Các tập đoàn dầu khí quốc tế tìm kiếm ưu đãi thuế mới dưới thời ông Trump
Tổng thống Trump muốn thúc đẩy phát triển năng lượng hóa thạch, ông phải 'trả giá' để các doanh nghiệp giúp ông thực hiện lời hứa này. Một trong những phần thưởng chính là thuế. Hơn một thế kỷ qua, ngành dầu khí đã hưởng lợi từ các quy định thuế đặc biệt, giúp họ tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm.

Tổng thống Trump muốn thúc đẩy phát triển năng lượng hóa thạch. Ảnh Reuters
Mặc dù các quốc gia trên thế giới đã đồng ý loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, và chính quyền Biden cũng tuyên bố cắt giảm các chính sách ưu đãi này trong nước, nhưng chúng vẫn tồn tại.
Hiện tại, khi Đảng Cộng hòa và chính quyền Trump thúc đẩy kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 4,5 nghìn tỷ USD, đồng thời tìm kiếm nguồn thu và giảm chi để bù đắp, một số nhóm môi trường đã chỉ ra rằng ngành dầu khí vẫn nhận ưu đãi thuế trị giá 110 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tính đến năm 2034.
Trong khi đó, ngành dầu khí đang vừa bảo vệ những ưu đãi thuế sẵn có vừa tìm cách đưa thêm ít nhất một quy định mới, nhằm giúp một số công ty dầu khí tránh bị đánh thuế theo Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) năm 2022.
Một trong những nguồn thu lớn nhất từ IRA là thuế tối thiểu doanh nghiệp, được thiết kế để ngăn các công ty có lợi nhuận cao lợi dụng kẽ hở để nộp ít hoặc không phải đóng thuế. Loại thuế này áp dụng cho tất cả các ngành, nhưng đặc biệt ảnh hưởng đến các công ty khoan dầu độc lập lớn. Theo một phân tích mới của tổ chức United to End Polluter Handouts, ít nhất ba công ty - EOG Resources, APA và Ovintiv - đã nộp tổng cộng gần 200 triệu USD thuế tối thiểu kể từ khi quy định này có hiệu lực vào năm 2022.
Thượng nghị sĩ James Lankford (Đảng Cộng hòa, bang Oklahoma) đã đề xuất một dự luật cho phép các công ty dầu khí được khấu trừ một số khoản chi phí lớn nhất của họ vào thuế tối thiểu. Dự luật này là một ưu tiên trong chính sách của Hội đồng Thăm dò & Khai thác Dầu khí Mỹ (AXPC), tổ chức đại diện cho các công ty dầu khí độc lập lớn.
Lukas Shankar-Ross, phó Giám đốc chương trình công lý khí hậu và năng lượng tại tổ chức Friends of the Earth, cho rằng dự luật của ông Lankford sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách, hoặc buộc phải cắt giảm các chương trình hỗ trợ người thu nhập thấp như Medicaid.
Đáp lại, người phát ngôn của ông Lankford cho biết: "Thúc đẩy độc lập năng lượng của Mỹ phù hợp với chính sách của ông Trump. Việc khai thác năng lượng trong nước mạnh mẽ giúp chúng ta ít phụ thuộc vào các đối thủ, và trao quyền cho các nhà khai thác dầu khí khiến nước Mỹ vững mạnh hơn. Không ai nói đến việc cắt giảm Medicaid cả”.
Trong khi đó, các tập đoàn dầu khí lại có mối quan tâm khác. Khi Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố lộ trình chính sách 5 điểm dành cho chính quyền Trump và Quốc hội vào tháng 11, một trong những trọng tâm chính là bảo vệ các "quy định thuế quốc tế quan trọng" mà ngành này đang được hưởng.
Một trong những quy định đó, được gọi là quy tắc người nộp thuế hai chế độ (dual capacity taxpayer rule), dự kiến sẽ giúp các công ty dầu khí tiết kiệm 71,5 tỷ USD trong vòng một thập kỷ, theo ước tính của chính quyền Biden. Về cơ bản, luật thuế liên bang Mỹ cho phép các tập đoàn khấu trừ thuế đã nộp cho Chính phủ nước ngoài vào nghĩa vụ thuế tại Mỹ, nhằm tránh tình trạng bị đánh thuế hai lần.
