Căn cứ Tà Thiết, 'trái tim' của miền Nam kháng chiến
Cách TP Hồ Chí Minh 150km về phía Bắc, giữa những cánh rừng điều, cao su bạt ngàn của huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (còn được gọi là Căn cứ Bộ chỉ huy Miền hay Căn cứ Tà Thiết) sừng sững như một pho sử sống động.
Nơi đây từng là “trái tim” của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, ghi dấu những quyết sách lịch sử trọng đại, thể hiện tinh thần kiên cường và trí tuệ Việt Nam. Ngày nay, Tà Thiết không chỉ là biểu tượng của quá khứ hào hùng mà còn là điểm đến giáo dục truyền thống quý báu cho các thế hệ.
Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vùng đất Tà Thiết thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh vinh dự trở thành nơi đặt Bộ chỉ huy Miền-cơ quan đầu não chỉ đạo cách mạng của toàn miền Nam. Với vị trí chiến lược đặc biệt, ở gần khu dân cư và là điểm cuối của Đường Hồ Chí Minh, Tà Thiết tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận và dự trữ sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc chi viện cho các chiến trường miền Nam.

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại Căn cứ Tà Thiết (Bình Phước).
Khác với những căn cứ cách mạng thường ẩn sâu trong rừng núi hiểm trở, Tà Thiết mang một đặc điểm riêng biệt. Chính sự gần gũi với khu dân cư đã tạo nên "thế trận lòng dân" vững chắc, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận được sự che chở, đùm bọc của người dân địa phương. Đồng thời, vị trí ở cuối Đường Hồ Chí Minh giúp Tà Thiết trở thành điểm tập kết quan trọng, nơi những đoàn quân, những chuyến hàng từ miền Bắc vượt Trường Sơn gian khổ hướng về.
Tháng 4-1972, sau khi Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng, trụ sở Bộ chỉ huy Miền chính thức chuyển về Tà Thiết sau nhiều lần di chuyển để bảo đảm an toàn. Tại căn cứ này đã diễn ra những cuộc họp quan trọng của Bộ Tổng Tham mưu Trung ương Cục miền Nam, bàn bạc và đưa ra những quyết sách mang tính chiến lược, định hướng cho cuộc kháng chiến. Nơi đây cũng chứng kiến những buổi đón tiếp các phái đoàn cấp cao, xuyên suốt sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến chiến trường.
Đặc biệt, ngày 3-4-1975, tại Căn cứ Tà Thiết, đoàn cán bộ cấp cao Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam do Đại tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu tiến hành cuộc họp lịch sử bàn kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Quyết định táo bạo và thần tốc này góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tà Thiết trở thành căn cứ cách mạng cuối cùng được thành lập ở chiến trường miền Nam, một minh chứng cho sự phát triển và trưởng thành của lực lượng cách mạng.
Kể về kỷ niệm sâu sắc tại Căn cứ Tà Thiết, ông Đinh Quang Mợi, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, nguyên Trợ lý Tác chiến Bộ chỉ huy Miền, cho biết: “Thời gian ở Tà Thiết là những năm tháng gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Chúng tôi sống và làm việc trong điều kiện thiếu thốn, luôn phải đối mặt với bom đạn của địch, nhưng tinh thần đồng đội, tình quân dân thì vô cùng gắn bó. Tôi nhớ như in những đêm thức trắng bên bếp Hoàng Cầm, cùng nhau bàn kế hoạch tác chiến, rồi những lần nhận tin thắng trận từ các chiến trường... Nhớ nhất là lúc chúng tôi nhận được lệnh tổng tấn công đánh vào Sài Gòn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu Trung ương Cục miền Nam và giành chiến thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi nghe Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng trên sóng phát thanh, cả căn cứ vỡ òa cảm xúc”.

Ông Đinh Quang Mợi, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, nguyên Trợ lý Tác chiến Bộ chỉ huy Miền (thứ hai, từ phải sang) kể về những ngày tháng chiến đấu ở Căn cứ Tà Thiết. Ảnh: Thu Hương
Sau ngày đất nước thống nhất, Căn cứ Tà Thiết được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, tôn tạo và xây dựng thêm nhiều công trình, hạng mục khang trang, hiện đại. Khu di tích rộng hơn 3.000ha giờ đây không chỉ là nơi lưu giữ những dấu tích của một thời kỳ lịch sử gian khổ và hào hùng mà còn là một không gian văn hóa, giáo dục truyền thống sống động.
Trong khuôn viên khu di tích, du khách có thể tham quan những địa điểm lịch sử quan trọng như: Nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo, tướng lĩnh, hầm giao ban, hệ thống bếp Hoàng Cầm độc đáo, những con đường mòn năm xưa... Mỗi di tích, hiện vật đều mang trong mình những câu chuyện riêng, tái hiện một phần cuộc sống, chiến đấu đầy gian lao nhưng vô cùng anh dũng của các thế hệ cha anh.
Hầm giao ban là một minh chứng cho sự sáng tạo và tinh thần chiến đấu kiên cường của quân, dân ta. Với mái lợp bằng lá trung quân dày 3cm để tránh bị cháy và trần hầm được lót gỗ dày, hầm giao ban bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ trong những trận oanh tạc ác liệt của máy bay địch. Hệ thống bếp Hoàng Cầm được đào sâu dưới lòng đất nhằm khéo léo che giấu khói để tránh bị máy bay địch phát hiện, thể hiện sự thông minh và ý chí quyết tâm bảo vệ lực lượng.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn những di tích hiện có, Căn cứ Tà Thiết ngày nay còn được đầu tư xây dựng thêm các công trình mới, như: Nhà trưng bày, phòng chiếu phim tư liệu, khu tưởng niệm... giúp du khách có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về lịch sử của căn cứ. Các hoạt động giáo dục truyền thống, các buổi nói chuyện, giao lưu với nhân chứng lịch sử thường xuyên được tổ chức, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và người dân đến tham quan, tìm hiểu.
Ông Đinh Quang Mợi tâm sự: “Căn cứ Tà Thiết là chứng tích sống động cho sự hy sinh xương máu của bao thế hệ cha anh để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đến đây, thế hệ trẻ có thể cảm nhận được phần nào những khó khăn, gian khổ mà cha ông đã trải qua, từ đó trân trọng hơn giá trị của hòa bình, độc lập ngày nay. Tôi mong rằng, thế hệ trẻ hôm nay cố gắng, ra sức học tập, nhất là học về lịch sử của đất nước ta, để từ đó rèn luyện, phấn đấu, gìn giữ hòa bình, độc lập và đưa đất nước ngày càng phát triển. Tôi cũng mong Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ chỉ huy Miền-Căn cứ Tà Thiết sẽ mãi là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau”.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận Di tích Căn cứ Bộ chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định vai trò và giá trị lịch sử to lớn của Căn cứ Tà Thiết đối với dân tộc. Tỉnh Bình Phước đã có chủ trương đầu tư, phát triển nơi đây một cách xứng tầm, biến Căn cứ Tà Thiết trở thành địa chỉ du lịch về nguồn quan trọng, góp phần giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.