Các thương hiệu ôtô nước ngoài chật vật tại thị trường Trung Quốc

Trong năm ngoái, Mitsubishi Motors đã thông báo dừng sản xuất xe tại Trung Quốc do doanh số bán thấp và hãng không phải là trường hợp duy nhất.

Xe EV của Honda được trưng bày tại triển lãm Auto Shanghai, ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 18/4/2023. (Nguồn: Reuters)

Xe EV của Honda được trưng bày tại triển lãm Auto Shanghai, ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 18/4/2023. (Nguồn: Reuters)

Các hãng sản xuất ôtô nước ngoài tại Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng doanh số bán thấp cùng với sự cạnh tranh giá cả đối với xe chạy bằng nhiên liệu.

Trong năm ngoái, Mitsubishi Motors đã thông báo dừng sản xuất xe tại Trung Quốc do doanh số bán thấp. Mitsubishi Motors không phải là hãng xe nước ngoài duy nhất gặp khó khăn tại Trung Quốc trong năm ngoái.

Doanh số bán của Honda Motor tại nước này giảm 10%, xuống 1,23 triệu chiếc, trong khi của Nissan Motor giảm 16%, xuống 790.000 chiếc. Doanh số bán của Toyota Motor chỉ giảm 2%, xuống 1,9 triệu chiếc, nhờ doanh số bán xe động cơ lai cao.

Tại thị trường này, doanh số bán xe chở khách sử dụng động cơ đốt trong, bao gồm cả xe động cơ lai, giảm 7% trong năm ngoái. Điều này có nghĩa doanh số bán của Honda và Nissan giảm mạnh hơn mức giảm chung của thị trường loại xe này.

Trong khi đó, thị trường xe năng lượng mới (NEV) chở khách, bao gồm xe điện (EV), xe động cơ lai có thể sạc ngoài và xe dùng pin nhiên liệu, tại Trung Quốc, tăng trưởng gần 30% trong năm ngoái, dù toàn bộ thị trường này tăng trưởng 4%.

Các nhà sản xuất của phương Tây chậm nhập cuộc thị trường NEV có thể bị bỏ lại sau. Doanh số bán của Volkswagen tăng 2%, lên 3,23 triệu chiếc vào năm ngoái.

Doanh số bán thương hiệu chính của General Motors (GM) là Buick giảm 20%. Những lo ngại của các hãng sản xuất ôtô nước ngoài gia tăng khi sự cạnh tranh về giá không chỉ diễn ra với EV.

Đầu năm ngoái, Tesla đã bắt đầu giảm mạnh giá bán EV. Các nhà sản xuất NEV Trung Quốc đã tiếp bước. Nhu cầu với xe sử dụng động cơ đốt trong giảm đi, khiến các hãng xe Trung Quốc bắt đầu hạ giá loại này.

Theo Yiche Research Institute, mức giảm giá trung bình tại thị trường Trung Quốc là 26.000 nhân dân tệ (khoảng 3.600 USD) trong giai đoạn tháng 1-9 năm ngoái. Mức giảm trong năm 2021 và 2022 trung bình là khoảng 15.000-20.000 nhân dân tệ.

 Mẫu xe điện của BYD tại triển lãm ôtô ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 16/6/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mẫu xe điện của BYD tại triển lãm ôtô ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 16/6/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mức giảm giá với xe sử dụng động cơ đốt trong trung bình vượt 30.000 nhân dân tệ trong tháng 9/2023, so với mức giảm trên 10.000 nhân dân tệ đối với NEV.

Hãng Jaguar của Anh giảm giá bán mạnh nhất trong số các thương hiệu nước ngoài, với 115.000 nhân dân tệ trong giai đoạn tháng 1-9/2023. BMW giảm 63.000 nhân dân tệ và Cadillac giảm 56.000 nhân dân tệ. Giá bán xe của Volkswagen, hãng bán các dòng xe tầm trung và rẻ tại Trung Quốc, giảm 31.000 nhân dân tệ.

Trong khi đó, Honda giảm 25.000 nhân dân tệ và Nissan giảm 23.000 nhân dân tệ, so với mức giảm chỉ 5.000 nhân dân tệ của hãng sản xuất xe EV của Trung Quốc là BYD.

Theo các chuyên gia trong ngành, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang trở thành đối thủ cạnh tranh của các công ty Mỹ, dù không bán trực tiếp cho khách hàng tại thị trường này. Doanh số bán xe được sản xuất tại Trung Quốc đang gia tăng đáng kể tại châu Á, châu Âu và các nước khác ngoài các châu lục này.

Trung Quốc gần đây công bố số liệu cho thấy nước này đã xuất khẩu trên 5 triệu ôtô trong năm ngoái, vượt Nhật Bản trở thành quốc gia đứng đầu về xuất khẩu ôtô trên thế giới.

Lượng xe xuất khẩu của các công ty thuộc sở hữu nhà nước và đã ra đời lâu năm như SAIC và Dongfeng cũng như các công ty mới như BYD, Nio và các công ty khác đã đưa Trung Quốc từ vị trí thứ 6 lên vị trí đứng đầu kể từ năm 2020. Trong khi đó, xuất khẩu xe của Mỹ giảm, khi các nhà sản xuất như GM cắt giảm các hoạt động ở nước ngoài.

