Các nền kinh tế lớn nhất châu Á đẩy mạnh sản xuất, Trung Quốc phục hồi nhanh

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã mở rộng với tốc độ nhanh vào tháng 11/2024 khi các đơn đặt hàng mới, bao gồm cả đơn đặt hàng từ nước ngoài, dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất.

Dây truyền sản xuất ôtô xuất khẩu tại thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). (Ảnh: Công Tuyên/TTXVN)

Dây truyền sản xuất ôtô xuất khẩu tại thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). (Ảnh: Công Tuyên/TTXVN)

Các nền kinh tế sản xuất lớn nhất châu Á đã tăng cường hoạt động vào tháng 11/2024, với các nhà máy ở Trung Quốc tiếp tục phục hồi nhờ những biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, ở một số khu vực khác vẫn còn những khó khăn.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng vào tháng 11/2024 khi các đơn đặt hàng mới, bao gồm cả đơn đặt hàng từ nước ngoài, dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất.

Số liệu mới nhất do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 30/11 cho thấy chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc trong tháng 11/2024 là 50,3 điểm, tăng 0,2 điểm so với tháng trước và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2024 (50,4 điểm).

Con số này cũng khả quan hơn mức dự báo trung bình là 50,2 điểm trong các cuộc khảo sát do hãng tin Reuters và Bloomberg thực hiện.

PMI trên 50 điểm cho thấy hoạt động kinh tế đang tăng trưởng, trong khi PMI dưới 50 cho thấy hoạt động kinh tế đang giảm.

Theo số liệu, chỉ số hoạt động kinh doanh phi sản xuất của Trung Quốc trong tháng 11/2024 là 50 điểm, giảm 0,2 điểm so với tháng 10/2024; chỉ số sản lượng PMI tổng hợp trong tháng 11/2024 là 50,8 điểm, bằng tháng 10/2024.

Triển vọng sáng sủa ở Trung Quốc đã giúp hoạt động ở các cường quốc sản xuất khác của châu Á như Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng tăng lên.

Chuyên gia cấp cao Xing Zhaopeng về Trung Quốc của ngân hàng ANZ cho biết sự phục hồi của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu. Cả các đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong PMI chính thức và Caixin PMI đều cho thấy người mua đang vội vàng đặt hàng. Nhưng nhu cầu trong nước của Trung Quốc vẫn yếu khi PMI phi sản xuất chính thức là 50.

Bắc Kinh đã tung ra một loạt các gói kích thích lớn vào nửa cuối năm nay để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh về chi tiêu và sản xuất.

Ở những nơi khác tại châu Á, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi PMI của Nhật Bản báo cáo mức giảm hoạt động nhanh nhất trong tám tháng khi các nhà máy cắt giảm sản lượng do nhu cầu yếu.

Tại Đông Nam Á, chỉ số PMI cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục sụt giảm ở Indonesia và Malaysia, đồng thời tăng trưởng chậm lại ở Thái Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-nen-kinh-te-lon-nhat-chau-a-day-manh-san-xuat-trung-quoc-phuc-hoi-nhanh-post998689.vnp