Cân nhắc lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt để doanh nghiệp đóng góp vào tăng trưởng
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, nhiều ý kiến cho rằng cần có các chính sách thuế phù hợp với doanh nghiệp
Tại kỳ họp thứ 9 tới đây, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Chiều 4-4, tọa đàm về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành nước giải khát được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ, bộ ngành đang thúc đẩy các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm nay.

Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN
Xem xét lùi thời hạn áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng nước giải khát có đường tới 1-1-2028 với mức thuế suất khởi đầu là 5% để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nguồn lực tài chính, điều chỉnh công thức sản phẩm, giúp doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, góp phần đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tới.
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN, nêu tại tọa đàm. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8.
Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại dự thảo là mở rộng cơ sở tính thuế, trong đó có quy định: “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB” với thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới, với mục đích bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo ông Đức, cải cách thuế cần phải cân bằng giữa mục tiêu tài chính và động lực kinh tế. Việc tăng thuế đột ngột có thể làm giảm sức mua, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. "Điều này ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030"- ông Đức lo ngại và kiến nghị cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các tác động kinh tế trong bối cảnh rủi ro thương mại quốc tế đang gia tăng.
PGS-TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết ngành đồ uống cũng đang lo ngại tác động từ chính sách thuế quan mà phía Mỹ vừa công bố ngày 2-4.
Theo ông Việt, doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải nỗ lực rất nhiều để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số cho giai đoạn tiếp theo. Do đó, các chính sách thuế, trong đó có thuế TTĐB, cần được cân nhắc kỹ lưỡng, có lộ trình phù hợp.
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia chính sách công, cũng nhìn nhận Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, diễn biến khó lường, đơn cử việc Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng rất cao đối với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam.
TS Việt phân tích một trong những mũi nhọn, động lực để đạt mục tiêu tăng trưởng là đẩy mạnh xuất khẩu sẽ bị tác động nặng nề. Vì vậy, cần xem xét các động lực bền vững từ chính các sức mạnh nội tại, trong đó có đầu tư từ khu vực tư nhân, kích cầu tiêu dùng trong nước và hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp để có thể đóng góp nhiều hơn vào động lực tăng trưởng.
Vị chuyên gia chính sách công cho rằng so với phương án thuế suất 10%, thì mức thuế 5% có mức tác động giảm nhẹ hơn nhiều, giảm tác động đối với doanh nghiệp mà vẫn điều tiết được tiêu dùng, nâng cao nhận thức của người dân, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nhấn mạnh hiện nay Chính phủ đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm giảm thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tạm thời hoãn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.