Còn nhiều người dân thiếu kiến thức đúng về thực hành dinh dưỡng và vận động khoa học

Theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn tại 'Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam' Lần 4, có hàng nghìn người dân đã đến các gian hàng tư vấn dinh dưỡng nhưng nhiều người còn thiếu kiến thức, mắc sai lầm trong thực hành dinh dưỡng và vận động.

'Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam' Lần thứ 4 tổ chức tại Dinh độc lập, thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/5/2025 đã thu hút hàng nghìn người dân đến cổ vũ và tham gia tư vấn dinh dưỡng.

Sai lầm chính trong dinh dưỡng là ăn những gì mình thích và áp dụng dinh dưỡng từ chuyên gia... 'mạng xã hội'

Theo ThS. Lê Đức Thọ - Phó Trưởng khoa Y Sinh học TDTT, Trường Đại học Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng tại 'Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam' Lần 4, người dân đến tư vấn có độ tuổi thấp nhất 22, cao nhất 81 tuổi.

Vấn đề người dân quan tâm và mong muốn được giải đáp là ăn uống sao để khỏe mạnh, phòng và tránh một số bệnh liên quan đến đái tháo đường, mỡ máu, huyết áp... Tuy nhiên, sai lầm người dân mắc phải trong thực hành dinh dưỡng là thường thích và chọn tiêu thụ những món ăn mà mình yêu thích, không quan tâm thức ăn đó ảnh hưởng đến bệnh tật hay sức khỏe.

ThS.BS. Bùi Thị Duyên, Phụ trách khoa dinh dưỡng - Bệnh viện Quân Y 175, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng tại chương trình 'Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam' Lần 4 cho biết thêm, nhiều người dân đến tư vấn dinh dưỡng về các bệnh lý mạn tính như rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn lipid máu nhưng vẫn thích ăn nội tạng động vật, uống nước đường, nước ngọt thường xuyên... Đây là thói quen thực hành dinh dưỡng sai lầm vì nếu ăn những gì mình thích như thế này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Chính vì vậy, ThS. Lê Đức Thọ đưa lời khuyên đến cộng đồng trong thực hành dinh dưỡng và vận động là người dân nên tìm đến các đơn vị có chuyên môn về dinh dưỡng khi có thắc mắc hoặc gặp vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, hạn chế tự tìm hiểu trên mạng rồi áp dụng vào bản thân.

Ngoài ra, tùy vào sức khỏe, độ tuổi và giới tính mà lượng vận động khi tập luyện khác nhau. Sau khi ăn phải nghỉ ngơi ít nhất từ 90-120 phút mới được tập luyện và tập luyện xong phải nghỉ ít nhất 30 phút mới được ăn.

ThS. Lê Đức Thọ đang tư vấn dinh dưỡng cho người dân tại chương trình 'Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam' Lần 4.

ThS. Lê Đức Thọ đang tư vấn dinh dưỡng cho người dân tại chương trình 'Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam' Lần 4.

Người dân chưa phân biệt rõ vận động trong công việc và vận động thể thao

Tại gian tư vấn dinh dưỡng do TS. Dinh dưỡng Lưu Kim Lệ Hằng, Viện đào tạo Y Dược - Trường Đại học Thủ Dầu Một đảm nhiệm, người dân đến tư vấn dinh dưỡng phổ biến trong độ tuổi từ 40-50 tuổi và vấn đề chung được nhiều người quan tâm là làm sao để ngăn ngừa được các vấn đề về xương khớp và giảm cân lành mạnh, an toàn bởi họ đều có vấn đề về cân nặng, tỷ lệ mỡ thừa rất cao.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng. Thực tế qua thăm khám cho thấy, nhiều người kiêng khem rất kỹ càng mặc dù hiểu biết về dinh dưỡng chưa đầy đủ dẫn đến các thói quen sai lầm như loại bỏ hoàn toàn chất béo khỏi chế độ ăn uống, kiêng hoàn toàn tinh bột hay ăn uống vội vàng, quá sớm hoặc quá muộn...

Chính vì thế, lời khuyên cho mọi người là nên thực hiện dinh dưỡng cân bằng và đa dạng nhưng quan trọng nhất là phải phù hợp từng trường hợp, được cá thể hóa từng cá nhân.

Thực hiện dinh dưỡng cân bằng chính là cung cấp cho cơ thể đủ chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamin và khoáng chất theo khuyến cáo như nhu cầu năng lượng từ chất đạm chiếm từ 13-20%, từ chất bột đường chiếm khoảng 55-65%, từ chất béo khoảng 18-25% tổng năng lượng hàng ngày ở người trưởng thành. Nếu tiêu thụ thiếu hoặc thừa đều tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt nếu sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn.

Ngoài ra, một vấn đề khác liên quan đến kiểm soát cân nặng, giảm thừa cân béo phì là người dân chưa phân biệt được sự khác nhau giữa vận động trong công việc và vận động thể thao. TS. Lưu Kim Lệ Hằng giải thích, vận động trong công việc phụ thuộc lớn vào công việc mỗi người thực hiện, chẳng hạn có những công việc đòi hỏi vận động tay nhiều hơn, có công việc lại vận động chân, đi bộ nhiều hơn...

Nhiều người cho rằng, với những công việc vận động nhiều thì không cần tập thể dục nữa. Đây là quan niệm chưa đúng vì những hoạt động này chỉ có tác động cục bộ, không tác động toàn thân, không đảm bảo tác dụng toàn diện lên cơ thể và khi thực hiện hoạt động này, tâm trí chỉ tập trung vào công việc, chịu áp lực từ công việc nên không đạt được mục tiêu tăng cường sức khỏe.

Còn khi vận động thể dục là thời gian cơ thể chỉ tập trung vào tập luyện môn thể thao nào đó, tập trung vào động tác, thực hiện đầy đủ các bước từ khởi động đến hạ nhiệt... nên đây vừa là những vận động toàn thân vừa có tác dụng cải thiện về tinh thần.

Chính vì vậy, để đạt hiệu quả tăng cường sức khỏe, mỗi người cần thực hiện dinh dưỡng cân bằng, đa dạng kết hợp vận động thể thao, ngay cả khi đã có vận động trong công việc.

Mời bạn xem tiếp video:

Không khí tổng duyệt 'Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 4' tại Dinh Độc Lập (TP HCM) | SKĐS

Lê Mỹ Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/con-nhieu-nguoi-dan-thieu-kien-thuc-dung-ve-thuc-hanh-dinh-duong-va-van-dong-khoa-hoc-169250511160710547.htm