Cân bằng lợi ích doanh nghiệp và Nhà nước khi giảm tiền thuê đất

Chính sách giảm tiền thuê đất sẽ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi trong năm 2025, qua đó tạo nguồn thu ổn định và lâu dài cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc lựa chọn đối tượng thụ hưởng và thời gian áp dụng chính sách, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, là vấn đề cần lưu tâm.

Tin vui đầu năm với người dân, doanh nghiệp

Một tin vui đầu năm mới Ất Tỵ 2024 là Bộ Tài chính đề xuất thực hiện một trong hai phương án giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong năm 2025, gồm giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phương án 1) và mức giảm khác (phươg án 2), nhằm hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp về dòng tiền, để phát triển sản xuất.

Nhìn lại quá khứ, chính sách giảm tiền thuê đất được thực hiện trong giai đoạn 2020-2024, tạo tác động tích cực với sự phục hồi của nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19. Với năm 2025, chính sách này thể hiện quyết tâm của cơ quản lý trong việc góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm ít nhất 8%, và tạo nền tảng tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới, theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 233 của Chính phủ.

Các khu công nghiệp đã được lấp đầy nên giá thuê đất rất cao, nếu không sớm khai thông thì sẽ cản trở dòng thác đầu tư mới. Ảnh: H.P

Các khu công nghiệp đã được lấp đầy nên giá thuê đất rất cao, nếu không sớm khai thông thì sẽ cản trở dòng thác đầu tư mới. Ảnh: H.P

Đón nhận thông tin này, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đánh giá, chính sách là sự khích lệ rất thiết thực cho các doanh nghiệp trong bối cảnh nghĩa vụ thuế phải thực hiện gia tăng, khiến nhiều đơn vị đối mặt với khó khăn.

Bà bày tỏ mong muốn Thủ tướng và các Phó thủ tướng xem xét, tiếp tục giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong năm 2024 và năm 2025, không chỉ trong 6 tháng mà cho cả năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào được giảm thì cần cân nhắc kỹ, nếu không xứng đáng thì không hỗ trợ.

Thực tế, mức giảm 30% với tiền thuê đất năm 2025 tương đương các năm trước. Tuy nhên, nếu xét bối cảnh giá thuê đất năm 2025 cao hơn so các năm trước, do biến động sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thì mức giảm này mang tới nguồn hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp bất động sản (BĐS)

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho biết, trước tình hình khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, mức giảm như vậy có tác động rất lớn, tác động tích cực đến việc phục hồi, phát triển sản xuất của doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp BĐS, chính sách này giúp giảm tải áp lực về tài chính trong bối cảnh thanh khoản của thị trường vẫn ở mức thấp, doanh nghiệp đứng trước áp lực về trả nợ gốc và lãi ngân hàng, trái phiếu, trong khi các khoản vay từ ngân hàng vẫn đang bị “siết”.

Từ góc nhìn chuyên gia, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, phương án 30% giảm tiền thuê đất là hợp lý và có tính khả thi cao vì tính cụ thể và rõ ràng. Hơn nữa, khó có thể đòi hỏi mức giảm cao hơn, dù một số doanh nghiệp hoạt động trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên hai và dịch bệnh như du lịch, khách sạn, nhà hàng, sản xuất nhỏ lẻ từng kỳ vọng.

Theo ông, mức 30% giúp doanh nghiệp dễ tính toán lợi nhuận, cơ quan quản lý dễ dự trù tác động tài chính. Chính sách cũng dễ triển khai trên phạm vi toàn quốc mà không cần cơ chế phân loại phức tạp. Ngoài ra, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp được đảm bảo, vì tác động trực tiếp đến dòng tiền, giúp giảm chi phí cố định, tăng khả năng phục hồi sau khó khăn.

Với lựa chọn mức giảm khác, ông Long kiến nghị Bộ Tài chính đảm bảo tính minh bạch, công bằng và không gây thêm thủ tục hành chính phức tạp, nhằm tránh các vấn đề phát sinh như tranh cãi về mức giảm không đồng nhất (phân loại doanh nghiệp theo ngành nghề, quy mô, địa phương - PV); tốn nhiều thời gian đánh giá và phê duyệt, gây trì hoãn việc hỗ trợ doanh nghiệp; tăng chi phí hành chính nếu áp dụng các tiêu chí riêng.

