Cần có phương án dự phòng về vốn với dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ cần có phương án dự phòng về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 đợt 2, sáng 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Bày tỏ nhất trí với sự cần thiết của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là đoạn đường có ý nghĩa quan trọng trong kết nối đường cao tốc, kết nối huyết mạch vùng Tây và Đông Nam Bộ.

Về quy mô dự án, cơ quan hữu quan đã hết sức cầu thị, ngoài đầu tư từ ngân sách Nhà nước, sử dụng từ phương thức đối tác công tư theo quy định và áp dụng cơ chế đặc thù cho đoạn đường này.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý, đoạn đường Chơn Thành - Đức Hòa hiện chỉ quy hoạch xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, cần nghiên cứu, xem xét nâng cấp đoạn đường này cùng tuyến 4 làn xe như đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Theo quy hoạch, đường sẽ có 6 làn xe nhưng trước mắt, sẽ xây dựng 4 làn xe do điều kiện còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư, 2 làn xe còn lại sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng, phân kỳ để đầu tư tiếp khi có điều kiện.

Về tác động của dự án tới đường giao thông BOT, theo báo cáo, hiện đã có 2 đường hiện hữu thực hiện BOT, giờ tiếp tục thực hiện theo phương thức BOT thì sẽ dẫn đến bất cập, gây ảnh hưởng đến 2 đường BOT đã hiện hữu. Do vậy, theo đại biểu, Chính phủ, Bộ GTVT cần nghiên cứu để đảm bảo công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư.

Về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đây là dự án rất quan trọng. Theo báo cáo, số người dân cần bồi hoàn lên tới 1299 hộ, diện tích đất cần giải tỏa cũng rất lớn. Đại biểu Hòa đề nghị cơ quan soạn thảo, chính quyền địa phương quan tâm nghiên cứu để đảm bảo thực hiện tốt việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ giải trình thêm những vấn đề còn băn khoăn để các đại biểu có thể yên tâm khi bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Theo đó, đại biểu Sinh đưa ra 4 đề nghị gửi tới Chính phủ. Thứ nhất, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung thêm về tính hiệu quả của thời gian triển khai xây dựng và hoàn thiện công trình đến năm 2026.

Thứ hai, theo đại biểu, Chính phủ cần yêu cầu hai địa phương mà có dự án đi qua phải cam kết thật mạnh mẽ trong việc giao mặt bằng thi công nhanh nhất có thể.

Thứ ba, cần tính đến lợi ích của hai nhà đầu tư có dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 14 và tuyến đường Hồ Chí Minh.

Thứ tư, khi kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án này theo phương thức đối tác công tư, đại biểu Sinh cho rằng cũng phải tính đến việc hài hòa lợi ích cũng như là chia sẻ rủi ro hợp lý của hai bên. Trong đó, Nhà nước cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư có phương án thu hồi vốn hiệu quả.

"Điều này rất quan trọng bởi nếu dự án không đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư có khi phải chuyển dự án sang phương thức đầu tư công lại gây chậm tiến độ, ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, việc huy động nguồn đóng xã hội để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông," đại biểu Trình Lam Sinh nói.

Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. Ảnh: quochoi.vn

Về phương thức bố trí vốn, theo đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cần phải rà soát kỹ lưỡng về tính hiệu quả của dự án, và về phương thức bố trí vốn. Nếu có thể được, đại biểu cho rằng nên bố trí theo phương thức là vốn trung ương và vốn của nhà đầu tư, trên cơ sở sắp xếp làm sao đảm bảo sự dẫn dắt của đầu tư công, vai trò dẫn dắt của Nhà nước.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cũng rất cần cân nhắc về cơ chế, chính sách chỉ định thầu.

"Qua triển khai thực hiện các dự án, chúng ta thấy rằng, trên thì mở dưới lại rất chặt chẽ. Ví dụ như quy định cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện với các tư vấn thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhưng quy định ở dưới về tất cả trình tự, thủ tục thì vẫn theo luật bình thường, không có một cơ chế nào đặc biệt cả," đại biểu Nguyễn Công Long nêu.

Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Để đảm bảo tiến độ dự án, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị có phương án dự phòng về nguồn vốn. Đồng thời có cơ chế, tăng cường giám sát việc triển khai dự án, đặc biệt là trong áp dụng các cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/can-co-phuong-an-du-phong-ve-von-voi-du-an-duong-cao-toc-bac-nam-phia-tay-post35753.html