'Cái khó' không 'bó' được nhà báo nữ

Nghề báo đòi hỏi bản lĩnh, sự kiên trì, dũng cảm và khả năng ứng phó nhanh nhạy trước những thử thách không ngừng. Với lòng yêu nghề, nhiều nữ nhà báo trong tỉnh Kiên Giang sẵn sàng dấn thân, nhận và thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những sản phẩm báo chí chất lượng chính là minh chứng về việc 'cái khó' không 'bó' được nhà báo nữ.

TÂM HUYẾT VỚI NGHỀ

Chị Đỗ Hương Giang - Phó trưởng Phòng Thư ký Tòa soạn Báo Kiên Giang kể, sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm Ngữ Văn, Trường Đai học An Giang năm 2009, chị bắt đầu công tác tại Báo Kiên Giang. Chặng đường phóng viên của chị bắt đầu từ những địa bàn xa xôi như huyện biên giới Giang Thành và TP. Hà Tiên, phụ trách mảng quân sự, biên phòng và xây dựng Đảng. Thời gian đó, chị thường đi công tác từ 4 giờ đến 18-20 giờ mới về nhà.

Chính những trải nghiệm đó đã giúp chị Giang rèn luyện sự kiên nhẫn và kỹ năng, nghiệp vụ cho công việc biên tập sau này. “Năm 2009, huyện Giang Thành mới thành lập còn nhiều khó khăn, tôi phải chạy xe trên những con đường đất đỏ, trời mưa rất dễ bị té ngã. Huyện không có nhà nghỉ và ít quán ăn ven đường, khi lưu trú tại huyện 1 tuần tôi phải ở nhờ tại đài truyền thanh huyện”, chị Giang nhớ lại.

Nhà báo Đỗ Hương Giang (bên trái) trong một chuyến công tác biển, đảo. Ảnh: H.G

Thử thách lớn hơn khi chị Giang được ban biên tập giao nhiệm vụ làm biên tập viên, sau đó là Phó Trưởng Phòng Thư ký Tòa soạn. Mỗi ngày, chị làm việc đến khoảng 18 giờ mới về nhà. Những lúc cao điểm biên tập báo xuân, chị vào cơ quan làm việc đến 21-22 giờ. “Mỗi tháng, tôi biên tập khoảng 200 tin, bài. Công việc biên tập không chỉ dừng lại ở việc chỉnh sửa câu từ, mà còn phải đảm bảo nội dung bài viết phong phú, hấp dẫn”, chị Giang nói.

Bàn làm việc của nhà báo Đỗ Hương Giang luôn có cuốn từ điển tiếng Việt, sách chuyên ngành về lĩnh vực báo chí và sổ ta ghi chú những lưu ý về câu từ, chính tả. Có bài viết phải chỉnh sửa nhiều, chưa đạt yêu cầu, chị Giang dành thời gian góp ý cho phóng viên, cộng tác viên viết lại; nhiều cộng tác viên tiến bộ hơn nhờ những định hướng, góp ý tận tình của chị.

Để đảm bảo các trang báo do mình phụ trách không bị thiếu bài, nội dung tuyên truyền đa dạng, chị Giang quan tâm xây dựng mạng lưới cộng tác viên của Báo Kiên Giang. Không chỉ biên tập, chị Giang còn dành thời gian đi cơ sở, nhất là biên giới, biển, đảo để viết những loạt bài chất lượng cao. Những ngày đi công tác, chị Giang dậy sớm để biên tập bài gửi về tòa soạn, sau đó mới lên đường đi công tác.

Tận tụy, yêu nghề, đến nay nhà báo Đỗ Hương Giang gặt hát nhiều giải thưởng quan trọng của tỉnh Kiên Giang như giải nhất giải Búa liềm vàng tỉnh năm 2021; giải nhất giải báo chí tỉnh năm 2021, giải khuyến khích giải báo chí khu vực đồng bằng sông Cửu Long 2018…

Ngoài công tác biên tập, viết bài, nhà báo Đỗ Hương Giang còn đảm nhận và thực hiện tốt vai trò là Thư ký Chi hội báo Kiên Giang và Phó Bí thư Chi bộ Phòng Thư ký Tòa soạn. Hành trình vượt khó của chị là minh chứng cho sự bền bỉ và lòng yêu nghề sâu sắc. “Với tình yêu nghề và sự kiên định, mọi khó khăn đều có thể vượt qua”, chị Giang chia sẻ.

Đồng chí Đỗ Hương Giang biên tập tin, bài tại tòa soạn Báo Kiên Giang. Ảnh: TÂY HỒ

TRỌN VẸN TÌNH YÊU NGHỀ BÁO

Là viên chức Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Hòn Đất, công việc của chị Nguyễn Thị Hương không chỉ quay phim, viết tin, bài mà còn biên tập chương trình, dựng phóng sự truyền hình, có thời gian chị còn đảm nhận vai trò phát thanh viên.

