Cấm bán thuốc qua mạng: Vì sự an toàn của người dân

Ngày 19-6, Báo SGGP đăng bài viết: 'Bán thuốc qua mạng - nhiều hệ lụy' của đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, không đồng tình với đề xuất bán thuốc qua mạng xã hội (MXH); nên cân nhắc khi pháp lý đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong khuôn khổ an toàn. Sau khi bài báo được đăng tải, nhiều chuyên gia, bác sĩ, người dân… đã có chung quan điểm xung quanh vấn đề này.

 Người dân mua thuốc tại một cửa hàng ở quận 7, TPHCM

Người dân mua thuốc tại một cửa hàng ở quận 7, TPHCM

Ông NGUYỄN THÀNH LÂM Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế):

Cần quản lý chặt chẽ, có chế tài

Thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân nên được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Y tế. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng livestream, quảng cáo tràn lan, bán thuốc trên MXH diễn ra rất phức tạp, gây nguy hại cho người tiêu dùng, dù đây là xu thế chung khi công nghệ và thương mại điện tử ngày càng phát triển. Do đó, cần quản lý chặt chẽ, có chế tài hoạt động livestream, quảng cáo, kinh doanh thuốc trên MXH. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ sửa đổi 44/116 điều của Luật Dược hiện hành. Trong đó có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn liên quan tới việc kinh doanh thuốc chữa bệnh là rất cần thiết, nhằm điều chỉnh các vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn, và quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân cũng như quyền lợi, kinh tế của người tiêu dùng.

Dược sĩ NGUYỄN XUÂN LỘC Công ty Dược phẩm Phát Lộc:

Khó thực hiện khi chưa có quy định pháp luật cụ thể

Việc Chính phủ và Bộ Y tế tiến hành sửa đổi Luật Dược năm 2016, trong đó có đề xuất việc không cho phép các cá nhân được kinh doanh, buôn bán thuốc qua MXH là rất cần thiết, điều này không chỉ bảo vệ người bệnh và người tiêu dùng mà còn làm lành mạnh hơn thị trường dược phẩm, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng. Thực tế, trước sự phát triển của hệ thống thương mại điện tử và thói quen mua thuốc online, nhiều doanh nghiệp dược hoàn toàn có đầy đủ năng lực, công nghệ để có thể kinh doanh trực tiếp thuốc qua MXH, nhưng chúng ta lại chưa có các quy định pháp luật cụ thể về việc này nên khó thực hiện. Trong khi đó, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ lại sẵn sàng vi phạm chỉ với mục đích thu lợi, bất chấp các mối nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh do dùng thuốc không an toàn.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN LÂN HIẾU, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội:

Quy rõ trách nhiệm của Bộ Y tế

Bản thân tôi không có ngày nào không bị người dân gọi đến hỏi: “Thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh sử dụng không mà người ta sử dụng hình ảnh của anh để bán trên mạng rất nhiều?”. Do đó, theo tôi, trong việc quản lý quảng cáo đối với mặt hàng thuốc, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế. Trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi) cần ghi rõ: Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên MXH, cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết trên các website, app của Bộ Y tế để phòng tránh, không để người dân dùng các thuốc này. Đây là vấn đề nổi cộm và chúng ta cần đưa vào quy định của pháp luật để tránh tình trạng bán nhiều thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên MXH.

 Người dân mua thuốc tại một cửa hàng thuốc trên địa bàn quận 7, TPHCM

Người dân mua thuốc tại một cửa hàng thuốc trên địa bàn quận 7, TPHCM

Ông ĐỖ ĐÌNH TÙNG, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội:

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trong quá trình thăm khám cho người bệnh, chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp người bệnh dùng thuốc không đúng chỉ định, tự ý mua thuốc trên MXH, gây nguy hại rất nhiều tới sức khỏe. Có những trường hợp người bệnh bị tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim, suy thận chỉ vì dùng thuốc mua qua MXH. Thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt, nên cần quy định rất chặt chẽ về việc sản xuất, phân phối và kinh doanh. Việc mua bán thuốc qua MXH sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, không kiểm soát được nguồn gốc, liều lượng, công dụng, cách dùng và chống chỉ định, do vậy có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh, gây ra các biến chứng với hậu quả khó lường.

Ông NGUYỄN VĂN NAM ngụ phường Thới An, quận 12, TPHCM:

Trở thành nạn nhân của thuốc giả, kém chất lượng

Mới đây, tôi bị lừa hơn 3 triệu đồng vì mua thuốc trị bệnh rối loạn chuyển hóa lipid trên mạng. Sản phẩm được đóng gói đẹp mắt và giao về tận nhà kèm thông tin hướng dẫn sử dụng, cam kết mỡ máu trở về ngưỡng an toàn sau 1 tuần sử dụng. Sau một tháng sử dụng thuốc, chỉ số mỡ máu không giảm, nhưng kéo theo đó là nhiều triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi… Khi tôi hỏi thì người bán hàng bảo là do cơ thể chưa thích nghi được với thuốc, cần phải dùng sản phẩm thêm một thời gian nữa mới thấy rõ công hiệu. Qua nói chuyện, thấy người bán không hiểu rõ về các loại thuốc nên tôi đã không tiếp tục mua hàng.

MINH NAM - MINH KHANG ghi

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cam-ban-thuoc-qua-mang-vi-su-an-toan-cua-nguoi-dan-post745719.html