Cách thức tiếp cận mới trong quản lý, kiểm soát quy chuẩn, chất lượng

Hai dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện.
Xác định điểm cân bằng giữa quản lý chặt chẽ với trao quyền theo quy trình mở, gắn với cam kết chất lượng, trách nhiệm
Thực tế cho thấy, các nội dung về quy định công bố hợp chuẩn, hợp quy và phân nhóm sản phẩm hàng hóa… đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và có tác động rất lớn đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Dù các ý kiến, quan điểm, góc nhìn còn khác nhau, nhưng các bên liên quan đều thể hiện tinh thần cầu thị, trao đổi, đúng với tinh thần "khi ngồi lại với nhau, không gì là không thể”.
Về quan điểm xây dựng Luật, cụ thể hóa các quy định, chắc chắn rằng, chúng ta luôn thống nhất, đồng thuận với nhau về mục tiêu chung. Và quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, sự an tâm của xã hội; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tối ưu hóa chi phí doanh nghiệp, chi phí xã hội, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Với phương thức tiếp cận này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa không đơn thuần là công cụ pháp lý, mà hơn hết là hệ khung bảo đảm cho sự phát triển lành mạnh của thị trường, nâng cao chất lượng, cải thiện sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ lợi ích hợp pháp, an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng, gìn giữ môi trường, vì cộng đồng xã hội.

Quang cảnh cuộc làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Điều khó ở đây là chúng ta cần xác định được “điểm cân bằng” giữa quản lý chặt chẽ với “trao quyền” theo quy trình mở, thông thoáng dựa trên sự tự giác, ý thức cam kết chất lượng, trách nhiệm. Điểm hài hòa giữa quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từng khâu với tối ưu chi phí thực thi của cơ quan quản lý chuyên ngành, chi phí cơ hội của doanh nghiệp.
Từ góc độ quản lý nhà nước, kiểm soát là trách nhiệm không thể buông lơi, bởi đó là chức năng của bất kỳ Nhà nước nào, bởi một khi tiêu chuẩn bị buông lỏng, lợi ích cá nhân có thể lấn át lợi ích cộng đồng. Khi quy chuẩn không được cập nhật, các nhóm lợi ích có thể thao túng thị trường, làm méo mó cạnh tranh. Và khi luật pháp không kiểm soát được chất lượng hàng hóa - tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tài nguyên và môi trường sẽ phải trả giá. Vấn đề là tư duy kiểm soát như thế nào trong thời đại mới - thời đại của trí thông minh nhân tạo và sự thay đổi không ngừng về tư duy quản trị, thay cho tư duy quản lý.
Chúng ta phải thừa nhận một thực tế: Sự cân bằng giữa kiến tạo không gian phát triển và kiểm soát rủi ro ngày càng trở nên mong manh. Nếu luật pháp không đủ sức định hình đường biên, không ít doanh nghiệp sẽ “chạy nhanh” bằng cách đi tắt. Nhưng đi tắt qua rủi ro, có ngày sẽ phải trả giá bằng chính niềm tin, uy tín với thị trường, bằng chính thương hiệu của doanh nghiệp. Ngược lại, có thể làm phát sinh kinh phí và thời gian của doanh nghiệp, đi ngược với chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Nhà nước. Suy cho cùng, thời gian cũng là cơ hội cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20.8.2024 cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
Thương hiệu của doanh nghiệp, uy tín của sản phẩm gắn với khả năng chủ động kiểm soát chất lượng, rủi ro, và thể hiện trách nhiệm xã hội
Nhất quán quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tư duy pháp luật cần tham gia kiến tạo không gian phát triển. Quản lý, kiểm soát quy chuẩn, chất lượng cần tư duy và cách thức tiếp cận mới. Trí thông minh nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn đang làm thay đổi tận gốc cách chúng ta nhìn nhận về rủi ro và quản trị chất lượng. Yêu cầu thiết kế hệ thống phân loại mức độ rủi ro của hàng hóa, ngành nghề dựa trên dữ liệu tổng hợp quá khứ là vô cùng cấp thiết.
Những nhóm sản phẩm rủi ro cao cần sự giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, các nhóm hàng rủi ro trung bình hoặc thấp có thể kiểm soát bằng phương thức mềm hơn: hậu kiểm, công nghệ truy xuất, báo cáo định kỳ bằng nền tảng số. Nhưng dù phương án nào cũng mở rộng vai trò của hậu kiểm thực chất, vai trò của Hiệp hội ngành hàng và vai trò của truyền thông nhằm kịp thời phát hiện, phản ánh và chế tài nghiêm khắc. Qua các vụ việc đang xảy ra, yêu cầu chuẩn hóa về quy trình, cách thức hậu kiểm, phát huy vai trò của các bên liên quan, càng trở nên cấp thiết.