Theo Cục phân tích kinh tế Mỹ, xuất khẩu ôtô của nước này năm 2022, năm mà số liệu gần đây nhất được công bố, giảm 25% so với mức đỉnh vào năm 2016. Theo công ty tư vấn toàn cầu AlixPartners, Mỹ, quốc gia đứng thứ 4 toàn cầu về xuất khẩu ôtô trước năm 2020, đứng thứ 6 trong năm ngoái, sau Mexico với vị trí thứ 5, Hàn Quốc (thứ 4) và Đức (thứ 3).

Giám đốc điều hành (CEO) Stellantis, công ty mẹ của Chrysler, Carlos Tavares, cho biết đối thủ cạnh tranh số một của công ty này là các nhà sản xuất Trung Quốc. Thêm vào đó, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đặt ra tiêu chuẩn mới cho việc sản xuất và giá bán. Các hãng tung ra các mẫu mới trong thời gian kỷ lục và nhiều hãng đang sản xuất xe điện (EV) và có lợi nhuận.

Các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất ôtô đã lấy BYD Co. làm ví dụ điển hình cho sự lớn mạnh của các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc. Công ty này năm ngoái đã vượt Tesla để dẫn đầu thế giới về doanh số bán xe EV.

 Xe điện Chevrolet Bolt của hãng General Motors. (Nguồn: Green Car Reports)

Xe điện Chevrolet Bolt của hãng General Motors. (Nguồn: Green Car Reports)

Ông Elon Musk, CEO Tesla, công ty có một nhà máy lớn tại Trung Quốc, cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc là những đối thủ lớn nhất của công ty có trụ sở tại Texas này.

Rhodium Group ước tính BYD đã nhận được khoản hỗ trợ gần 4,3 tỷ USD của chính phủ từ năm 2015 đến năm 2020. Trung Quốc cũng hỗ trợ để khuyến khích người mua mua xe EV. BYD thành công với xe EV giá rẻ. BYD Seagull, mẫu EV nhỏ có giá khởi điểm gần 11.400 USD, sẽ làm giảm đáng kể giá xe EV tại Mỹ, xuống mức dưới 15.000 USD, dù đã bao gồm mức thuế 27,5% đối với xe của Trung Quốc.

BYD đang tăng cường xuất khẩu xe ra ngoài Trung Quốc. Các thị trường nước ngoài chiếm khoảng 10% trong doanh số bán trên 3 triệu chiếc của công ty này vào năm ngoái.

Nhà phân tích của Bernstein, Eunice Lee, cho rằng BYD có cơ cấu chi phí tối ưu và năng lực đổi mới sản phẩm, nhờ đó có được lợi thế trong cuộc đua xe EV tại Trung Quốc và ở nước ngoài. Nhờ sự hỗ trợ của các chính quyền trung ương và địa phương, sự phát triển của các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu từ trong nước, với việc giành thị phần từ các liên doanh giữa các nhà sản xuất ôtô nước ngoài và các công ty Trung Quốc.

Chẳng hạn, thị phần của GM tại thị trường Trung Quốc, bao gồm cả các liên doanh, đã giảm từ gần 15% vào năm 2015 xuống 8,6% vào cuối quý 3 năm ngoái. Sự lớn mạnh của các công ty Trung Quốc không chỉ ở trong nước. Các công ty nước này đã bắt đầu mở rộng tại Mexico, châu Âu và các nơi khác, chủ yếu là với các mẫu xe có giá rẻ cũng như EV.

Theo Liên minh châu Âu (EU), các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 8% doanh số bán xe EV tại châu Âu vào tháng 9/2023 và có thể tăng lên 15% vào năm 2025. EU tin rằng xe EV của Trung Quốc sẽ giảm giá bán các mẫu xe tại thị trường châu Âu khoảng 20%.

Tại Mexico, xe do các công ty Trung Quốc sản xuất sử dụng động cơ đốt trong tăng từ con số 0 lên chiếm 20% thị phần trong 6 năm qua. Trong nhiều thập kỷ, các hãng ô tô Trung Quốc đã tuyên bố sẽ bắt đầu bán xe tại Mỹ với các thương hiệu riêng, nhưng không một hãng nào thành công.

Các công ty của Mỹ như GM và Ford đã hoặc sẽ sản xuất một số mẫu tại Trung Quốc để nhập khẩu và bán tại Mỹ. Tuy nhiên, người Mỹ không dễ dàng khi mua một chiếc Dongfeng, BYD hay các thương hiệu khác của Trung Quốc.

Các hãng sản xuất ôtô của Trung Quốc có thể thành công trong việc mở rộng sang thị trường Mỹ theo cách mà Toyota Motor và Hyundai Motor đã làm. Toyota và Hyundai đã bước vào thị trường Mỹ với những mẫu xe giá rẻ, sau đó tăng sự lựa chọn để tăng chất lượng và sự an toàn và cuối cùng là phát triển các mẫu xe cao cấp hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-thuong-hieu-oto-nuoc-ngoai-chat-vat-tai-thi-truong-trung-quoc-post923757.vnp