Đã đến lúc thay đổi mô hình tăng trưởng để cất cánh
Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế trong thời gian qua, với tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao trong khu vực. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng hiện tại chủ yếu dựa vào nguồn lực lao động giá rẻ và vốn đầu tư đang bộc lộ những hạn chế cố hữu, đòi hỏi một sự chuyển dịch mạnh mẽ để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong tương lai.

Quang cảnh diễn đàn
Hạn chế của mô hình tăng trưởng dựa vào nguồn lực
Phát biểu tại Diễn đàn Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045 diễn ra ngày 15/7, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Việt Nam đã chuyển mình ngoạn mục từ một quốc gia nghèo thành nền kinh tế tăng trưởng trung bình liên tục trên 6%/năm trong hơn 30 năm, vươn lên top 25 cường quốc thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, theo TS. Đặng Xuân Thanh, đà tăng trưởng này đang chững lại do ba "động cơ" chính (lao động giá rẻ, đầu tư vốn lớn, hội nhập) dần mất hiệu lực. Hiệu quả sử dụng vốn còn thấp (ICOR gần 6), năng suất lao động dù cải thiện vẫn thua xa khu vực, chỉ bằng 1/11 Singapore, 1/5 Malaysia và chưa bằng 50% Thái Lan. Đã đến lúc Việt Nam cần tìm động lực tăng trưởng mới.
Đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Từ nhiều năm qua, khu vực này đã và đang là đầu tàu, kéo kim ngạch xuất khẩu nước ta vươn lên những đỉnh cao mới. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng đó, một sự thật đáng lo ngại vẫn tồn tại dai dẳng, đó là hiệu ứng lan tỏa về công nghệ từ khối FDI sang các doanh nghiệp trong nước còn hết sức hạn chế.
"Dù đã nỗ lực kêu gọi và thu hút FDI trong nhiều thập kỷ, chúng ta vẫn chưa thể tận dụng tối đa để nâng tầm nội lực, đặc biệt là về công nghệ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bản địa. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng hơn", TS. Đặng Xuân Thanh cho biết.
Chia sẻ về vấn đề trên, TS. Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho biết, mô hình tăng trưởng dựa vào nguồn lực lao động và vốn đã giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, mô hình này đang gặp phải hai thách thức lớn là nguồn lực có hạn. Chúng ta không thể gia tăng nguồn lực vô thời hạn để duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Việc tăng thêm cùng một đơn vị hoặc tỉ lệ nguồn lực sẽ mang lại tỉ lệ tăng trưởng giảm dần. Điều này thể hiện rõ qua chỉ số lượng đầu tư để tạo ra một đơn vị GDP. Trước đây, chúng ta chỉ cần 3-4 đồng vốn để tạo ra 1 đồng tăng trưởng, nhưng hiện nay con số này đã tăng lên 6 đồng, cho thấy hiệu quả sử dụng nguồn lực đang suy giảm đáng kể.
Với mục tiêu tăng trưởng 8-10% mà Chính phủ đặt ra, TS. Hùng khẳng định mô hình hiện tại không còn phù hợp.
Tăng trưởng dựa trên hiệu quả và đổi mới sáng tạo
Theo TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể tiếp tục đi theo mô hình tăng trưởng cũ vốn dựa nhiều vào lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn. Việt Nam cần một cuộc thay máu toàn diện, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng theo số lượng sang tăng trưởng theo chất lượng.
Cũng theo TS. Lê Xuân Sang, Việt Nam cần đổi mới tư duy trong thu hút FDI. Ưu tiên hàng đầu là các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng lớn và có khả năng lan tỏa công nghệ, tri thức sang khu vực trong nước. Để làm được điều này, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để họ kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này không chỉ giúp chúng ta tiếp cận công nghệ tiên tiến, mà còn tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng trong tương lai.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, TS. Nguyễn Bá Hùng cho rằng Việt Nam cần chuyển dịch sang các mô hình tăng trưởng chất lượng hơn, trong đó có hai hướng đi chính là tăng trưởng dựa trên hiệu quả và đổi mới sáng tạo.
Mô hình này tập trung vào việc nâng cấp công nghệ và cải thiện năng lực tổ chức sản xuất để đạt được tăng trưởng cao mà không cần gia tăng đầu vào quá lớn. Để thực hiện điều này, TS. Hùng đề xuất cần có môi trường chính sách phù hợp, giúp các thị trường yếu tố sản xuất vận hành hiệu quả hơn là cần cung cấp thông tin rõ ràng về thu nhập theo ngành nghề, định hướng nhu cầu ngành nghề trong tương lai để định hướng thị trường lao động, tăng nguồn cung lao động cho các ngành có triển vọng.
Bên cạnh đó, phát triển hơn nữa thị trường tài chính, bao gồm thị trường chứng khoán và trái phiếu, để thu hút nguồn lực và cung cấp vốn dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào các dự án dài hơi.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, Việt Nam có cơ hội lớn để đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này, đặc biệt là các ngành như dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và phần mềm lập trình. Mặc dù đã có những ưu tiên chính sách, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo vẫn đối mặt với thách thức với vốn đầu tư. Doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo.
Theo TS. Nguyễn Bá Hùng, mặc dù đã có nỗ lực, chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực và hệ sinh thái nghiên cứu cơ bản vẫn còn hạn chế. Đổi mới sáng tạo cần được thực hiện bởi doanh nghiệp, và điều này đòi hỏi một nền tảng vững chắc về tri thức và năng lực nghiên cứu phát triển.
TS. Nguyễn Bá Hùng khuyến nghị Việt Nam tập trung vào việc hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng thông qua cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy vận hành hiệu quả của các thị trường yếu tố sản xuất như lao động, vốn, đất đai và khoa học công nghệ. Mục tiêu là giúp doanh nghiệp huy động vốn nhanh chóng, chi phí thấp và dài hạn để chuyển đổi hoạt động kinh doanh.
Chính phủ đã có những cải cách đầy tham vọng và toàn diện, nhưng cần thời gian để những nỗ lực này thể hiện kết quả trên thực tế và nâng cao hiệu lực của bộ máy công quyền.