Cần khoảng 738.500 tỉ đồng đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ
Theo Bộ Giao thông vận tải, vùng Đông Nam bộ sẽ cần khoảng 738.500 tỉ đồng để đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, khu vực cần khoảng 342.000 tỉ đồng để hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông như tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, cao tốc nối TPHCM với các tuyến đường cửa ngõ quan trọng như Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức – Long Thành, TPHCM – Mộc Bài…
TTXVN đưa tin, Bộ Giao thông vận tải cho biết, dựa trên quy hoạch vùng, giai đoạn 2021-2025, khu vực Đông Nam bộ cần khoảng 342.000 tỉ đồng để đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách trung ương là khoảng 60.800 tỉ đồng, vốn của doanh nghiệp nhà nước khoảng 109.000 tỉ đồng. Giai đoạn 2026 – 2030, nhu cầu vốn là khoảng 396.500 tỉ đồng.
Từ nay đến năm 2025, vùng Đông Nam bộ sẽ cần hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, cao tốc nối TPHCM với các tuyến đường cửa ngõ quan trọng như Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức – Long Thành, TPHCM – Mộc Bài, TPHCM – Chơn Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Liên Khương, Gò Dầu – Xa Mát, Chơn Thành – Đức Hòa, Chơn Thành – Gia Nghĩa; tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận.
Giai đoạn 2026-2030, vùng cần hoàn thiện việc nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam và khu đầu mối TPHCM; tiếp tục đầu tư hệ thống metro TPHCM và sớm đầu tư đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu nối TPHCM, Đồng Nai với thành phố Vũng Tàu ra cảng Cái Mép – Thị Vải, tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ.
Cũng theo bản tin trên, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 2; nghiên cứu nâng cấp sân bay Côn Đảo, sân bay Biên Hòa…
Liên quan đến phát triển vùng Đông Nam bộ, theo TTXVN, tại hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra hôm 18-7, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới, địa phương cần hình thành các khu đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp tại các tỉnh.
Theo đó, các địa phương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết các dự án còn gặp vướng mắc về pháp lý trong giai đoạn vừa qua; xây dựng các dự án đã hoàn thành thủ tục cần thiết, tạo nguồn cung cho thị trường; tiếp tục có chính sách khuyến khích, ưu đãi đặc biệt về thuế với các dự án cung cấp dịch vụ xã hội đô thị ở các khu kinh tế cửa khẩu, các vùng công nghiệp lớn.
Đặc biệt, các địa phương cần lưu ý tới công tác quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng…