Cách thầy trò trường DTNT gìn giữ văn hóa cồng chiêng

Câu lạc bộ Cồng chiêng của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT Nam Trà My là trở thành nơi gìn giữ và lan tỏa loại hình nghệ thuật này.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT Nam Trà My biểu diễn Cồng chiêng.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT Nam Trà My biểu diễn Cồng chiêng.

Tiếng chiêng vang dưới mái trường

Để gìn giữ và lan tỏa nét đẹp của văn hóa Cồng chiêng, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT Nam Trà My (xã Nam Trà My, TP Đà Nẵng) năm 2022 đã thành lập câu lạc bộ Cồng chiêng.

Chia sẻ về câu lạc bộ, thầy Huỳnh Văn Hoàng, Bí thư Đoàn Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT Nam Trà My nói: “Cồng chiêng là nét văn hóa đặc trưng của núi rừng Nam Trà My. Việc thành lập CLB chính là giáo dục thế hệ trẻ về loại hình văn hóa này, lan tỏa tiếng chiêng thiêng liêng giữa đại ngàn”.

Thầy Hoàng cho biết hiện câu lạc bộ có 60 học sinh cùng 5 giáo viên là người đồng bào tham gia. Với đặc thù là trường nội trú 95% học sinh là người dân tộc Xê Đăng, M’nông, Ca Dong nên hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng càng được nhà trường chú trọng.

 Câu lạc bộ Cồng chiêng.

Câu lạc bộ Cồng chiêng.

Câu lạc bộ Cồng chiêng không chỉ là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa, mà còn là môi trường giáo dục kỹ năng mềm, hun đúc sự tự tin, tinh thần đoàn kết cho học sinh. Nhiều em vốn rụt rè sau khi tham gia câu lạc bộ đã mạnh dạn, dám bước lên sân khấu, tự hào giới thiệu văn hóa của dân tộc mình.

“Khi thấy các em dạn dĩ biểu diễn trong vành khăn đội đầu, nếp áo thổ cẩm truyền thống, mình xúc động lắm. Các em không chỉ đơn thuần biểu diễn một tiết mục văn nghệ, mà thực sự đang góp phần giữ lửa, lan tỏa văn hóa dân tộc”, thầy Hoàng bày tỏ.

Để hoạt động duy trì bền vững, nhà trường lên kế hoạch phối hợp cùng đoàn trường mời các nghệ nhân, già làng giàu kinh nghiệm từ các làng bản về tập huấn cho học sinh. Các nghệ nhân, già làng cũng rất nhiệt tình khi được trực tiếp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Bởi họ tin rằng chỉ có học sinh mới gìn giữ và làm sống lại tiếng cồng chiêng giữa đại ngàn.

Mỗi tháng câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ vào thứ năm của tuần thứ hai và tuần thứ tư. Với học sinh, đây không chỉ là buổi tập nhạc cụ mà còn là cơ hội lắng nghe những câu chuyện về phong tục, tín ngưỡng, lễ hội… vốn gắn bó sâu sắc với đời sống đồng bào. Những lần sinh hoạt các thành viên câu lạc bộ đều tập trung đông đủ, chăm chú lắng nghe và thực hành từ những điệu múa đơn giản nhất. Nhiều em tiếp thu nhanh, chỉ sau vài ngày học đã múa thành thục nhiều động tác, đánh cồng chiêng thành thạo, ngân lên những giai điệu chắc nhịp, vang vọng núi rừng.

Nhắc về những buổi sinh hoạt, thầy Hoàng kể: “Chúng tôi không dạy cồng chiêng như một tiết học nghệ thuật, mà lồng ghép trong đó những câu chuyện giản dị về cách ăn, nếp ở, sinh hoạt của người Ca Dong, M'nông, Xê Đăng. Nhờ vậy học sinh cảm thấy gần gũi, tự hào hơn. Các em cũng tiếp thu rất nhanh và thêm yêu cồng chiêng sau các buổi sinh hoạt”.

Nhận thấy giá trị tích cực từ câu lạc bộ, nhà trường và các cơ quan chức năng đã đầu tư thêm trang phục, nhạc cụ. Bên cạnh những bộ trang phục học sinh tự chuẩn bị, nhà trường đã trang bị hơn 100 bộ mới, cùng một bộ cồng chiêng trị giá 100 triệu đồng do Sở Văn hóa hỗ trợ. Bộ cồng chiêng được treo trang trọng trong phòng truyền thống, trở thành niềm kiêu hãnh của thầy trò.

