Cần đánh giá nghiêm túc, toàn diện các cơ chế đặc thù đã ban hành

Ngày 7/6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tham gia thảo luận.

Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Minh Tâm đã thảo luận về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

Theo đó, ý kiến thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đối với dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên thảo luận.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên thảo luận.

Đồng chí cũng phân tích về sự cần thiết bổ sung cơ chế đặc thù (CCĐT) cho TP. Đà Nẵng bởi vai trò, vị trí địa lý đặc biệt quan trọng của Đà Nẵng đối với miền Trung và cả nước. Thời gian qua, Đà Nẵng tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao an sinh xã hội và được đánh giá là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Đà Nẵng, việc cho áp dụng một số CCĐT để TP. Đà Nẵng chủ động vận động bứt phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế-xã hội xứng đáng là đầu tàu của khu vực miền Trung là hết sức cần thiết.

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm đã nêu các nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ và đề nghị cân nhắc một số quy định.

Một là, quy định tổng dư nợ vay của Đà Nẵng không vượt quá 60% số thu ngân sách của thành phố được hưởng theo phân cấp. Đồng chí cho rằng chưa tương xứng với Nghị quyết số 43 và cũng chưa tương đồng với quy định đặc thù của TP. Hồ Chí Minh là 120% và theo dự thảo Luật Thủ đô cũng đang đề nghị là 120%. Vì vậy, cần cân nhắc quy định này.

Hai là, tại điểm b, khoản 1, Điều 12, đề nghị bổ sung cụm từ “hệ thống siêu máy tính, trung tâm dữ liệu" vào sau cụm từ “chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới.” Lý do là bởi việc thu hút đầu tư vào hệ thống siêu máy tính và trung tâm dữ liệu giúp TP. Đà Nẵng tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện khả năng cạnh tranh, hỗ trợ quản lý thông tin hiệu quả và tăng cường an ninh quốc gia; tạo môi trường hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp công nghệ cao sẽ bị hấp dẫn bởi một môi trường có sẵn các cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.

Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Minh Tâm tham gia thảo luận.

Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Minh Tâm tham gia thảo luận.

Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Minh Tâm cũng nêu rõ, theo đề án Xây dựng đô thị thông minh Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025 định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 6439/QĐ-UBND) thì đến năm 2025 thông minh hóa các ứng dụng và đến năm 2030 thông minh hóa ứng dụng cộng đồng; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Vì vậy, việc bổ sung thêm “hệ thống siêu máy tính, trung tâm dữ liệu,” vào danh mục ngành, nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố là cần thiết.

Ba là, tại khoản 2, Điều 15 “Hội đồng nhân dân thành phố quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng của thành phố”. Theo đại biểu, việc phân cấp cho HĐND thành phố quy định mức thu nhập cho các đối tượng này là phù hợp, tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch, công bằng và đặc biệt tránh tùy tiện trong áp dụng, đồng chí đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên quy định mức tối thiểu hoặc không vượt quá bao nhiêu %.

Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu với nội dung cho đến thời điểm hiện nay có 10 địa phương đã và đang đề nghị thí điểm CCĐT, đã đến lúc nên dừng việc cho thí điểm CCĐT. Theo đồng chí, cần thực hiện đánh giá một cách nghiêm túc, toàn diện các CCĐT đã ban hành để xem xét, ban hành một cơ chế chính sách chung cho cả nước nếu phù hợp hoặc dừng các cơ chế, chính sách đặc thù không phù hợp, tránh tình trạng các địa phương đều trình xin CCĐT sẽ tạo ra sự không thống nhất trong công tác quản lý và phá vỡ định hướng chung trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202406/can-danh-gia-nghiem-tuc-toan-dien-cac-co-che-dac-thu-da-ban-hanh-2218640/