Cần hơn 78.000 tỷ đồng phát triển hệ thống cảng biển Hải Phòng
Cục Hàng hải và Đường thủy VN vừa trình Bộ Xây dựng Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày càng nhiều tàu lớn, ít tàu nhỏ vào cảng biển Hải Phòng
Theo nhận định của Cục Hàng hải và Đường thủy VN, dù sản lượng hàng hóa tại cảng biển khu vực Hải Phòng liên tục tăng, doanh nghiệp cảng đã chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại, nhưng hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông kết nối còn bất cập khiến tiềm năng chưa được khai thác tối đa.

Tại cảng biển Hải Phòng hiện đã hình thành 14 tuyến vận tải.
Theo thống kê, trong năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng đạt 106,5 triệu tấn, trong đó hàng container chiếm 78,2 triệu tấn, tương đương 7,2 triệu TEU.
Giai đoạn 2020–2024, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,8%/năm, trong đó hàng container tăng 7,2%/năm; Hàng tổng hợp, rời tăng 0,7%/năm; Hàng lỏng/khí: tăng 8,9%/năm.
Trong khi lượng hàng tăng đều, số lượt tàu biển qua cảng lại giảm nhẹ (âm 0,9%), nhưng tổng dung tích tàu tăng 4,8%. Điều này cho thấy xu hướng tàu lớn ngày càng chiếm ưu thế khi cập cảng Hải Phòng. Hiện nay, bến số 5 và 6 khu bến Lạch Huyện đã tiếp nhận được tàu container trọng tải đến 160.000 tấn giảm tải.
Theo thông tin của Báo Xây dựng, cảng Hải Phòng - cảng biển lớn nhất miền Bắc – đã hình thành 14 tuyến vận tải quốc tế.
Trong số này có 6 tuyến xuyên Thái Bình Dương đi trực tiếp châu Mỹ, một tuyến đi châu Úc, 2 tuyến đi Ấn Độ và nhiều tuyến nội Á khác.
Tuy có những bước tiến rõ rệt, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đánh giá cảng biển Hải Phòng vẫn chưa phát triển như kỳ vọng do vướng mắc hạ tầng. Dự án chưa đồng bộ giữa quy hoạch và đầu tư thực tế. Tiến độ phát triển các bến cảng còn chậm, do vướng mắc trong phát triển khu công nghiệp sau cảng.
Ngoài ra, việc di dời và chuyển đổi công năng các cầu cảng Hoàng Diệu vẫn chưa thực hiện đúng quy hoạch.
Việc phát triển các bến cảng mới đòi hỏi hạ tầng đồng bộ (giao thông, kỹ thuật, logistics...), song năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn hạn chế, trong khi trách nhiệm triển khai thuộc nhiều chủ thể, gây thiếu liên kết và chậm tiến độ.
Ngoài ra, luồng hàng hải vào cảng hiện vẫn là luồng một chiều, mật độ tàu lớn khiến nhiều tàu phải chờ đợi dài ngày, làm giảm hiệu suất bốc xếp.
Đặc biệt, vận tải đường bộ vẫn là phương thức chính, dẫn đến ùn tắc cục bộ tại khu vực sau cảng như Chùa Vẽ, Đình Vũ và trên quốc lộ 5.
Kết nối vận tải đường sắt và đường thủy nội địa với cảng vẫn còn yếu. Đường thủy thường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, gây bồi lắng, khan cạn, khiến tuyến vận tải này khó khai thác hiệu quả quanh năm.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng các giải pháp cải thiện hạ tầng và hiệu quả khai thác đã mang lại những kết quả tích cực. Nhiều cảng như Chùa Vẽ, Tân Vũ, Vip Green Port, Nam Đình Vũ... đã được đầu tư thiết bị bốc xếp hiện đại, công suất lớn.
Công tác đầu tư tại cảng cơ bản bám sát quy hoạch, đáp ứng năng lực thông qua hàng hóa theo tăng trưởng thực tế, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế vùng và thành phố Hải Phòng.
Quy hoạch tới 111 cầu cảng, đáp ứng lượng hàng tới hơn 215 triệu tấn
Theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2030, cảng biển Hải Phòng gồm các khu bến Lạch Huyện, Đình Vũ, sông Cấm - Phà Rừng, Nam Đồ Sơn, Văn Úc, bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ, cùng các bến phao, khu neo đậu chuyển tải và các khu neo đậu tránh, trú bão.

Tới năm 2030, cảng biển Hải Phòng được quy hoạch để đáp ứng cho lượng hàng hóa thông qua từ 175,4 triệu tấn đến 215,5 triệu tấn. Ảnh: Tạ Hải.
Hệ thống cảng biển đáp ứng cho lượng hàng hóa thông qua từ 175,4 triệu tấn đến 215,5 triệu tấn (trong đó hàng container từ 12,15 triệu Teu đến 14,92 triệu Teu, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế), đáp ứng cho lượng hành khách từ 20,4 nghìn lượt khách đến 22,8 nghìn lượt khách.
Hệ thống cảng biển sẽ có từ 61-73 bến cảng, gồm từ 98-111 cầu cảng với tổng chiều dài từ 20.152 m -23.402 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Hải Phòng có lượng hàng hóa thông qua với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5 %/năm đến 5,3 %/năm, lượng hành khách với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 1,5 - 1,6 %/năm.
Trong giai đoạn này, tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa. Trong đó, hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện, di dời các bến cảng trên sông Cấm phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố Hải Phòng và đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 1.638ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics,... gắn liền với cảng). Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 116.536ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải).
Dự thảo quy hoạch xác định, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 của cảng biển Hải Phòng khoảng 78.028 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 11.950 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 66.078 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).