Cần cố gắng rất nhiều!
Trước thềm năm học mới 2024 – 2025, Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn các trường học trên cả nước bảo đảm đầy đủ điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đối với cấp tiểu học, Bộ yêu cầu các trường bảo đảm sĩ số 35 em/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học.
Đây dường như là nhiệm vụ khó vì thực tế hiện nay nhiều trường ở các địa bàn đông dân ngay Hà Nội sĩ số lớp đã lên tới 50 - 55 học sinh. Đối chiếu quy định trên với thực trạng trường lớp ở Hà Nội và các TP lớn - những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh thì yêu cầu trên của Bộ khó khả thi ngay trong năm học này, cả về sĩ số và đội ngũ giáo viên.
Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Năm học 2023 – 2024, toàn TP có gần 2.900 trường học, hơn 66.100 lớp học, trên 124.000 giáo viên và 2,23 triệu học sinh. Riêng cấp tiểu học có tổng 829 trường, trên 20.700 lớp, xấp xỉ 778.000 học sinh. Với gần 22.000 phòng học, sĩ số trung bình cấp tiểu học ở mức 37,5 học sinh/lớp, giảm hơn 1 học sinh/lớp với năm học trước. Đây là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị TP, các quận, huyện nói chung và ngành giáo dục nói riêng trong phát triển mạng lưới trường, lớp.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng dân số nhanh, mật độ dân cư phân bố không đồng đều giữa các quận, huyện dẫn đến hiện tượng quá tải cục bộ khi có trường tiểu học, sĩ số vẫn trên 50 học sinh/lớp. Sở GD&ĐT thừa nhận, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp để đảm bảo đạt chuẩn của các quận, huyện còn gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất xây trường mới hoặc mở rộng trường; cơ sở vật chất của nhiều trường ngoại thành – nơi có điều kiện kinh tế khó khăn đã và đang xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, cải tạo nâng cấp.
Về cơ bản, Hà Nội đã bảo đảm 1 phòng học/lớp, 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Toàn TP hiện có 1.237 phòng học tiếng Anh, 1.010 phòng học tin học; trong đó phòng học tiếng Anh có máy tính, màn chiếu, tivi, loa đài kết nối internet; phòng tin học có máy tính hiện đại, kết nối internet; điều kiện cơ sở vật chất dạy tin học, tiếng Anh cơ bản đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, 100% trường học triển khai giáo dục STEM. Vậy nhưng, việc mua sắm trang thiết bị dạy học phục vụ đổi mới ở một số đơn vị ngoại thành còn chậm gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.
Tính đến hết tháng 5/2024, toàn ngành có gần 124.500 cán bộ quản lý, giáo viên (tăng hơn 1.505 cán bộ, giáo viên so với cùng kỳ năm trước). 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học của Hà Nội đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2005 và hầu hết đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 (trừ cấp tiểu học).
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ giáo viên/lớp phải đạt mức cao; trong đó cấp tiểu học yêu cầu đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Đây là điều kiện khó đáp ứng khi tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở hầu hết cơ sở giáo dục và các cấp học Hà Nội; nhất là giáo viên tin học, tiếng Anh cấp tiểu học và giáo viên, nhân viên mầm non. Với cấp THCS và THPT vẫn xảy ra hiện tượng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các môn học.
Để đáp ứng yêu cầu của Bộ, Hà Nội cần xây dựng lại mạng lưới quy hoạch trường học, rà soát những dự án không đảm bảo, chậm tiến độ để thu hồi quỹ đất, chuyển sang xây trường học. Ngoài tăng cường xây trường và phòng học mới, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có, TP còn cần mở rộng tuyển dụng và có chính sách thu hút giáo viên để giáo dục Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-co-gang-rat-nhieu.html