Cam Cao Phong với chu kỳ tái canh lịch sử

Bài 2 - Phát triển bền vững vùng cam Cao Phong (HBĐT) - Việc triển khai thực hiện thành công Đề án tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ là nền tảng để phát triển bền vững vùng cam Cao Phong. Trước mắt tập trung xây dựng cánh đồng mẫu tái canh cây cam gần 14 ha tại trung tâm của thủ phủ cam Cao Phong.

Với diện tích gần 14ha, cánh đồng mẫu tái canh cây cam tại huyện Cao Phong đang dần được phủ sắc xanh của cam Canh.

Với diện tích gần 14ha, cánh đồng mẫu tái canh cây cam tại huyện Cao Phong đang dần được phủ sắc xanh của cam Canh.

Chặt chuối trồng cam

Đã từng gắn bó với cây cam cả chục năm nhưng 3 năm qua, gia đình ông Phạm Quang Vinh, khu 2, thị trấn Cao Phong tạm "chia tay” cây cam. Ông Vinh lý giải, do vườn cam đã hết chu kỳ khai thác nên 3 năm trước gia đình chặt bỏ chuyển sang trồng chuối. Sau khi đã thực hiện luân canh, cải tạo đất, gia đình ông Vinh chặt chuối, làm đất trồng cam Canh trên diện tích hơn 2.000 mét vuông.

Ông Vinh chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi trồng cam Xã Đoài, nhưng hết tuổi khai thác nên cải tạo đất bằng cách trồng chuối. Sau đủ thời gian cải tạo nay trồng cam trở lại. So với cây trồng khác, cây cam "khó tính” hơn, nhưng tôi trồng lâu năm rồi nên nắm vững kỹ thuật. Khi trồng lại có nhiều thuận lợi, nhất là diện tích vườn của gia đình nằm trong mô hình xây dựng cánh đồng mẫu tái canh cây cam nên được hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật. Mấy vườn chuối kế bên cũng đang thu hoạch nốt để chuyển sang trồng cam Canh”.

Gia đình ông Vinh là một trong số hộ dân có diện tích thuộc mô hình xây dựng cánh đồng mẫu tái canh cây cam tại huyện Cao Phong. Những ngày này, nhiều vườn thuộc cánh đồng mẫu đã trồng cam Canh. Một số vườn bà con đang thu hoạch nốt chuối để tái canh cây cam trong thời gian tới. Theo chia sẻ của đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong: Ở giai đoạn trước, phát triển vùng trồng cam của huyện còn những hạn chế, tồn tại. Như việc các hộ dân trồng tự ý, trồng xen nhiều loại cam trong cùng một diện tích nên gây khó khăn trong quá trình chăm sóc. Khi cần lượng lớn cam cùng loại để xuất bán thì không đảm bảo số lượng, buộc tư thương phải đi mua gom từ nhiều vườn.

"Với đề án tái canh đã có những định hướng rất cụ thể về phát triển cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong. Trong đó, thực hiện tổ chức lại sản xuất, sản xuất thành các vùng thuần giống để tiến tới xây dựng mã số vùng trồng, tạo thuận lợi cho tiêu thụ”, đồng chí Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong nhấn mạnh. Đối với các hộ thực hiện tái canh được hỗ trợ 100% cây giống. Điều này tạo sự đồng bộ về giống, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia. Ngành chức năng sẽ tập trung chỉ đạo kỹ thuật sản xuất cam, thành lập hợp tác xã (HTX) và quy hoạch thành các lô, thửa. Sau này, khi xây dựng cánh đồng mẫu thành công sẽ có những vườn cam đạt tiêu chuẩn về chất lượng để làm mô hình tham quan, học tập kinh nghiệm, hướng tới trở thành điểm tham quan, du lịch.

