Cần có sự giám sát trong việc cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin

Sáng 7.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Đà Nẵng.

Thêm động lực và sức lan tỏa cho Đà Nẵng tiếp tục phát triển

Đa số ĐBQH tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Đà Nẵng; cho rằng, về cơ bản các chính sách được xây dựng khá toàn diện, trên nhiều lĩnh vực, có kế thừa và tích hợp một số chính sách tương đồng chính sách đặc thù của một số tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép áp dụng và có xây dựng mới một số chính sách đặc thù riêng cho TP. Đà Nẵng.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, khẳng định việc thực hiện mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng theo chủ trương của Đảng, từ Nghị quyết Trung ương 5, Khóa X đến các nghị quyết hiện tại là đúng đắn, phù hợp với đặc điểm của đô thị.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mô hình đô thị theo Nghị quyết 119 còn có một số vướng mắc cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy cũng cần bổ sung các chính sách đặc thù vượt trội, tạo đột phá, thêm động lực và sức lan tỏa cho TP. Đà Nẵng tiếp tục phát triển. Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Đà Nẵng là cần thiết.

Ưu đãi thuế tạo tiền đề cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào thị trường

Về thí điểm các chính sách ưu đãi về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế thu nhập cá nhân cho tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (điểm a, b, c khoản 1 Điều 14).

Tán thành với chính sách này, ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) cho rằng, hiện nay ngành công nghiệp chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Vì vậy, việc Đà Nẵng chủ động thu hút các nhà đầu tư vào 2 lĩnh vực này không chỉ giúp bắt kịp xu hướng mà còn mở ra cơ hội hưởng lợi từ các nguồn đầu tư lớn từ quốc tế. Nếu chờ đợi các nhà máy và hệ sinh thái sẵn có trước khi đẩy mạnh phát triển thì có thể mất đi cơ hội cạnh tranh và thu hút đầu tư sớm. Do đó, chính sách thu hút đầu tư trước sẽ tạo tiền đề cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Về tính pháp lý, TP. Đà Nẵng đã xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo với tầm nhìn dài hạn. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đặt ra các bước đi cần thiết để thu hút đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực, không chỉ phù hợp với các xu hướng toàn cầu mà còn bảo đảm tính pháp lý và hiệu quả triển khai tại địa phương - đại biểu Lương Văn Hùng nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, tán thành với chính sách phát triển trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo quy định tại Khoản 4, Điều 14, song ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) còn băn khoăn với quy định cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá cho các đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; được phép chỉ định thầu mua sắm các thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn trí tuệ nhân tạo. Và chính sách ưu đãi nội dung và các mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, quy trình và thủ tục hỗ trợ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để phục vụ phát triển vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị, việc cho phép cho thuê trực tiếp tài sản không qua đấu giá hay là được phép chỉ định thầu mua sắm các trang thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo cần có cơ chế giám sát thật kỹ lưỡng. Bởi thực tế có thể phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến tính cạnh tranh, chất lượng của thiết bị hoặc trong thu ngân sách nhà nước.

T. Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/can-co-su-giam-sat-trong-viec-cho-thue-truc-tiep-tai-san-ket-cau-ha-tang-thong-tin-i374858/