Các Ủy ban của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về thuốc, thực phẩm giả

Sáng 10-7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6-2025.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn

Trình bày báo cáo, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, cử tri và nhân dân quan tâm, đồng thuận, thống nhất cao với chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; nhất là việc triển khai khẩn trương, nghiêm túc các điều kiện phục vụ hoạt động của chính quyền cấp xã (mới), tổ chức vận hành thử nghiệm hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã mới sau sắp xếp.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân phản ánh về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng; tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, nhiều đợt mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở một số địa phương.

Ngoài ra, cử tri phản ánh, việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp chia tách thửa đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật đất đai chưa phù hợp với thực tế..., cần được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm, có giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: media.quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự kiến trong tháng 8-2025, Ủy ban sẽ phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội thực hiện phiên giải trình liên quan đến hai nhóm lĩnh vực thuốc giả và thực phẩm giả.

Trước phản ánh của dư luận về đề thi tốt nghiệp THPT một số môn học có độ khó cao, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, đây là lần đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều bộ sách song song. “Đề thi được ra theo hướng thực tiễn nhiều hơn và ngoài chương trình học, có thể ảnh hưởng đến sự thích nghi của học sinh với phương pháp thi mới”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội nói.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy ban Văn hóa - Xã hội cho rằng cần phải ra đề thi theo hướng có tính phân loại cao; hướng về chất lượng, tránh việc không phân loại được đầu vào các trường đại học, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo ở bậc đại học và bậc sau phổ thông.

Về việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, hệ thống giáo dục thiết kế đào tạo tiếng Anh chưa đáp ứng yêu cầu, nên phải có sự đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh trong trường học.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung chỉ đạo ổn định về mặt nơi ở, chỗ làm việc, các điều kiện hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức và hướng dẫn thực hành công việc tại cơ sở ở các địa phương sáp nhập tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu thực tế, trong thời gian qua tiếp tục nổi lên một số vấn đề liên quan đến đề nghị đánh giá lại việc thi hành Luật Đất đai năm 2024, trong đó có chính sách đền bù thiệt hại, nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng đất; cần có hướng dẫn cụ thể hơn về chuyển đổi đất ở.

“Một vài nơi có hiện tượng nộp tiền sử dụng đất cao nên nảy sinh suy nghĩ đây là tồn tại của Luật Đất đai. Trong Luật Đất đai, việc định giá đất là vấn đề khó và đã giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương tùy tình hình cụ thể để xác định giá đất cụ thể và theo nguyên tắc của thị trường. Chính phủ cần nghiên cứu xem còn tồn tại gì trong việc xác lập quyền sử dụng đất ở nhằm tạo điều kiện thuận lợi công nhận quyền sở hữu hợp pháp và bảo đảm quyền lợi của người dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần tập trung vào việc quản lý chặt chẽ và tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; có giải pháp cân đối cung cầu bình ổn vật liệu xây dựng; quan tâm đến việc vui chơi, giải trí, tạo điều kiện cho trẻ em trong dịp hè, tránh tình trạng đuối nước, tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ trình cấp thẩm quyền xin chủ trương trong kỳ họp thứ mười của Quốc hội sắp tới để tiếp tục sửa Luật Đất đai, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cac-uy-ban-cua-quoc-hoi-se-to-chuc-phien-giai-trinh-ve-thuoc-thuc-pham-gia-708651.html