Cải thiện môi trường kinh doanh từ gỡ vướng chính sách

Báo cáo 'Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024' vừa được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, năm 2024 là thời điểm kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, song doanh nghiệp (DN) vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trước áp lực đó, nhiều nỗ lực cải cách thể chế, hoàn thiện pháp luật đã được triển khai, hướng tới quản lý hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các doanh nghiệp Đồng Nai tham gia một sự kiện kết nối kinh doanh trong năm 2025. Ảnh: V.Gia

Các doanh nghiệp Đồng Nai tham gia một sự kiện kết nối kinh doanh trong năm 2025. Ảnh: V.Gia

Đồng Nai, tỉnh cũng đang nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Vẫn còn rào cản

Ngày 22-4, tại Lễ Công bố Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định, bức tranh kinh tế năm 2024 có nhiều điểm sáng, nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%. Trong năm, các hoạt động xây dựng chính sách diễn ra rất sôi động, hướng tới quản lý hiệu quả về kinh tế. Đã có 31 luật, 182 nghị định, 629 thông tư được ban hành, tăng gấp đôi về số lượng luật so với năm 2023; xu hướng dùng một luật sửa nhiều luật cũng đã được rút gọn trình tự.

Mặc dù vậy, các DN vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức. Có thể thấy, đó là sự sụt giảm đơn hàng, sức mua trong nước chưa phục hồi rõ rệt, chi phí sản xuất leo thang và những bài toán nan giải về lao động, cũng như nguồn vốn. Các rào cản về hệ thống văn bản pháp luật phức tạp, thủ tục hành chính thiếu tính minh bạch về thời gian xử lý, gây khó khăn cho việc xác định tiến độ triển khai dự án cũng là vấn đề DN gặp phải. Bên cạnh đó, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật cùng với năng lực thực thi tại địa phương còn nhiều hạn chế đã làm chậm quá trình triển khai.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tình trạng quy định chồng chéo, thiếu nhất quán đang trở thành rào cản lớn cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trong khi đó là những yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.

Theo các chuyên gia, điểm đáng ghi nhận là cộng đồng DN ngày càng chủ động và tích cực hơn trong việc tham gia đóng góp ý kiến và phản biện chính sách. Tuy vậy, vẫn còn không ít chính sách được xây dựng mà thiếu sự tham vấn thực chất từ chính các đối tượng chịu tác động là DN.

Theo bà Phạm Chi Lan, để thúc đẩy chính sách theo hướng thuận lợi hơn cho DN, Nhà nước cần tinh gọn bộ máy, tập trung vào những chức năng cốt lõi, thực chất của quản lý nhà nước; đồng thời, ủy quyền tối đa cho các tổ chức xã hội, cộng đồng và DN thực hiện những công việc cụ thể, tạo điều kiện để xã hội tự giám sát, minh bạch hơn trong hoạt động thực thi chính sách.

Dưới góc độ địa phương, theo Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng, những vấn đề cốt lõi như mặt bằng, vốn cho sản xuất, công nghệ và nhân lực vẫn là điểm yếu của DN nhiều năm qua. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động thường nảy sinh những vấn đề mới mà tiến độ giải quyết, hỗ trợ DN chưa theo kịp nhu cầu thực tế. Điều này hạn chế tiềm năng sáng tạo, sự phát triển của DN trong giai đoạn này.

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Việt Nam đang phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao dựa trên sự phát triển của DN. Do đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 8-1 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025. Quan điểm chính là mở rộng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và DN; tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo bỏ rào cản, khơi thông đầu tư tư nhân; cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, DN và nâng cao hiệu quả, chất lượng thực thi văn bản pháp luật.

Tại Đồng Nai, ngày 10-4-2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về việc thực hiện chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; phấn đấu bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ đối với các thủ tục hành chính, 30% chi phí đầu tư thực hiện thủ tục hành chính trong năm 2025. Năm 2026, tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, 50% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính so với năm 2024.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng, Đồng Nai rất coi trọng vai trò của các DN, nhất là DNTN trên địa bàn tỉnh. Lấy sự thành công của DN là thành công của địa phương nên chính quyền sẽ nỗ lực đồng hành, hỗ trợ và mong muốn cộng đồng DN mạnh dạn góp ý chính sách để hiệu quả phối hợp được tốt hơn.

Góp ý cho địa phương về mục tiêu tăng trưởng cao trong thời gian tới, GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Đồng Nai cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bằng cách phối hợp, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, đồng thời hỗ trợ DN thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và hợp tác mở rộng chuỗi cung ứng cùng các địa phương lân cận; điều này sẽ giúp Đồng Nai gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-tu-go-vuong-chinh-sach-b546e26/