Các nghị quyết chuyên đề: Tạo cú hích cho sản phẩm OCOP
Nhằm khai thác lợi thế, phát triển sản phẩm OCOP, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã cụ thể hóa bằng nghị quyết chuyên đề, kế hoạch thực hiện thông qua cơ chế hỗ trợ. Đây là cú hích để các chủ thể đầu tư nâng chất lượng sản phẩm, tăng giá trị.
Đồng hành cùng các chủ thể
Tháng 5/2023, xã Ngọc Vân (Tân Yên) được bổ sung vào danh sách đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2023. Xác định đây là cơ hội để địa phương cán đích sớm hơn kế hoạch (theo lộ trình, xã Ngọc Vân đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024), trong tháng 5, Đảng ủy xã tổ chức họp, ban hành nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ này, trọng tâm là lựa chọn một sản phẩm tham gia OCOP. Tại cuộc họp, xã lựa chọn sản phẩm Chè lam ngũ vị - sản phẩm truyền thống của người dân thôn Đồng Khanh để tham gia.
Cụ thể hóa nghị quyết, UBND xã bố trí kinh phí, giao viên chức khuyến nông và cán bộ tư pháp trực tiếp về thôn Đồng Khanh giúp bà Bùi Thị Liên - hộ sản xuất, kinh doanh chè lam hoàn thiện các thủ tục cần thiết. Chi bộ thôn Đồng Khanh tổ chức sinh hoạt chuyên đề, giao đảng viên có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật làm chè lam phụ giúp gia đình bà Liên xây dựng câu chuyện sản phẩm. Với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ thể có sản phẩm, cuối tháng 7 vừa qua, sản phẩm Chè lam ngũ vị Dà Liên được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Tân Yên đánh giá cao, đạt 3 sao.
“Chè lam ngũ vị Dà Liên được gắn sao không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn giúp xã hoàn thành toàn bộ tiêu chí NTM nâng cao, thôn Đồng Khanh đủ điều kiện đạt thôn NTM kiểu mẫu. Sau khi có quyết định công nhận OCOP 3 sao, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ nhãn mác, bao bì, đồng thời vận động các hộ cùng sản xuất chè lam tại thôn Đồng Khanh liên kết thành lập hợp tác xã”, ông Dương Ngô Khoát, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân nói.
Theo thống kê, hết năm 2022, toàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP, trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại 3 sao. Trong đợt đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 2023 vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng của 8 huyện, TP (huyện Sơn Động và Lạng Giang không có sản phẩm tham gia đợt 1) đề xuất công nhận 47 sản phẩm đạt 3 sao, vượt 12 sản phẩm so với mục tiêu cả năm 2023. Có được kết quả này một phần do các địa phương đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực hỗ trợ, thưởng cho các chủ thể.
Tại huyện Sơn Động, tháng 5/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo xây dựng các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, có lợi thế và sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, trong đó yêu cầu cấp ủy đảng các cấp tăng cường lãnh đạo, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể. Nhờ đó đến nay, Sơn Động có 10 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. Tại TP Bắc Giang, chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, cơ quan chuyên môn của TP đã thẩm định, đề xuất hỗ trợ 600 triệu đồng từ nguồn quỹ khuyến công cho 4 hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất.
Ông Hoàng Ngọc Vụ, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh giò, chả Ngọc Vụ, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) nói: “Sau khi sản phẩm giò lụa Ngọc Vụ được công nhận OCOP 3 sao năm 2022, chúng tôi được TP hỗ trợ 150 triệu đồng (tương đương 50% giá trị) lắp đặt dây chuyền sản xuất gồm: Máy thái thịt, xay giò, lò xông khói, nồi hơi… Nhờ đó, hiệu quả sản xuất nâng lên, doanh thu tăng 10% so với trước đây. Tháng 7 vừa qua, chúng tôi có thêm 2 sản phẩm là giò tai nấm, giò mo cau truyền thống đạt 3 sao”.
Thêm nguồn lực để khai thác lợi thế
Thực tế, dù Bắc Giang vẫn được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển sản phẩm OCOP, số sản phẩm được công nhận hằng năm cao song đến nay Bắc Giang vẫn chưa có sản phẩm nào được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia, số sản phẩm được công nhận 4 sao còn ít. Đặc biệt, dù sản phẩm sau khi được công nhận đều phát triển tốt, có chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã và doanh thu tăng bình quân 15%/năm song nhiều chủ thể vẫn chưa mặn mà tham gia chương trình, có chủ thể không tham gia đánh giá, phân hạng lại sau khi hết thời hạn (năm 2022 có 23 sản phẩm không tham gia đánh giá, phân hạng lại - PV).
Hết năm 2022, toàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP, trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại 3 sao. Trong đợt đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 2023 vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng của 8 huyện, TP (hai huyện Sơn Động, Lạng Giang không có sản phẩm tham gia đợt 1) đề xuất công nhận 47 sản phẩm đạt 3 sao, vượt 12 sản phẩm so với mục tiêu đề ra trong cả năm 2023.
Theo Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu có 350 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Để hoàn thành, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh bố trí hơn 29 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ vốn sự nghiệp hơn 22,5 tỷ đồng, còn lại từ nguồn vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để hỗ trợ. Căn cứ tình hình thực tế, nhiều địa phương xây dựng kế hoạch, ban hành nghị quyết khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP. Mới đây, HĐND huyện Sơn Động thông qua Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ chương trình OCOP trên địa bàn huyện năm 2023-2024.
Theo đó, huyện hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/sản phẩm 3 sao, không quá 150 triệu đồng/sản phẩm 4 sao và không quá 250 triệu đồng/sản phẩm 5 sao. Tương tự, UBND huyện Tân Yên thưởng từ 10 đến 20 triệu đồng/sản phẩm (tùy vào sao được công nhận); hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể đưa sản phẩm tham gia hội trợ, triển lãm (không quá 50 triệu đồng/chủ thể/lần tham gia). Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn nói: “Với trách nhiệm của mình, tổ công tác của Chi cục sẵn sàng hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ và hướng dẫn địa phương đánh giá, phân hạng, bảo đảm khách quan, chất lượng. Trước mắt, chúng tôi đang tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá 5 sao đối với hai sản phẩm vải thiều đóng hộp và nhãn đóng hộp của Công ty cổ phần Vifoco (TP Bắc Giang)".
Bài, ảnh: Sỹ Quyết