Đặc biệt, tiếng cồng chiêng của học trò Nam Trà My đã vang xa, để lại dấu ấn tại nhiều hội diễn. Hai năm trước, câu lạc bộ đạt giải Nhì cụm và giải Khuyến khích cấp tỉnh cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” do Sở GD&ĐT Quảng Nam (nay là Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng) tổ chức. Ngoài ra, mỗi phiên chợ hay lễ hội hàng tháng các em lại mang cồng chiêng biểu diễn trước hàng trăm người, khiến không ít du khách lẫn người dân tự hào, xúc động.

“Mình chỉ mong tiếng cồng chiêng mãi ngân vang, để học trò hiểu và tự hào về cội nguồn, trở thành những người lưu giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc cho mai sau”, thầy Hoàng trăn trở.

Giữ nhịp chiêng đại ngàn

Trong những nhịp chiêng ngân vang giữa đại ngàn Nam Trà My, có bóng dáng em Trần Hồng Thanh Nhàn - Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT Nam Trà My; đồng thời em là một thành viên rất tích cực trong câu lạc bộ Cồng chiêng.

 Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT Nam Trà My biểu diễn Cồng chiêng.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT Nam Trà My biểu diễn Cồng chiêng.

Với nữ sinh, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ, mà còn là thanh âm của núi rừng, là hơi thở văn hóa thấm đẫm trong huyết quản của đồng bào nơi em sinh ra và lớn lên.

Là người con của miền sơn cước Nam Trà My, từ bé Nhàn đã biết đến cồng chiêng qua lời kể của ông bà, bố mẹ. Nhưng chỉ khi tham gia Câu lạc bộ Cồng chiêng của trường em mới thực sự được tiếp xúc, tìm hiểu sâu về loại hình văn hóa đặc trưng này. Ban đầu Nhàn còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy cô và các nghệ nhân đã dần cảm thấy tự tin hơn. Em nhận ra càng học càng thấy cồng chiêng thật hay, thật đẹp và là nét đặc sắc riêng có của văn hóa dân tộc mình.

“Mỗi buổi tập cùng câu lạc bộ đều để lại trong em những ấn tượng khó phai. Đó không chỉ là giờ học gõ nhịp, đánh chiêng, mà còn là khoảnh khắc lắng nghe già làng, nghệ nhân kể chuyện về đời sống, phong tục, lễ hội gắn liền với cồng chiêng.

“Mỗi lời dặn dò, mỗi câu chuyện của các già làng đều chứa đựng cả cuộc đời gắn bó với cồng chiêng, khiến em hiểu rằng để giữ gìn được âm thanh này thế hệ trước đã nỗ lực rất nhiều. Nhờ vậy, em không còn lo lắng khi tập luyện mà chỉ thấy biết ơn và tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn để tiếp nối truyền thống ấy”, Nhàn bộc bạch.

Tham gia câu lạc bộ cũng giúp Nhàn thay đổi từ một cô bé rụt rè, ít nói trở nên mạnh dạn, tự tin, chủ động trong học tập và các hoạt động của Đoàn trường. Nữ sinh luôn cảm thấy bản sắc dân tộc chảy trong huyết quản mỗi lần khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, bước lên sân khấu biểu diễn. Em hạnh phúc vì được giới thiệu văn hóa dân tộc quê hương đến với mọi người. Càng đánh chiêng, em càng thấy gắn bó và yêu quê hương mình hơn.

Không dừng lại ở phạm vi trường học, Nhàn cùng bạn bè còn quay video biểu diễn đăng lên mạng xã hội. Những video ấy vượt ra khỏi núi rừng Nam Trà My, góp phần lan tỏa văn hóa cồng chiêng đến cộng đồng.

“Em mong sau này sẽ có một nhóm cồng chiêng kết nối học sinh các trường, cùng nhau tập luyện, trao đổi và giữ lửa văn hóa dân tộc. Đây cũng là một loại hình văn hóa mà em nghĩ các bạn học sinh nào cũng sẽ thích thú khi tìm hiểu”, Nhàn chia sẻ về mong muốn mà em luôn ấp ủ.

Hơn ai hết, Nhàn hiểu rõ bản thân em là thế hệ trẻ nên càng ý thức rõ trách nhiệm giữ gìn văn hóa này. Không chỉ trong phạm vi câu lạc bộ, em luôn khao khát mang tiếng cồng chiêng lan tỏa rộng hơn đến bạn bè khắp mọi miền. “Thế hệ trẻ chúng em sẽ là người giúp âm vang đại ngàn mãi vươn xa, để tiếng cồng chiêng - nhịp tim của núi rừng ngân vang như một nét đẹp văn hóa sống mãi”, Nhàn khẳng định.

Đức Duy - Hương Giang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cach-thay-tro-truong-dtnt-gin-giu-van-hoa-cong-chieng-post741207.html