Có ý kiến đề xuất cần "trao quyền có điều kiện” cho các hiệp hội ngành hàng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp - những chủ thể có hiểu biết sâu, có động lực giữ gìn uy tín ngành hàng, và có khả năng tham gia cung ứng dịch vụ công một cách minh bạch, hiệu quả. Việc này không chỉ giúp phân bổ nguồn lực kiểm tra một cách thông minh hơn, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp minh bạch, biết kiểm soát rủi ro, có thể tự định vị thương hiệu của mình trên thị trường.
Đề xuất này đi kèm ý kiến quan ngại, dự định này có thể hiệu quả ở các xã hội có trình độ phát triển đồng đều, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp ít nhiều đã đi vào nề nếp, có uy tín và trách nhiệm xã hội cao, còn tại nước ta, hiện vẫn còn rất nhiều việc phải làm, cải thiện. Tôi không nêu ra nhận định về quan ngại này, câu trả lời thỏa đáng xin dành cho các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp.
Bản thân tôi luôn dành niềm tin về sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng chuyên nghiệp của Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp. Luật mới không chỉ kiểm soát rủi ro mà mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp tiên phong xây dựng thương hiệu gắn với bộ ba tiêu chuẩn đo lường mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp ESG: Môi trường - Xã hội - Quản trị.

Có câu nói rất đáng để suy ngẫm, “khi tranh luận mãi mà vẫn chưa thống nhất, hãy thử đổi vai cho nhau”. Đổi vai cho nhau, chúng ta phần nào có thể cảm nhận, chia sẻ và thấu hiểu được những khó khăn, vướng mắc mà người đối diện với mình đang gặp phải.
Cộng đồng doanh nghiệp cần “sân chơi”, “luật chơi” thuận lợi, công bằng, lành mạnh. Nhưng thuận lợi, công bằng, lành mạnh không đồng nghĩa với buông lỏng hay bỏ hẳn kiểm soát. Quy định, quy chuẩn, trước hết và trên hết, cần được xem là “mực thước” giúp bảo vệ và tạo dựng uy tín của chính doanh nghiệp. Quy định, quy chuẩn nhắc nhở doanh nghiệp về những giới hạn, khuôn khổ - tuyệt đối không được phép vượt qua. Quy định, quy chuẩn, nếu được xây dựng và vận hành thông minh, sẽ không phải là rào cản, mà là “giá đỡ” cho thương hiệu doanh nghiệp. Một thương hiệu mạnh trong tương lai không chỉ đến từ giá cả và tiếp thị, mà phải đến từ khả năng chủ động kiểm soát chất lượng, rủi ro, và thể hiện trách nhiệm xã hội.
Thêm một lần nữa, chúng ta cùng thống nhất với nhau rằng, xây dựng quy định, quy chuẩn, quản lý và thực thi, không phải nghĩa vụ và trách nhiệm của riêng cơ quan quản lý hay của riêng doanh nghiệp, hiệp hội, mà là bổn phận của tất cả chúng ta.