đối tượng nguy cơ cao dễ bị biến chứng gồm trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi; người mắc bệnh mạn tính (tim, phổi, thận, tiểu đường, suy giảm miễn dịch); phụ nữ mang thai.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, phòng bệnh cúm không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần kiểm soát dịch trong cộng đồng.

Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng. Thời điểm tiêm tốt nhất là trước mùa dịch (tháng 3-4 hoặc 10-11).

Để phòng bệnh cúm khi thời tiết nồm ẩm, các bác sĩ khuyến cáo cần phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi; che miệng khi ho/hắt hơi bằng khăn giấy/khuỷu tay, bỏ khăn đúng nơi quy định; đeo khẩu trang ở nơi đông người, khi tiếp xúc với người bệnh; vệ sinh nhà cửa, lau chùi vật dụng bằng hóa chất diệt khuẩn.

Cần tăng cường sức đề kháng bằng ăn uống đủ chất: Bổ sung vitamin C, kẽm, rau xanh, trái cây; giữ ấm cơ thể, uống nước ấm, tránh ăn uống đồ lạnh; tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc.

Để hạn chế tiếp xúc nguồn lây, cần lưu ý tránh tụ tập đông người khi có dịch; giữ khoảng cách tối thiểu 1–2m với người nghi nhiễm; cách ly người bệnh tại phòng riêng, đeo khẩu trang khi chăm sóc.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ca-mac-cum-van-tang-lam-gi-phong-ngua-khi-thoi-tiet-nom-am-post859624.html