Cần Giờ được quy hoạch là 1 trong 61 Khu du lịch quốc gia

Quy hoạch 61 Khu du lịch quốc gia (KDLQG) tiềm năng được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng tầm thương hiệu du lịch quốc gia.

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành đã đánh dấu một bước tiến quan trọng cho ngành du lịch Việt Nam với việc xác định 61 địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia (KDLQG).

Đây là định hướng chiến lược nhằm thu hút đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng các KDLQG đã được công nhận, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương trên cả nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 9 KDLQG được công nhận, bao gồm: Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Núi Sam (An Giang), Trà Cổ - Móng Cái (Quảng Ninh), Mũi Né (Bình Thuận), Đền Hùng (Phú Thọ), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mộc Châu (Sơn La) và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo Quy hoạch mới, 61 địa điểm tiềm năng phát triển KDLQG được phân bố tại 6 vùng du lịch:

Vùng trung du và miền núi phía Bắc: 15 địa điểm, nổi bật như: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Hồ Sơn La (Sơn La), Mù Cang Chải (Yên Bái), Hồ Hòa Bình (Hòa Bình), Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ).

Vùng đồng bằng sông Hồng: 11 địa điểm, bao gồm: Ba Vì (Hà Nội), Khu di tích Hương Sơn (Hà Nội), Khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Cát Bà (Hải Phòng), Vân Đồn - Cô Tô (Quảng Ninh), Yên Tử - Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Chúc (Hà Nam).

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: 17 địa điểm, tiêu biểu như: Sầm Sơn (Thanh Hóa), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Bà Nà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa).

Vùng Tây Nguyên: 5 địa điểm, bao gồm: Măng Đen (Kon Tum), Biển Hồ - Chư Đăng Ya (Gia Lai), Yok Don (Đắk Lắk), Hồ Tà Đùng (Đắk Nông), Đan Kia - Suối Vàng (Lâm Đồng).

Vùng Đông Nam Bộ: 5 địa điểm, nổi bật như: Cần Giờ (TP. HCM), Long Hải - Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hồ Trị An (Đồng Nai), Núi Bà Đen (Tây Ninh).

Vùng đồng bằng sông Cửu Long: 8 địa điểm, bao gồm: Ninh Kiều (Cần Thơ), Thới Sơn (Tiền Giang), Mang Thít (Vĩnh Long), Tràm Chim (Đồng Tháp), Hà Tiên (Kiên Giang).

Việc quy hoạch 61 KDLQG tiềm năng được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam, thu hút đầu tư, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngoài 61 địa điểm được quy hoạch trong giai đoạn 2021-2030, giai đoạn sau năm 2030 sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung các địa điểm tiềm năng khác vào danh mục KDLQG.

Du lịch Cần Giờ đang ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng du khách đây tăng lên hàng năm, đạt hơn 2 triệu lượt, chiếm 8,7% tổng lượng khách du lịch TP.HCM. Nhờ vậy, Cần Giờ góp phần vào thành tích chung của du lịch TP.HCM trong năm 2023 với 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa và tổng thu nhập từ du lịch đạt hơn 160.000 tỷ đồng, lọt top 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2023.

Năm 2023, TP.HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển ngành du lịch huyện Cần Giờ nhằm đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh du lịch Cần Giờ. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá Cần Giờ có đủ điều kiện để thành công với đề án "Cần Giờ xanh".

Hàn Mai

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/hoat-dong-du-lich/can-gio-duoc-quy-hoach-la-1-trong-61-khu-du-lich-quoc-gia-c32a76208.html