Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) là đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi của Nhật Bản. Mới đây, TEPCO sử dụng drone để quay video và chụp ảnh từ bên trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima 13 năm sau thảm họa nóng chảy.
Theo đó, đây là những hình ảnh đầu tiên được chụp từ bên trong cấu trúc chính gọi là trụ đỡ ở khoang chứa chính của lò phản ứng bị hư hỏng nặng nề nhất, khu vực ở ngay dưới lõi lò phản ứng. Từ lâu, giới chức trách hy vọng có thể tiếp cận khu vực này để kiểm tra phần lõi và nhiên liệu hạt nhân nóng chảy nhỏ giọt xuống đó khi hệ thống làm mát của nhà máy bị phá hủy bởi trận động đất và sóng thần cực mạnh vào năm 2011.
Loạt ảnh màu có độ phân giải cao được chụp bởi drone hé lộ những vật thể màu nâu với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau treo lủng lẳng từ nhiều vị trí ở trụ đỡ. Một phần cơ cấu dẫn động sử dụng thanh điều khiển dùng để kiểm soát phản ứng chuỗi hạt nhân và nhiều thiết bị khác gắn với lõi lò bị bật khỏi vị trí bởi drone.
Theo TEPCO, từ những bức ảnh và video, các chuyên gia không thể xác định liệu những khối treo lơ lửng là nhiên liệu nóng chảy hay thiết bị bị nung chảy nếu không thu được dữ liệu khác như nồng độ phóng xạ. Các drone không trang bị máy đo liều bức xạ bởi chúng cần trọng lượng nhẹ và linh hoạt. Khoảng 880 tấn nhiên liệu hạt nhân nóng chảy độ phóng xạ cao vẫn ở bên trong 3 lò phản ứng thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi bị phá hủy.
TEPCO hiện tìm cách tìm hiểu nhiều hơn về vị trí và tình trạng của số nhiên liệu này để xúc tiến quá trình dọn dẹp nhằm giải thể nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi. Camera trên drone không thể quan sát đáy lõi lò phản ứng, một phần do bóng tối trong khoang chứa.
Những thông tin thu thập được từ việc quay phim, chụp ảnh bằng drone này có thể giúp ích cho những cuộc khảo sát mảnh vỡ nóng chảy trong tương lai để phát triển công nghệ và robot thu dọn. Do nhiều thông tin chưa thể xác định một cách rõ ràng về tình trạng bên trong lò phản ứng cho thấy việc dọn dẹp nhà máy Fukushima Dai-ichi vô cùng khó khăn.
Chính phủ Nhật Bản và TEPCO từng đặt ra mục tiêu thu dọn nhà máy Fukushima Dai-ichi trong 30 - 40 năm và tiêu tốn hàng tỉ USD. Quá trình giải thể nhà máy Fukushima bị trì hoãn nhiều năm do những trở ngại kỹ thuật và thiếu dữ liệu.
Thảm họa Fukushima xảy ra ngày 11/3/2011 là một trong những sự cố hạt nhân gây thiệt hại lớn nhất trên thế giới. Vào ngày hôm ấy, trận động đất mạnh 9 độ richter đã khiến Trái đất lệch khỏi trục, gây ra cơn sóng thần quét qua đảo Honshu, khiến gần 20.000 người thiệt mạng hoặc mất tích và xóa sổ nhiều thị trấn.
Trận động đất kinh hoàng này còn kích hoạt sóng thần khổng lồ tràn qua đảo chính Honshu. Theo đó, những cơn sóng khổng lồ đã tràn qua các hệ thống bảo vệ và làm ngập các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi ở tỉnh Fukushima.
Thảm họa nghiêm trọng này đã làm tê liệt nhà máy điện Fukushima Dai-ichi, khiến hơn 160.000 cư dân phải sơ tán theo lệnh hoặc tự nguyện vì rò rỉ phóng xạ trong không khí. Sau khi xảy ra thảm họa, chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 300 tỉ USD để tái thiết khu vực bị sóng thần tàn phá. Các khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi bị nhiễm phóng xạ nên nhiều người dân đã phải chuyển đến nơi khác sinh sống.
Mời độc giả xem video: Drone quay những hình ảnh đầu tiên về lò phản ứng nóng chảy ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi. Nguồn: TEPCO.
Tâm Anh (theo Mail Online)