Cần hơn 2.500 tỷ đồng xây mới sân bay Nà Sản công suất 1 triệu khách/năm
Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La vừa có gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đề nghị thẩm định, phê duyệt Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Nà Sản, tỉnh Sơn La.
Sân bay chiến lược của vùng Tây Bắc
Theo UBND tỉnh Sơn La, việc nghiên cứu xây dựng "Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Nà Sản" là phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và xu hướng đầu tư phát triển chung của thế giới, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Cảng hàng không Nà Sản là một trong 22 cảng hàng không do ACV quản lý đầu tư và khai thác, được Pháp xây dựng từ năm 1950. Từ năm 1978-2004 được đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục công trình nhằm khai thác an toàn hiệu quả các chuyến bay.
Do cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đáp ứng được điều kiện khai thác nên sân bay Nà Sản đã dừng hoạt động từ năm 2004 đến nay.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La đánh giá, Cảng hàng không Nà Sản là một trong những sân bay chính trong hệ thống sân bay quân sự toàn quốc. Khu vực phòng thủ Tây Bắc hiện chỉ có 2 sân bay quân sự là Điện Biên và Nà Sản.
Trong đó, sân bay Điện Biên có đường cất hạ cánh ngắn, không khai thác được các loại máy bay quân sự lớn và hiện đại, ảnh hưởng lớn đến công tác huấn luyện, phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu của sân bay và toàn bộ khu vực Tây Bắc.
Với sân bay Nà Sản có chiều dài đường cất hạ cánh lớn (2.400m), cao độ và khoảng cách từ sân bay Nà Sản đến các sân bay khác trong khu vực, đến biên giới Việt - Lào, biên giới Việt – Trung, phù hợp với việc hiệp đồng tác chiến và huấn luyện của lực lượng không quân, từ Nà Sản có thể kiểm soát toàn bộ vùng trời Tây Bắc, vùng Đông Bắc Lào và một số tỉnh phía Nam của Trung Quốc.
Sở hữu vị trí, địa thế trọng yếu mà không sân bay nào trong khu vực có được, Nà Sản trở thành căn cứ không quân chiến lược quan trọng nhất hiện nay của không quân Việt Nam trong cả vùng Tây Bắc, đồng thời có vị trí quan trọng trong chiến lược phòng thủ chung của cả đất nước.
Hiện nay, đường kết nối chính từ Hà Nội - Sơn La theo QL6 có địa hình hiểm trở, nhiều đèo dốc nguy hiểm và thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa, ảnh hưởng đến việc cứu trợ, đảm bảo an ninh và xử lý tình huống khẩn cấp.
Do đó, việc cải tạo đưa sân bay Nà Sản trở lại hoạt động được đánh giá có ý nghĩa chiến lược với công tác đảm bảo an ninh chính trị, đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc, chống bạo loạn lật đổ, đảm bảo an sinh xã hội và kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp.
Về mặt hàng không dân dụng, sân bay Nà Sản có vị trí chiến lược quan trọng của khu vực trung tâm vùng Tây Bắc, nối liền Thủ đô Hà Nội, miền Trung và miền Nam.
UBND tỉnh Sơn La cho rằng, việc đầu tư, khai thác trở lại sân bay đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng hàng không, mở rộng phạm vi bao phủ mạng tuyến đường bay đến các vùng miền của cả nước, tạo lợi thế và phát huy thế mạnh của giao thông hàng không.
Hiện nay, khu vực Tây Bắc có kinh tế vchưa phát triển, cuộc sống của đồng bào các dân tộc còn lạc hậu và khó khăn, một phần do điều kiện giao thông đường bộ, đường thủy còn hạn chế.
Do đó, tỉnh này cho rằng giao thông đường hàng không có nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành nhân tố quyết định tới quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La có nhiều nông sản chất lượng tốt, đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, việc khai thác vận chuyển hàng không tạo ra những bước đột phá cho Sơn La nói riêng và cho cả vùng Tây Bắc nói chung.
Từ đây, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La khẳng định, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tạo động lực cho phát triển kinh tế địa phương.
Cần hơn 2.500 tỷ đồng nâng cấp, xây mới sân bay Nà Sản
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Nà Sản dự kiến khai thác đạt 1 triệu hành khách/năm giai đoạn đến năm 2030 và đạt 2 triệu hành khách/năm giai đoạn đến năm 2050.
Về quy mô đầu tư, đến năm 2030 là sân bay cấp 4C, sân bay quân sự cấp I đáp ứng khai thác các máy bay A320/A321 và tương đương, công suất 1 triệu hành khách/năm; Tầm nhìn đến năm 2050 là sân bay cấp 4C, sân bay quân sự cấp I đáp ứng khai thác các loại máy bay A320/A321 và tương đương, công suất 2 triệu hành khách/năm.
Quy mô sử dụng đất khoảng 249,67 ha. Với việc thực hiện dự án, sẽ có khoảng 550 hộ dân bị ảnh hưởng. Do đó, cần đầu tư xây dựng một khu tái định cư tập trung với quy mô dự kiến khoảng 50,3 ha thuộc địa phận xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn phục vụ cho các dự án phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, cảng hàng không Nà Sản khi nhà nước thu hồi đất.
UBND tỉnh Sơn La đề xuất việc xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Nà Sản. Cụ thể, kêu gọi đầu tư toàn bộ các công trình thiết yếu tại cảng hàng không (trừ các công trình đảm bảo hoạt động bay) theo hình thức PPP để khai thác cảng hàng không mới. Giao (phân cấp, phân quyền) UBND cấp tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Về quy mô, dự kiến cảng sẽ có đường cất hạ cánh kích thước 2.600mx45m, kết cấu bê tông xi măng đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và các máy bay quân sự Su27, Su30MK; Xây dựng một đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào sân đỗ máy bay hàng không dân dụng, kích thước 221x18m, kết cấu bê tông xi măng đảm bảo khai thác máy bay A320, A321.
Cùng đó, xây dựng mới sân đỗ máy bay về phía Bắc, giai đoạn đến năm 2030 đảm bảo đáp ứng tiếp nhận được 5 máy bay A320/ A321, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo 6 vị trí đỗ máy bay A320/A321 và tương đương.
Với công trình nhà ga hành khách, giai đoạn đến năm 2030 đáp ứng công suất 1 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng công suất 2 triệu hành khách/năm. Đồng thời, xây dựng các công trình phụ trợ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Tổng mức đầu tư của dự án là 3.046 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030 cần 2.586 tỷ đồng, chia thành 3 dự án thành phần.
Cụ thể: Dự án thành phần 1 - Giải phóng mặt bằng và tái định cư, hỗ trợ di dời các công trình quân sự: 275 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 - Các công trình quản lý bay 180 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 - Các công trình hạ tầng Cảng hàng không đầu tư theo hình thức đối tác công tư: 2.131 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2050 cần 460 tỷ đồng mở rộng sân đỗ máy bay, mở rộng nhà ga nâng công suất lên 2 triệu hành khách.