Được biết, hiện nay, Sở NN& PTNT đã ban hành quy trình tạm thời của tỉnh Hòa Bình về kỹ thuật trồng tái canh. Như vậy, trước mắt, những hộ trồng tái canh có thể áp dụng quy trình này để trồng cam trong thời điểm chưa có quy trình chung của Bộ NN&PTNT. Qua nắm bắt thực tế cho thấy, đề án tái canh nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của các hộ dân ở thủ phủ cam Cao Phong. Đến nay, đề án đang được Sở NN&PTNT phối hợp UBND huyện Cao Phong triển khai bài bản, chặt chẽ. Những kết quả bước đầu đem lại khá thiết thực, như hệ thống hạ tầng về giao thông nội đồng, điện nội đồng, cấp nước tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây mới; đã vận hành ổn định hệ thống nhà lưới 3 cấp, đủ khả năng cung cấp cây giống sạch bệnh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia cho toàn bộ vùng trồng cây có múi của cả tỉnh. Ngoài ra, đã cấp được 3 mã số vùng trồng, diện tích trên 30 ha.

Hướng tới vùng sản xuất cam an toàn, chất lượng

Nhìn lại hơn nửa thế kỷ phát triển cây cam, nhất là trong giai đoạn phát triển "nóng”, bản thân người trồng cam đã ngộ ra nhiều bài học quý giá. Nhưng trên hết có lẽ là câu chuyện làm sao để phát triển cây cam bền vững trên mảnh đất mà họ đã xác định "ăn đời, ở kiếp”.

Ông Nguyễn Văn Quảng, hộ trồng cam lâu năm ở xóm Dệ, xã Bắc Phong thẳng thắn: Nếu cứ lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc cây cam thì người "chết” đầu tiên là người trồng cam. Do đó, trồng cam hữu cơ là tất yếu để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển cây cam bền vững. Tuy nhiên, để trồng cam hữu cơ đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó, sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng rất quan trọng.

Nếu như nhiều hộ trồng cam vẫn gặp những khó khăn trong sản xuất cam hữu cơ thì ở thủ phủ cam Cao Phong đã có những người đi tiên phong, gặt hái được những thành công. Tiêu biểu như HTX 3T nông sản Cao Phong, với phương châm sản xuất "3T”, gồm: Tốt đất, tốt giống, tốt từ tâm. Đến nay, HTX đã có sản phẩm cam quà tặng cao cấp 3T Farm được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. HTX tiếp tục nghiên cứu, học hỏi để đưa ra những dòng sản phẩm chế biến sâu từ trái cam như: mứt, trà túi lọc, bột cam nguyên chất.

Sự nỗ lực, quyết tâm của người trồng cam Cao Phong bước đầu đem lại những kết quả mang tính bước ngoặt. Trong niên vụ 2022 - 2023 có 7 tấn cam Cao Phong được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính, các tiêu chuẩn khắt khe, đó là Vương quốc Anh. Kết quả phân tích mẫu cam xuất khẩu với trên 800 hoạt chất bảo vệ thực vật đều đảm bảo theo yêu cầu của Vương quốc Anh hay EU. Đây là dấu ấn đặc biệt, góp phần quảng bá mạnh mẽ thương hiệu cam Cao Phong và động viên người trồng cam trên địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để thực hiện thành công đề án tái canh cây ăn quả có múi, tỉnh đã đề ra 9 giải pháp thực hiện. Trong đó, tiếp tục củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, HTX sản xuất cây ăn quả có múi; tạo nguồn giống sạch bệnh; quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước; cải thiện độ phì, kết cấu đất trồng và tạo quỹ đất sạch nguồn sâu bệnh phục vụ tái canh cây ăn quả có múi.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức sản xuất đáp ứng mục tiêu tái canh, như: chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; hướng dẫn, hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cây ăn quả có múi đảm bảo an toàn thực phẩm, GAP, hữu cơ. Thiết lập trung tâm logistics sản phẩm cây ăn quả có múi tại huyện Cao Phong cùng với chuỗi các dịch vụ liên quan, nhằm quản lý thống nhất chất lượng sản phẩm, giảm chi phí lưu thông hàng hóa.

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh đầu tư vào chế biến nông sản, đa dạng hóa sản phẩm. Một trong những giải pháp quan trọng nữa là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cam và nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, tái canh cây ăn quả có múi.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/182669/cam-cao-ph111ng-voi-chu-ky-tai-canh-lich-su.htm