Cải tạo quốc lộ: Rất cần sự chung tay của địa phương
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về cải tạo, mở rộng một số tuyến quốc lộ, triển khai dự án giao thông chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngân sách Trung ương một năm giao cho Bộ chỉ đáp ứng được 66% nhu cầu vốn, nên nếu địa phương bố trí được nguồn vốn, cùng với Trung ương thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng các tuyến quốc lộ là rất cần thiết và hợp lý.
Ngân sách một năm giao cho ngành chỉ đáp ứng 66% nhu cầu
Quan tâm các giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện nay, một số tuyến đường quốc lộ không đáp ứng nhu cầu đi lại, nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Một số tỉnh đề xuất chủ trương với Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải có cơ chế cho phép các tỉnh dùng ngân sách của địa phương đầu tư mở rộng các tuyến đường này, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội, sau đó sẽ bàn giao cho địa phương quản lý. Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị, Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Giao thông đường bộ, các tuyến đường cao tốc ở quốc lộ thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông - Vận tải, những tuyến đường tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm của địa phương. Vừa qua, nhiều tuyến đường xuống cấp, nhưng ngân sách Trung ương một năm giao cho Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đáp ứng được 66%. Ví dụ nhiệm kỳ này, nhu cầu của chúng ta cần 446.000 tỷ đồng để đầu tư làm đường cao tốc, quốc lộ nhưng ngân sách chỉ bố trí được 366.000 tỷ đồng, không đáp ứng được để đầu tư hết các tuyến quốc lộ.
“Trong bối cảnh nguồn ngân sách Trung ương có hạn, nếu địa phương bố trí được nguồn vốn, cùng với Trung ương thực hiện các tuyến quốc lộ là rất cần thiết và hợp lý. Không chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc mà nhiều địa phương vừa rồi cũng đã đề nghị như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết và khẳng định, Bộ Giao thông - Vận tải đã phối hợp cùng với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ cũng đã họp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện cơ chế thí điểm trong lúc luật chưa sửa được. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết cho phép địa phương có thể có nguồn vốn tham gia với Trung ương để triển khai xây dựng đường quốc lộ và cao tốc.
Nắm rõ nhu cầu đầu tư thực hiện dự án
Quan tâm đến một số dự án giao thông – vận tải chậm tiến độ, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho biết, dự án tuyến đường sắt Yên Viên – Cái Lân được triển khai từ năm 2005 hiện đang bị dừng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Sau 18 năm với gần 60% kinh phí đã được thực hiện, hiện nay dự án đang rơi vào tình trạng “cầu chờ đường, đường chờ đổ đá lắp ray”, gây lãng phí rất lớn, ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh nơi dự án đi qua bị ảnh hưởng do nằm trong hành lang quy hoạch đường sắt. Đại biểu Trần Thị Vân đề nghị, Bộ trưởng cho biết dự án có được tiếp tục thực hiện hay không? Khi nào thực hiện? Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết những tồn đọng kéo dài nêu trên?
Cùng quan tâm đến vấn đề này, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết, Bắc Giang có 2 nút thắt giao thông mà cử tri đã phản ánh qua nhiều kỳ họp của Quốc hội là cầu Cẩm Lý và cao tốc Hà Nội – Bắc Giang thường xuyên xảy ra ùn tắc, tiềm ẩn nhiều tai nạn giao thông. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong nhiệm kỳ này, hai nút thắt giao thông của tỉnh Bắc Giang có giải quyết được không?
Trả lời về dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, Bộ trưởng cho biết, bản thân đã nắm rất rõ nhu cầu đầu tư thực hiện dự án này vì được triển khai từ năm 2005. Tuy nhiên, do khó khăn về ngân sách nên dự án đang dở dang. Nhận thấy tính cấp thiết của dự án này, Bộ Giao thông - Vận tải đã tham mưu Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, sau đó Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49 trong đó chỉ đạo tiếp tục triển khai dự án này. “Bộ Giao thông - vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để tham mưu, tính toán bố trí nguồn vốn tiếp tục đầu tư dự án này. Về mặt ý chí, chúng tôi ủng hộ tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án đường sắt này theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về cải tạo cầu Cẩm Lý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đây là cây cầu duy nhất còn sót lại ở miền Bắc đi chung cả đường sắt và đường bộ và việc đầu tư nâng cấp cây cầu này là rất đúng, vì lưu lượng di chuyển qua cầu này lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất đưa vào bổ sung nguồn vốn đầu tư công nhưng do nguồn lực có hạn nên chưa bố trí được. Bộ Giao thông- Vận tải đã tính đến phương án làm việc với các tổ chức quốc tế để bố trí nguồn lực nhưng cũng vẫn chưa thành công. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo yêu cầu tỉnh Bắc Giang phối hợp với các Bộ ngành để thu xếp, bố trí nguồn vốn ODA nghiên cứu đầu tư phù hợp, trong trường hợp cấp bách cần đầu tư ngay thì tỉnh bố trí nguồn vốn.
Đối với cầu Xương Giang, Bộ trưởng cho biết, Bộ Gao thông - Vận tải nhận thấy sự cần thiết đầu tư và đã cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền sử dụng nguồn tăng thu năm 2022 đầu tư cây cầu này. Nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận sẽ bố trí nguồn để thực hiện cầu Xương Giang.