Chị Hương chia sẻ: “Thực hiện nhiệm vụ viết tin, bài, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh các hoạt động, vấn đề thời sự của địa phương, tính chất công việc đòi hỏi tôi phải đảm bảo lịch trình, thời gian phát sóng, nên không tránh khỏi những áp lực trong công việc”.

Chị Nguyễn Thị Hương - Viên chức Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Hòn Đất cân chỉnh máy quay trước khi tác nghiệp. Ảnh: CẨM TÚ

Yêu nghề báo, chị Hương không ngại khó khăn, vất vả trong tác nghiệp, tích cực bám địa bàn, sẵn sàng dấn thân để kịp thời phản ánh thông tin thời sự đến khán giả. Ít ai biết, để có được những thước phim đẹp, sống động về các mô hình kinh tế không ít lần chị Hương phải lội ruộng hay vác máy quay vượt mương, lăn xả thực hiện tác phẩm báo chí chất lượng.

Chị Hương nhớ như in những ngày đầu cầm máy quay, do chưa nắm vững kỹ thuật, kinh nghiệm quay hình nên chị lúng túng, sản phẩm không đạt, không được phát sóng. Dù vậy, chị không nản lòng, cố gắng học hỏi đồng nghiệp, tích cực tham gia các lớp học về kỹ thuật quay phim để nâng cao tay nghề.

Việc vừa quay vừa khai thác thông tin, viết lách đối với người làm báo không phải dễ, nhất là đối với nữ, cần nhiều sức lực, kỹ năng, sự tập trung và năng động. Nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, vất vả trong công việc, chị Hương ý thức trau dồi kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chị Nguyễn Thị Hương - Viên chức Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Hòn Đất sáng tạo tác phẩm báo chí sau quá trình tác nghiệp. Ảnh: CẨM TÚ

Sâu sát địa bàn, nhanh nhạy trong tác nghiệp, chị Hương kịp thời cung cấp sự kiện, thời sự ở địa phương, những năm qua, chị là cộng tác viên năng động của Báo Kiên Giang và Đài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang.

Nhìn lại chặng đường gần 13 năm gắn bó với nghề báo, chị Hương không khỏi xúc động, tự hào, bởi trong quá trình làm nghề chị được trải nghiệm nhiều điều thú vị, trau dồi kiến thức bổ ích, đi nhiều nơi, mở rộng mối quan hệ đồng nghiệp.

Đối với chị Hương, niềm hạnh phúc khi làm nghề là được nhiều khán giả quan tâm, ghi nhận các sản phẩm của chị, trong đó có tác phẩm đạt giải báo chí được Hội Nhà báo tỉnh khen thưởng; hai năm liền (2021-2022), chị được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Đây cũng là động lực để chị vượt qua mọi khó khăn, vững tâm gắn bó với nghề.

KHÔNG NGỪNG HỌC HỎI

Hơn 12 năm công tác, chị Trần Thị Xuân Dàng - phóng viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Giồng Riềng không ngừng nỗ lực, vượt khó, nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền tại địa phương.

Năm 2012, chị Dàng vào công tác tại Đài Truyền thanh huyện Giồng Riềng. “Đặc thù công tác tuyên truyền ở huyện là vừa quay vừa biên tập tin, bài nhưng khi đó, nghiệp vụ của tôi còn hạn chế. Từ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo cơ quan và các đồng nghiệp, tôi không ngừng học hỏi, tìm tòi, nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường đi cơ sở, tìm hiểu những mô hình hay, sáng tạo để viết tin, bài tuyên truyền. Tôi còn phối hợp với nhiều đồng nghiệp ở Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang công tác ở cơ sở để học hỏi cách viết tin, bài, nhờ đó nâng cao được trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…”, chị Dàng chia sẻ.

Chị Trần Xuân Dàng tác nghiệp tại thư viện huyện. Ảnh: TÚ ANH

Đặc thù công việc phải sử dụng máy quay, khuân vác máy móc cồng kềnh cũng là một khó khăn đối với nữ. Lo xong việc nhà, con nhỏ, chị Dàng dành thời gian cho nghề báo. Với chị, những khó khăn, thử thách trong công việc là điều kiện để bản thân rèn luyện, trưởng thành và càng gắn bó, yêu nghề hơn.

Chị Dàng kể: “Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, là phóng viên tôi thường xuyên đi cơ sở, ghi nhận được những khó khăn của người dân trong vùng dịch, những nỗ lực của các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện trong công tác phòng chống, dịch bệnh. Đó là khoảng thời gian tôi nhận ra bản thân rất yêu nghề, không ngại đi cơ sở trong điều kiện dịch bệnh hết sức phức tạp và tôi luôn tự hào vì mình đã góp một phần nhỏ công sức trong tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh”.