“Chính sách cần đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, tránh trường hợp doanh nghiệp lớn hưởng lợi nhiều hơn doanh nghiệp nhỏ, hoặc các doanh nghiệp không thực sự gặp khó khăn vẫn được hưởng ưu đãi”, ông Long nói.

Hướng tới lợi ích dài hạn của nền kinh tế

Bên cạnh những lợi ích với người dân và doanh nghiệp, chính sách giảm tiền thuê đất năm 2025 cũng làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN), ảnh hưởng tới các chương trình phát triển hạ tầng, phúc lợi xã hội. Nếu lựa chọn phương án giảm 30%, số thu từ tiền thuê đất nộp vào ngân sách năm 2025 dự kiến giảm 3.500-4.000 tỉ đồng, theo tính toán của Bộ Tài chính.

Luật Đất đai 2024 đã làm rõ dự án khu công nghiệp thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân sẽ thuộc trường hợp được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu. Ảnh: H.P

Luật Đất đai 2024 đã làm rõ dự án khu công nghiệp thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân sẽ thuộc trường hợp được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu. Ảnh: H.P

Bình luận về tác động chính sách, ThS Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý BĐS cho biết, một điểm đáng lưu ý là thẩm quyền cho phép giảm tiền thuê đất với các trường hợp khác tại dự thảo chính sách lần này thuộc về Chính phủ và phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong khi trước đó do Thủ tướng quyết định.

“Trình tự, thủ tục và thẩm quyền sẽ trở nên chặt chẽ hơn, được đánh giá kỹ lưỡng hơn để bảo đảm nguồn thu cho ngân sách”, ông Đỉnh đánh giá.

Cũng theo chuyên gia này, chính sách giảm tiền thuê đất đã được Chính phủ duy trì ổn định trong giai đoạn 2020-2024 và là một giải pháp quan trọng để phục hồi nền kinh tế trong và sau Covid-19. Chẳng hạn, năm 2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 25/2023 về việc giảm tiền thuê đất.

Hơn nữa, thu từ đất chỉ là một trong số các nguồn thu NSSS. Việc giảm thu từ tiền thuê đất sẽ trở thành trợ lực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, yên tâm sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu tăng trưởng “hai con số” như Thủ tướng đặt ra. Từ đó, NSNN sẽ có thể thu thêm từ các nguồn thuế, phí, lệ phí để bù lại phần hụt từ tiền thuê đất.

"Đây mới là giải pháp hướng mục tiêu Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng được hưởng lợi. Ngược lại, nếu không giảm tiền thuê đất thì NSNN có thể gia tăng nguồn thu nhưng làm giảm khả năng sản xuất của doanh nghiệp, do áp lực về trả nợ, lãi ngân hàng, trái phiếu, lại phải ‘gồng’ thêm gánh nặng từ tiền thuê đất có xu hướng tăng do đà tăng của bảng giá đất”, ông Đỉnh bình luận.

Trong khi đó, ông Ngô Trí Long cho rằng, giải pháp cân bằng lợi ích giữa các bên là xây dựng tiêu chí hỗ trợ có chọn lọc thay vì giảm đồng loạt. Cụ thể, có thể áp dụng chính sách giảm tiền thuê đất dựa trên tiêu chí như quy mô doanh nghiệp, ngành nghề ưu tiên, hoặc mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Về giải pháp bù đắp nguồn thu, chuyên gia này cho rằng, Nhà nước có thể nâng cao hiệu quả quản lý thuế và đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, thúc đẩy các ngành/lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao, tạo nguồn thu bù đắp cho khoản giảm tiền thuê đất.

Ngoài ra, có thể tính toán thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất theo giai đoạn, thay vì giảm mạnh ngay lập tức, để giúp ngân sách có thời gian thích ứng.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-bang-loi-ich-doanh-nghiep-va-nha-nuoc-khi-giam-tien-thue-dat/