Cần có hành lang pháp lý, hành động mạnh mẽ ngăn chặn thuốc lá mới
Thực hiện Kết luận số 2513/KL-UBXH15 ngày 4.5.2024 của Ủy ban Xã hội tại Phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, chiều 29.10, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo công bố tác hại của các sản phẩm này với kết quả nghiên cứu 'Báo cáo tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới, qua đó đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới'.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, tại Việt Nam, gánh nặng bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh chính là tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính … đang gia tăng nhanh chóng, chiếm tới 81% nguyên nhân tử vong và 73% tổng gánh nặng bệnh tật.
Phòng chống bệnh không lây nhiễm đang là ưu tiên hàng đầu trong chính sách y tế của Việt Nam. Kiểm soát yếu tố nguy cơ là biện pháp hiệu quả nhất và cũng là quan trọng nhất để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Sử dụng thuốc lá nằm trong nhóm các yếu tố nguy cơ hành vi hàng đầu cần kiểm soát.
Năm 2012, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của Thuốc lá. Sau hơn 10 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành ở Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, với tỷ lệ chung ở hai giới là 20,8%; tỷ lệ hiện hút ở nam giới trưởng thành là 41,1% (năm 2021) thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, bên cạnh thuốc lá truyền thống, trên thị trường nước ta đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) và sản phẩm thuốc lá lai giữa hai sản phẩm này. Mặc dù các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, quảng cáo hoặc bán tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này đã có sự gia tăng nhanh trong thời gian qua, đặc biệt là ở học sinh phổ thông trung học tại khu vực thành thị.
Các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tình trạng lợi dụng TLĐT, TLNN để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Các bệnh viện đã ghi nhận các tình trạng nhập viện có liên quan đến TLĐT, trong đó có ngộ độc, loạn thần và ngộ độc ma túy.
Thông tin tại hội thảo, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động, 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ). Tại Việt Nam, ước tính 84.500 ca do hút thuốc chủ động, 18.800 ca do hút thuốc thụ động.
Hiện, trên thị trường có các loại thuốc lá mới gồm TLĐT có nicotine (Electronic nicotine delivery systems -ENDS); Thuốc lá nung nóng (Heated tobacco products-HTP) và nhóm sản phẩm hỗn hợp (hybrid) cũng được coi là một loại thuốc nung nóng. Thuốc lá mới chứa nhiều chất độc giống thuốc lá, gây nhiều nguy cơ bệnh mãn tính như thuốc lá thông thường.
Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế, TS.BS. Hà Anh Đức thông tin, tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.
“Không có một sản phẩm thuốc lá nào an toàn cho sức khỏe. Do tỷ lệ thanh thiếu niên gia tăng sử dụng thuốc lá mới, đề nghị Quốc hội kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn, bao gồm cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLNN” - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh nhấn mạnh.
Thực hiện Kết luận số 2513/KL-UBXH15 ngày 4.5.2024 của Ủy ban Xã hội tại Phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của TLĐT, TLNN, trong đó tại mục (iii.3) phần 4 giao Bộ Y tế: “Trong năm 2024, chủ trì phối hợp, nghiên cứu, đánh giá tác hại của TLĐT, TLNN để công bố thông tin chính thức về tác hại của các sản phẩm này”, Bộ Y tế đã giao cho Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Vụ Pháp chế, Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá thực hiện nghiên cứu: “Tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới, qua đó đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới”.
Công bố báo cáo tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết, nghiên cứu đã phân tích 21 bài tổng quan hệ thống/phân tích gộp trên 200 bài báo khoa học và các tài liệu tham khảo khác về: Khái niệm; Tác hại đối với sức khỏe của TLĐT ; Tác hại của TLĐT,TLNN đến sức khỏe được ghi nhận ở VN; Chính sách pháp luật đối với thuốc lá mới và tác động; Chính sách pháp luật đối với TLĐT trên thế giới; Những thách thức trong thực thi chính sách quản lý TLĐT, TLNN..,
Qua các nghiên cứu, báo cáo, chưa có đủ bằng chứng để chứng minh TLĐT và TLNN là sản phẩm giảm hại; WHO không xác nhận TLĐT, TLNN là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Từ những phát hiện chính qua các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước, rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Để ngăn chặn thuốc lá mới, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán và quảng cáo, khuyến mại TLĐT, TLNN ở tất cả các dạng ở Việt Nam. Trong thời gian tới, các quy định này cần được luật hóa khi sửa Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.
Đề xuất Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ ngành liên ngành và cộng đồng trong tăng cường hiệu lực thực thi quy định cấm. Vận dụng kinh nghiệm thành công và chưa thành công của một số quốc gia trong khu vực và quốc tế trong thực thi quy định ngăn chặn thuốc lá mới, cần tăng cường truyền thông, giáo dục.
Đồng thời, quy định biện pháp thực thi: quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm; Quy định trách nhiệm và phối hợp liên ngành giữa các cơ quan thực thi pháp luật; Đầu tư nguồn lực để cải thiện khả năng thực thi quy định cấm. Song song với đó, hỗ trợ cai nghiện cho người sử dụng, thiết kế chương trình hỗ trợ cai nghiện phù hợp cho vị thành niên, thanh niên, học sinh.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật. Ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng). Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.
Không chỉ gây hại cho sức khỏe người dùng, còn ảnh hưởng tới tinh thần, môi trường, nền kinh tế, xã hội. Nếu không có biện pháp can thiệp, ngoài những hậu quả hiện hữu, còn đe dọa đến thành quả công tác phòng chống tác hại thuốc lá nói chung.
Đứng trước những yêu cầu đặt ra,Việt Nam cần có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn thuốc lá mới. Trước mắt, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác trong khi Bộ Y tế xây dựng hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và sự cần thiết ngăn chặn các sản phẩm này, đồng thời giảm gánh nặng về kinh tế và xã hội.