Cần cơ chế rõ ràng và ưu tiên thúc đẩy tín dụng xanh

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trong đó có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) rất tích cực huy động nguồn vốn cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp chuyển đổi cũng như các dự án xanh. Dù vậy, trong quá trình triển khai vẫn còn xuất hiện một số trở ngại nhất định. Đâu là khó khăn mà ngân hàng đang gặp phải trong quá trình này? Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn BIDV về vấn đề trên.

Thưa bà, hiện BIDV đang triển khai gói tín dụng xanh đặc biệt nào?

Hiện nay, BIDV đang triển khai nhiều chính sách cho vay tín dụng xanh, tập trung vào các lĩnh vực như logistics, chuyển đổi công nghiệp xanh với tổng quy mô khoảng 75.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phát triển các gói tín dụng theo ngành như gói tín dụng công trình xanh quy mô 10.000 tỷ đồng; gói tín dụng dệt may xanh khoảng 4.200 tỷ đồng và gói tín dụng nước sạch với quy mô 5.000 tỷ đồng dành cho các dự án khai thác, cung cấp và tái sử dụng nước tại khu vực đô thị và nông thôn.

Đồng thời, BIDV cũng triển khai khoản vay liên kết bền vững. Đây là công cụ tài chính mà BIDV sẽ đưa ra những ưu đãi dành cho khách hàng nếu khách hàng vay vốn đã hoàn thành những mục tiêu, chỉ số KPI về thực hiện ESG, các mục tiêu hiệu quả bền vững trong quá trình thực thi, cũng như thực hiện cam kết với tổ chức tín dụng.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn BIDV tại một sự kiện gần đây. Ảnh: BIDV

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn BIDV tại một sự kiện gần đây. Ảnh: BIDV

Dù đã cải thiện tích cực, hiện dư nợ tín dụng xanh toàn ngành mới chỉ chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ toàn Ngành. Theo bà, đâu là những khó khăn lớn nhất mà ngân hàng đang gặp phải trong cấp tín dụng xanh?

Trong tổng quy mô tín dụng xanh của toàn nền kinh tế thì BIDV cũng là ngân hàng có quy mô tín dụng xanh lớn nhất với tổng dư nợ khoảng 80.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng quy mô tín dụng xanh của toàn ngành.

Tuy nhiên, trên thị trường huy động vốn thực tế, dù đối với những phần liên quan đến chuyển đổi xanh hay các khoản huy động từ tiền gửi thì chúng tôi vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

Theo đó, trong quá trình triển khai tín dụng xanh, ngân hàng vẫn gặp không ít khó khăn. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc Việt Nam chưa có hệ thống tiêu chí rõ ràng về ESG. Đây là cơ sở quan trọng để các ngân hàng đánh giá, thẩm định và quyết định cho vay tín dụng xanh, nhưng hiện vẫn còn thiếu tính định lượng và thống nhất.

Bên cạnh đó, thách thức đến từ phía doanh nghiệp cũng rất rõ ràng. Quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế về năng lực tài chính. Do đó, nhu cầu tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi là rất lớn. Hiện BIDV đang triển khai các chương trình tín dụng xanh với mức lãi suất thấp hơn từ 1- 2%/năm so với các khoản vay thông thường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc huy động nguồn vốn để triển khai các chương trình tín dụng xanh vẫn là bài toán không dễ. Dù là nguồn vốn để tài trợ chuyển đổi xanh, ngân hàng vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh huy động vốn ngày càng gay gắt trên thị trường.

Một khó khăn nữa bắt nguồn từ phía các doanh nghiệp, họ cần có những nhận thức về chiến lược chuyển đổi ESG, cũng như đưa những yếu tố trong bộ tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững này vào trong quá trình. Đặc biệt, doanh nghiệp cần có dữ liệu đánh giá các tiêu chí xanh đã được đáp ứng hay chưa thì thực trạng này cũng là vấn đề gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình thực tế triển khai, tìm kiếm doanh nghiệp để cho vay vốn xanh.

Vậy bà có những đề xuất gì để thúc đẩy vốn tín dụng xanh?

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi nhận thấy tại nhiều quốc gia, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương thường có những chính sách hỗ trợ thiết thực đối với tín dụng xanh, trong đó nổi bật là việc thành lập và vận hành các quỹ tài chính xanh. Đây là nguồn lực quan trọng giúp giảm áp lực chi phí vốn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng triển khai cho vay xanh với lãi suất ưu đãi, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu thành lập các quỹ tín dụng xanh quốc gia, có cơ chế huy động vốn bài bản và định hướng rõ ràng sẽ là một trong những trợ lực quan trọng cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh. Đồng thời, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài chính xanh từ các tổ chức quốc cho tiến trình chuyển đổi kinh tế. Đây sẽ là những giải pháp rất hữu hiệu, giảm áp lực huy động vốn thương mại cho các tổ chức tín dụng.

Thực tế, vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là vốn thương mại. Do vậy, các ngân hàng phải trả lãi suất đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Trong khi đó, các quỹ tài chính xanh thường có khả năng tiếp nhận tài trợ, đóng góp từ nhiều nguồn, với chi phí vốn thấp hơn. Nhờ đó, khi phân bổ vốn cho các dự án chuyển đổi xanh, các quỹ này có thể cung cấp mức lãi suất ưu đãi hơn.

Các khoản vay tín dụng xanh về bản chất vẫn mang những đặc điểm tương tự như các khoản vay trung và dài hạn thông thường. Do đó, việc cân đối giữa nguồn vốn huy động ngắn hạn và nhu cầu cho vay trung dài hạn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của NHNN.

Vì vậy, NHNN xem xét ban hành cơ chế ưu tiên riêng cho tín dụng xanh. Đây sẽ là chính sách thiết thực hỗ trợ các TCTD mở rộng cho vay lĩnh vực này. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh trong nền kinh tế mà còn tạo thêm động lực cho hệ thống ngân hàng trong việc triển khai các sản phẩm tài chính bền vững.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-co-che-ro-rang-va-uu-tien-thuc-day-tin-dung-xanh-164162.html