Chính phủ đề nghị cho phép cá nhân tham gia đầu tư PPP

Ngày 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Luật thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách; Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Ủy ban Kinh tế - Tài chính bày tỏ quan điểm cơ bản nhất trí về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung các luật theo Tờ trình của Chính phủ.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, dự thảo Luật đề xuất thu hẹp phạm vi điều chỉnh, chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư sử dụng từ 50% vốn ngân sách nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban cho rằng, quy định này giúp tăng tính tự chủ, giải phóng nguồn lực cho Doanh nghiệp Nhà nước, nhưng cần làm rõ cơ sở pháp lý, thực tiễn, tiêu chí xác định tỷ lệ 50% và đánh giá tác động chính sách. Bên cạnh đó, đây là thay đổi chính sách lớn, đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về xét duyệt trúng thầu đối với gói thầu xây lắp, dự thảo Luật bổ sung quy định giá trúng thầu không được thấp hơn giá gói thầu theo tỷ lệ do Chính phủ quy định, nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ thầu quá thấp, thi công kém chất lượng. Ủy ban cho rằng quy định mức “giá sàn” có thể làm giảm cạnh tranh về giá, không xử lý triệt để vấn đề năng lực thi công và thiếu linh hoạt với các dự án, công trình quy mô nhỏ. Do đó, đề nghị Chính phủ cân nhắc giải pháp bổ sung, thay thế như kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công từ đầu thông qua cơ chế giám sát và yêu cầu nhà thầu phải cam kết bảo hành dài hạn hơn nếu chào giá thấp; hoàn thiện chế tài mạnh mẽ đối với nhà thầu vi phạm hợp đồng, bao gồm cả việc cấm tham gia đấu thầu trong một thời gian nhất định.

Các nội dung về chỉ định thầu, chuyển nhiệm vụ của “bên mời thầu” trong lựa chọn nhà thầu sang chủ đầu tư và tổ chuyên gia, ưu đãi trong đấu thầu, cho phép chủ đầu tư được lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, bổ sung “phương pháp đánh giá dựa trên kỹ thuật”, đấu thầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đơn vị sự nghiệp công lập cũng được sửa đổi theo hướng tăng tự chủ, tinh giản thủ tục, quy trình, nhưng cần bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc, tác động chính sách và hoàn thiện quy định chi tiết để bảo đảm hiệu quả thực thi và tránh tiêu cực phát sinh trong đấu thầu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tới tham dự phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tới tham dự phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, liên quan đến mở rộng đối tượng nhà đầu tư cá nhân, theo ông Lê Quang Mạnh, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung “cá nhân” vào đối tượng tham gia đầu tư theo phương thức PPP, nhằm khuyến khích giáo sư, chuyên gia sở hữu công nghệ tham gia phát triển các dự án khoa học, công nghệ.

“Ủy ban cho rằng, hồ sơ dự án Luật chưa làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, và đánh giá tác động đầy đủ về tính khả thi trong việc kiểm soát trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ tài chính và năng lực triển khai dự án của cá nhân trong mô hình PPP. Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và hạn chế rủi ro phát sinh trong thực tiễn triển khai, đề nghị thận trọng trong việc mở rộng đối tượng “cá nhân” tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP khi chưa đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách này”, ông Mạnh cho hay.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng mở rộng diện đối tượng được miễn thuế nhập khẩu. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng, kể cả loại trong nước đã sản xuất được; tài liệu, sách báo khoa học chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc diện được miễn thuế. Ủy ban cho rằng, việc sửa đổi theo hướng mở rộng diện được miễn thuế là cần thiết nhằm thể hiện các chính sách ưu đãi vượt trội đối với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ việc cho phép miễn thuế đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu, kể cả loại trong nước đã sản xuất được vì ảnh hưởng tới chính sách khuyến khích sử dụng hàng trong nước, làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đối với đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án thuộc diện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trước khi thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20, một trong những tiêu chí xác định dự án thuộc diện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt là “giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư”. Cơ chế dẫn đến mâu thuẫn logic, gây khó khăn trong thực tiễn và thiếu minh bạch trong áp dụng. Do đó, đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ cơ chế xác định đối tượng dự án “thuộc diện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt” tại thời điểm trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Chính phủ đề xuất bổ sung 2 nội dung mới là “chính sách đối với các dự án đầu tư công đặc biệt” và “nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng”. Đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế - Tài chính nhất trí việc quy định bổ sung này nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Đối với nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng, đề nghị nghiên cứu bổ sung rõ về hiệu lực pháp lý và nghiên cứu bổ sung “danh mục các dự án” được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất để bảo đảm tính chặt chẽ.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chinh-phu-de-nghi-cho-phep-ca-nhan-tham-gia-dau-tu-ppp-10304493.html