Tuy nhiên, quy định về người nộp thuế hai chế độ lại tạo ra nhiều kẽ hở cho các công ty dầu khí, giúp họ linh hoạt trong cách định nghĩa một khoản thanh toán nào đó có được tính là thuế hay không. Kết quả là, họ có thể tính cả tiền thuê mỏ và một số khoản phí khác như một dạng thuế, giúp giảm đáng kể số thuế phải nộp tại Mỹ, theo Zorka Milin – Giám đốc chính sách tại Liên minh Minh bạch & Trách nhiệm Tài chính Doanh nghiệp (FACT Coalition), tổ chức chuyên đấu tranh chống lại các tác động tiêu cực của tài chính bất hợp pháp.
Trên thực tế, trong một số trường hợp, các công ty dầu khí Mỹ có thể phải nộp tiền thuế và các khoản phí cho Chính phủ nước ngoài nhiều hơn là cho Chính phủ Mỹ.
Chẳng hạn, riêng Exxon đã trả hàng tỷ USD tiền thuê mỏ ở nước ngoài trong năm 2023, bao gồm 1,8 tỷ USD cho UAE, 1 tỷ USD cho tỉnh Alberta của Canada và 761 triệu USD cho Nigeria. Chevron cũng đã trả khoảng 2 tỷ USD tiền thuê mỏ cho các Chính phủ nước ngoài.
Bà Milin cho biết vẫn chưa rõ Exxon, Chevron và các công ty dầu khí khác đã khấu trừ bao nhiêu trong số những khoản thanh toán này vào thuế tại Mỹ, nhưng con số có thể lên tới hàng tỷ USD mỗi năm.
"Họ trả những khoản tiền khổng lồ cho Chính phủ các nước trên thế giới. Điều đáng nói là nhiều khoản trong số đó lại được dùng để giảm số thuế mà họ phải trả ở Mỹ”, bà Milin giải thích. "Hệ thống thuế của Mỹ đang gián tiếp trợ cấp cho các công ty dầu khí mở rộng khai thác ở nước ngoài, thay vì đầu tư trong nước", bà nhận xét.
Exxon, Chevron và Viện Dầu khí Mỹ (API) đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Alex Muresianu, chuyên gia phân tích chính sách cấp cao tại Tax Foundation – tổ chức ủng hộ các chính sách thuế thúc đẩy tăng trưởng – cho rằng nhiều quy định thuế dành riêng cho ngành dầu khí không thể coi là trợ cấp.
Ông lập luận rằng một số quy định, chẳng hạn như cho phép các công ty dầu khí khấu trừ ngay lập tức chi phí khoan thay vì phân bổ theo vòng đời của giếng dầu, thực chất chỉ giúp ngành này cạnh tranh công bằng hơn so với các lĩnh vực khác. Các công ty dầu khí thường phải chịu chi phí ban đầu rất cao nhưng lợi nhuận lại được thu về trong nhiều năm, điều này khiến họ gặp bất lợi về thuế so với các ngành khác, theo ông Muresianu.
Về khoản thuê mỏ, thông thường các khoản thanh toán này được khấu trừ thuế. Tuy nhiên, quy định người nộp thuế hai chế độ lại mang đến lợi ích lớn hơn nhiều, vì nó cho phép chuyển đổi khoản thanh toán này thành tín dụng thuế, một sự khác biệt đáng kể. Ví dụ, nếu Công ty A có lợi nhuận 100 triệu USD, phải trả 5 triệu USD tiền thuê khai thác và chịu mức thuế doanh nghiệp 21%, thì việc tính tiền thuê này dưới dạng tín dụng thay vì khấu trừ, có thể giúp công ty tiết kiệm gần 4 triệu USD tiền thuế.
Bà Milin cho rằng Quốc hội Mỹ nên xem xét lại các ưu đãi thuế đối với hoạt động ở nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ đang tìm cách tăng thu ngân sách. "Khi Mỹ theo đuổi một chính sách kinh tế quốc tế rõ ràng hơn trong thương mại và các lĩnh vực khác, tôi nghĩ họ sẽ phải xem xét lại những điểm bất hợp lý trong hệ thống thuế hiện tại”, bà Milin nhận định.