Trong năm 2021, 2023, chị Trần Xuân Dàng là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trong 3 năm liền (2021, 2022, 2023), được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tặng giấy khen hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trước yêu cầu trong công tác tuyên truyền tại địa phương hiện nay, chị Trần Xuân Dàng đề ra mục tiêu là trau dồi thêm kỹ năng viết phóng sự, dựng hình phục vụ trình chiếu tại các đại hội, hội nghị tổng kết… Tranh thủ thời gian rảnh, chị Đang học hỏi thêm kỹ năng chụp hình để có thể cộng tác thêm nhiều tin, bài với Báo Kiên Giang và phục vụ tuyên truyền tại trang fanpage Tin tức Giồng Riềng, trang thông tin điện tử huyện…

NỮ PHÓNG VIÊN GIÀU NĂNG LƯỢNG

Nhắc đến chị Châu Tú Quyên - phóng viên Phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, nhiều đồng nghiệp báo chí nhớ ngay đến một nữ phóng viên có gương mặt sáng, nụ cười tươi và giàu năng lượng tích cực khi tác nghiệp.

Tú Quyên đã có 17 năm gắn bó với Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang. Xuất phát là phát thanh viên, kỹ thuật dựng chuyển sang làm phóng viên, nhưng Tú Quyên không ngại khó trong quá trình tác nghiệp. Chị thường xuyên đi về vùng sâu, vùng xa, có những bài viết về đồng bào dân tộc thiêủu số, về những chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ người dân, về sự vượt khó vươn lên của người dân, nhất là đồng bào Khmer vùng sâu, vùng xa, biên giới. “Khi tác phẩm phát sóng, người dân xem được họ rất vui, mình cũng vui theo”, Tú Quyên nói.

Phóng viên Tú Quyên tác nghiệp. Ảnh: TRÚC LINH

Qua quá trình công tác, Tú Quyên dần trưởng thành với nghề báo. Dịp tết năm 2019, chị đăng ký theo đưa tin đoàn của lãnh đạo các tỉnh thăm chúc tết các đơn vị đóng quân nơi biển, đảo Tây Nam, có khoảng 200 nhà báo cả nước theo tác nghiệp. Lần đó, thật sự Tú Quyên ra “biển lớn” với đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, được đi và trải nghiệm, hiểu và cảm thông những khó khăn, vất vả, sự đóng góp của những người lính nên chị có nhiều bài viết về các anh và truyền tải đầy đủ thông tin hoạt động của đoàn công tác.

Lãnh đạo thấy được sự năng động, đam mê của Tú Quyên, nên tiếp tục phân công chị theo các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh thăm các đảo vào dịp tết hàng năm. Quyên nói: “Tôi đi công tác với tinh thần hết sức phấn khởi, thích thú, dù là nữ nhưng nhờ có sức khỏe nên không sợ say sóng. May mắn nữa là ông xã rất ủng hộ công việc của tôi”.

Ngoài đi cùng đoàn, Tú Quyên thường đi tác nghiệp biển, đảo thực hiện một số bài phóng sự, đi vùng sâu, vùng xa, biên giới Hà Tiên, Giang Thành. Nhờ vậy, chị có các tác phẩm tốt và đoạt nhiều giải cao trong cuộc thi báo chí tỉnh, giải Búa liềm vàng.

Phóng viên Tú Quyên dẫn chuyên mục “Dân hỏi - chính quyền trả lời”. Ảnh: TRÚC LINH

Năm 2021, UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì mở lại chuyên mục “Dân hỏi - chính quyền trả lời”, Tú Quyên được giao biên tập chương trình, biên soạn kịch bản và dẫn chương trình. Nhận thức chương trình là điểm nhấn của đài để cung cấp đến người dân thông tin bổ ích, cũng như giải đáp nhu cầu bức xúc của người dân, Tú Quyên nỗ lực để hoàn thành tốt.

Qua gần 3 năm thực hiện chuyên mục, chị đã thực hiện 70 kỳ “Dân hỏi chính quyền trả lời” và luôn tìm tòi đổi mới, suy nghĩ cách làm, cách đặt câu hỏi cho diễn giả, tạo không khí cởi mở cho diễn giả thoải mái và hấp dẫn người xem.

“Dù U40, nhưng với lòng đam mê, yêu nghề, tôi luôn cố gắng để đi đến vùng sâu, vùng xa thực hiện các bài viết phản ánh về kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân, nhất là đồng bào Khmer. Bản thân tìm tòi học hỏi nâng cao kiến thức nhiều hơn để những tác phẩm báo chí được nâng chất lượng hơn cả về nội dung và hình thức thể hiện, góp phần nâng cao chất lượng chương trình của Phòng Thời sự”, Tú Quyên nói.

TÂY HỒ - CẨM TÚ - TÚ ANH - TRÚC LINH - VĂN CẢNH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xa-hoi/cai-kho-khong-bo-duoc-nha-bao-nu-20910.html