Cách ăn uống để giảm axit uric ngăn ngừa bệnh gout và sỏi thận
Thay đổi thói quen sinh hoạt và điều chỉnh chế độ ăn uống là cách giúp kiểm soát axit uric, ngăn ngừa gout từ sớm.
Nguyên nhân tăng nồng độ axit uric trong máu
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có sự tư vấn chuyên môn của THS.BS Phạm Thị Xuân Thư cho biết, nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng lượng axit uric trong máu là do hàm lượng purin nạp vào cao hơn mức cần thiết.
Ngoài ra, một số yếu tố như di truyền, môi trường, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt cũng có thể ảnh hưởng tới sự tăng giảm axit uric trong máu.
Nồng độ axit uric tăng cao thường là do hàm lượng purin nạp vào cơ thể cao hơn mức cần thiết.
Một số yếu tố có thể dẫn tới tình trạng tăng axit uric máu như:
- Lạm dụng hoặc dùng rượu bia thường xuyên
- Hội chứng rối loạn chuyển hóa
- Bổ sung không kiểm soát những thực phẩm giàu purin như các loại thịt đỏ, hải sản có vỏ, nội tạng động vật.
- Dùng những loại thuốc lợi tiểu như lợi tiểu thiazide, thuốc kháng lao.

Áp dụng chế độ ăn Đia Trng Hải giúp giảm đáng kể nguy cơ tăng uric và tái phát gout.
Cách ăn uống để giảm axit uric ngăn ngừa bệnh gout và sỏi thận
Báo Lao động dẫn nguồn trang Cleveland Clinic cho biết, việc duy trì một số thói quen đơn giản hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ tăng axit uric và phòng ngừa bệnh gout hiệu quả.
Đầu tiên, cần uống đủ nước mỗi ngày, từ 2 - 2,5 lít, giúp thận đào thải axit uric tốt hơn. Uống nước đều trong ngày, đặc biệt sau các bữa ăn nhiều đạm hoặc sau khi vận động, sẽ làm loãng nồng độ uric trong máu và giảm nguy cơ kết tinh urat.
Thứ hai, giảm tiêu thụ thực phẩm giàu purin, như nội tạng động vật, hải sản, thịt đỏ và các loại nước dùng đậm đặc. Thay vào đó, nên ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây ít đường. Một nghiên cứu cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải - giàu rau củ, cá, dầu ô liu - giúp giảm đáng kể nguy cơ tăng uric và tái phát gout.
Ngoài ra, thói quen vận động nhẹ 30 phút mỗi ngày như đi bộ nhanh, bơi lội, yoga giúp ổn định cân nặng và cải thiện chuyển hóa purin. Thừa cân là yếu tố làm tăng axit uric, nên việc kiểm soát chỉ số BMI có vai trò rất quan trọng.
Đặc biệt, tránh uống rượu bia là khuyến nghị then chốt. Cồn làm giảm chức năng thải uric của thận và làm tăng tổng sản xuất uric trong gan. Chỉ cần giảm bớt rượu, nhiều người đã cải thiện được nồng độ axit uric chỉ sau vài tuần.