Cần khoảng 9 triệu tỷ đồng cho quy hoạch Thủ đô, huy động thế nào?

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc cân đối ngân sách theo nhu cầu của Quy hoạch Thủ đô là khó khả thi.

Quốc hội xem videoclip về Quy hoạch Thủ đô.

Quốc hội xem videoclip về Quy hoạch Thủ đô.

Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Quy hoạch đưa ra 8 quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi cho phát triển Thủ đô. Trong đó có quan điểm lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực phát triển chủ yếu. Phát triển sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, trục văn hóa di sản, du lịch văn hóa kết nối vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các "thành phố trong Thủ đô”, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái; kết hợp phát triển nông nghiệp nông thôn sinh thái, văn minh, có bản sắc của nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 được xác định, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%; GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88 - 0,90; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống.

Gửi các vị đại biểu ý kiến về Quy hoạch, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, để thực hiện mục tiêu quy hoạch ước tính cần đầu tư 8,8 - 9,5 triệu tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 3,1 - 3,26 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 5,69 - 6,25 triệu tỷ đồng.

Trong đó, tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 27,5 - 28,5%, đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 ít nhất khoảng 850 nghìn tỷ đồng, trong khi Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố Hà Nội là 209.377 tỷ đồng (gồm ngân sách trung ương là 29.803 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 179.575 tỷ đồng); nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 gần gấp 2 lần so với giai đoạn 2021 - 2025.

Do đó, việc cân đối ngân sách theo nhu cầu nêu trên là khó khả thi, cơ quan của Quốc hội nhận định.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Kinh tế, những giải pháp huy động vốn đầu tư khá chung chung, chưa đủ cơ sở để đánh giá tính khả thi. Đến nay, Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt chậm so với với các địa phương khác và chỉ còn hơn 1 năm để thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, tính toán để xây dựng kế hoạch, mục tiêu phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực, bổ sung những giải pháp cụ thể hơn để huy động và cân đối các nguồn lực cho việc thực hiện quy hoạch khả thi và hiệu quả, trong đó, giải pháp cần phải bảo đảm khắc phục được những hạn chế trong sử dụng nguồn lực đầu tư ở thời kỳ trước mà xuất phát từ những nguyên nhân do chất lượng quy hoạch chưa cao.

Đồng thời, trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn, đề nghị nghiên cứu rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý hơn các dự án ưu tiên, mang tính cấp bách để có cơ sở xác định nguồn lực, bảo đảm tính khả thi cho các dự án. Ngoài ra, việc huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân là rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, tuy nhiên, các giải pháp để thu hút nguồn vốn này còn quá chung chung, có thể áp dụng với bất kỳ địa phương nào, chưa có tính đặc thù đối với Hà Nội.

Cơ quan của Quốc hội nhìn nhận, Quy hoạch Thủ đô có nêu các khâu đột phá phát triển, trong đó vị trí đầu tiên là đột phát về thể chế và quản trị. Tuy nhiên, trong phần giải pháp thực hiện quy hoạch chưa đề cập và phân tích, làm rõ nội dung này.

Mặt khác, đột phá phát triển về thể chế và quản trị cần gắn với các phương hướng phát triển các ngành quan trọng, phương án phát triển hạ tầng và đặc biệt là bảo đảm sự liên kết phát triển “Năm không gian phát triển - Năm hành lang và vành đai kinh tế - Năm trục động lực phát triển - Năm vùng kinh tế, xã hội - Năm vùng đô thị” đang được Thủ đô lựa chọn tại Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung làm rõ các nội dung nói trên cũng như các giải pháp cụ thể về thể chế và quản trị, cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền đối với người dân, doanh nghiệp, trong đó cần phải bảo đảm thống nhất với nội dung của Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đang được Quốc hội cho ý kiến để bảo đảm sau khi Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt có đủ căn cứ pháp lý để tổ chức triển khai, tránh việc đề xuất các giải pháp không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung xác định lộ trình thực hiện, các chỉ tiêu thực hiện, cơ chế giám sát và đánh giá theo kết quả đầu ra làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô cũng như xây dựng các chương trình, đề án để tổ chức thực hiện quy hoạch.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/can-khoang-9-trieu-ty-dong-cho-quy-hoach-thu-do-huy-dong-the-nao-d218065.html