Cần bảo vệ cơ quan, tổ chức cho phép thực hiện đổi mới sáng tạo
Ông Nguyễn Tuấn Ninh cho biết, các chính sách khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm được đưa ra cụ thể như tuyên dương, khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng...
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức chiều 16/6, liên quan đến dự thảo Nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, vừa qua báo cáo trước Quốc hội Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu có thể xem xét đề xuất với Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đến thời điểm hiện tại, dự thảo Nghị định này đã được xây dựng thế nào và sắp tới Chính phủ ban hành Nghị định hay là đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết?
Thông tin về nội dung này, ông Nguyễn Tuấn Ninh - Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức cho biết đơn vị này đã khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định này.
“Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ trưởng thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập lấy ý kiến nhà khoa học, nhà quản lý. Tham mưu lãnh đạo Bộ tổ chức các hội thảo ở 3 miền, cũng nhưng hội thảo các cơ quan Trung ương, bộ ban ngành”, ông Ninh nói.
Ông Ninh cho biết, tuy được Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định theo trình tự thủ tục rút gọn, nhưng đây là Nghị định khó phức tạp, nhạy cảm, nên Vụ Công chức viên chức đã tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản lấy ý kiến các bộ, ban, ngành và các tỉnh thành trực thuộc Trung ương.
Trên cơ sở tổng hợp tiếp thu các văn bản góp ý cũng như góp ý tại hội thảo, Bộ Nội đã hoàn thiện dự thảo và gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo này.
“Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ tư pháp, Vụ tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định trên tinh thần bám sát chủ trương đường lối của Đảng. Đặc biệt là Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ vì lợi ích chung và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nghị định đã cơ bản hoàn thiện với 5 chương và 27 điều”, ông Ninh nói.
Thông tin thêm về những điểm nhấn tại dự thảo tại Nghị định này, Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức cho biết, thứ nhất các chính sách khuyến khích được đưa ra cụ thể như tuyên dương, khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng lương trước thời hạn,…
Về biện pháp bảo vệ, khi cán bộ thực hiện đề xuất mới đã được phê duyệt, trong khi thực hiện mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra hoặc xảy ra rủi ro thiệt hại thì được miễn.
“Trong đó chúng tôi đưa ra 8 điểm được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước”, ông Ninh cho hay.
Ông Nguyễn Tuấn Ninh cũng cho biết, điểm nhấn tiếp theo của dự thảo Nghị định là không chỉ bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm mà còn bảo vệ cả cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới sáng tạo.
“Ban đầu, đề xuất chỉ bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, nhưng muốn thực hiện điều này thì phải được cấp thẩm quyền cho phép. Vậy, cũng phải bảo vệ cơ quan, tổ chức, cá nhân cho phép thực hiện đổi mới sáng tạo”, ông Ninh chia sẻ.
Nói về một số vướng mắc hiện tại, ông Ninh cho biết, trong khuyến khích có một số nội dung như nâng ngạch, thăng hạng…. hiện vướng Luật Công chức, viên chức. Hay vấn đề bảo vệ cán bộ khi giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc miễn thì vướng vào Luật Hình sự…
Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức cho rằng, để Nghị định triển khai thực hiện đi vào đời sống cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là những cơ quan như tư pháp, viện kiểm sát, tòa án. Tuy nhiên, ông cho rằng có những nội dung của Nghị định nếu ban hành thì vượt quá thẩm quyền của Chính phủ.
Vì vậy, ông Ninh cho hay hiện đang tham mưu theo hướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ lập hồ sơ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh là xây dựng một Nghị quyết thí điểm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
“Trên cơ sở đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm thì Bộ sẽ ban hành Nghị định để triển khai thực hiện. Như vậy, mới bảo đảm được tính pháp lý”, ông Ninh nói.
Theo ông Ninh, việc đưa vào kỳ họp Quốc hội phải lập hồ sơ, sau đó đăng tải trên Cổng thông tin 30 ngày, tiếp đến báo cáo Chính phủ có Nghị quyết, khi có Nghị quyết đề nghị sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó UBTVQH xem xét đưa vào chương trình Kỳ họp Quốc hội. Ông kỳ vọng nội dung này sẽ được đưa vào chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (diễn ra tháng 10).