Cần phản ánh đầy đủ bản chất của quản lý và phát triển nhà giáo

Ủng hộ việc ban hành Luật Nhà giáo, tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, các nguyên tắc quản lý phát triển nhà giáo trong dự thảo Luật chưa phản ánh đầy đủ bản chất của quản lý và phát triển nhà giáo, do đó, cần rà soát các nội dung này. Trong thiết kế chính sách, đại biểu cũng đề nghị lưu ý bảo đảm nguyên tắc quản lý gián tiếp, không để bất cứ cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp xuống giáo viên mà phải thông qua cơ quan trung gian đó là nhà trường, ai chịu trách nhiệm phát triển nhà trường thì người đó mới chịu trách nhiệm phát triển nhà giáo.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP. Hồ Chí Minh):Ai chịu trách nhiệm phát triển nhà trường, người đó chịu trách nhiệm phát triển nhà giáo

Trong hoạt động nghề nghiệp, nhà giáo chịu chi phối, quản lý của Nhà nước về mặt chính sách và phát triển nhà giáo, nhưng người quản lý trực tiếp nhất là hiệu trưởng, rộng ra là Hội đồng trường. Đó mới là nơi quản lý nhà giáo. Trách nhiệm quản lý nhà giáo gồm: giao nhiệm vụ, tạo điều kiện để nhà giáo hoạt động tốt, đánh giá hiệu quả công việc và khuyến khích nhà giáo không ngừng học tập, nâng cao trình độ để có thể phát triển hơn. Môi trường xung quanh nhà giáo là nhà trường. Như vậy, ai chịu trách nhiệm và phát triển nhà trường thì người đó mới chịu trách nhiệm phát triển nhà giáo.

 ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP. Hồ Chí Minh)

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP. Hồ Chí Minh)

Hiện nay, có ba loại chủ sở hữu đối với trường học: thứ nhất, nhà nước là chủ sở hữu của trường công lập; thứ hai là các chủ tư nhân của trường tư thục; thứ ba là các nhà đầu tư nước ngoài là chủ của trường quốc tế. Quản lý nhà nước phải thông qua ba “ông này” thì mới xuống được tới giáo viên. Do vậy, trong thiết kế chính sách, cần lưu ý bảo đảm nguyên tắc quản lý gián tiếp, không để bất cứ cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp xuống giáo viên mà phải thông qua cơ quan trung gian đó là nhà trường.

Dự thảo Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ tạo được sự thống nhất hoặc là bình đẳng giữa trường công lập và tư thục. Tuy nhiên, cần phải làm rõ việc tạo sự thống nhất và bình đẳng ở khía cạnh nào? Trong nguyên tắc quản lý phát triển nhà giáo, nội dung thứ ba là thống nhất giữa nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập nhưng dự thảo Luật lại không nói rõ là thống nhất cái gì. Đơn cử, nhà giáo làm việc trong cơ sở giáo dục công lập thì có tuổi nghỉ hưu nhưng nhà giáo làm việc trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thì không có tuổi nghỉ hưu. Thực tế, nhiều thầy cô giáo từ trường công lập nghỉ hưu thì sang trường ngoài công lập làm việc. Đây là sự thiếu thống nhất về tuổi nghỉ hưu. Điểm không thống nhất thứ hai giữa trường công lập và trường tư thục là việc trả lương cho nhà giáo… Do đó, cần làm rõ sự thống nhất, bình đẳng giữa trường công lập và tư thục là ở khía cạnh gì.

Điều 5 dự thảo Luật quy định nguyên tắc quản lý phát triển nhà giáo, trong đó có 6 nội dung đều cần thiết nhưng chưa phản ánh đầy đủ bản chất của quản lý và phát triển nhà giáo. Trong quản lý nhà giáo, chúng ta cần nói rõ những nội dung này phải gắn với loại hình cơ sở giáo dục nào. Trong nguyên tắc quản lý có mục: tạo điều kiện cần thiết để đội ngũ nhà giáo có thể phát huy năng lực của mình đóng góp cho sự phát triển của cơ sở giáo dục, tức là trách nhiệm của hiệu trưởng, lãnh đạo nhà trường là phải tạo điều kiện về cơ sở vật chất, về giáo trình… Bởi vì, nếu họ không làm những việc này, thầy giáo có nhiệt tình nhưng thiếu công cụ giảng dạy thì cũng không thể hoạt động tốt được. Cho nên, đó phải là nguyên tắc quản lý.

Dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến việc đánh giá giáo viên và cơ sở để đánh giá giáo viên trong quy định về quản lý về nhà giáo. Đánh giá giáo viên phải bảo đảm tính khách quan, dân chủ và khuyến khích những người hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến nội dung trong quản lý giáo dục thì việc phát triển nhà giáo là làm gì? Việc phát triển nhà giáo ở cơ sở giáo dục, theo tôi là phải nâng cao được trình độ của nhà giáo cả về mặt chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm. Trong nhà trường thì phải bảo đảm đủ giáo viên cho các cơ cấu môn học thay đổi theo từng giai đoạn. Ở cấp địa phương và cấp quốc thì phải bảo đảm được cơ cấu, số lượng nhà giáo. Nói đến phát triển thì cần phải nói được yêu cầu đối với phát triển nhà giáo là gì. Do vậy, đề nghị làm rõ trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, trong quy định về quản lý nhà giáo, cần có thêm nội dung về việc phải bảo đảm việc chuẩn bị và phát triển đội ngũ thầy cô lên làm lãnh đạo nhà trường, tức là những giáo viên có đủ điều kiện về trình độ, năng lực, phẩm chất được quy hoạch và chuẩn bị để có thể nhận trách nhiệm làm Hiệu trưởng trường với nhiệm vụ quản lý chứ không phải nhiệm vụ dạy học.

ĐBQH Thái Văn Thành (Nghệ An): Chuẩn nhà giáo như “chiếc gương soi”

Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới như: địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập rõ ràng, quy định rõ về quyền và trách nhiệm của nhà giáo là người nước ngoài, từ đó tạo ra môi trường an tâm công tác, làm việc, cống hiến, sáng tạo cho đội ngũ nhà giáo ngoài công lập.

 ĐBQH Thái Văn Thành (Nghệ An)

ĐBQH Thái Văn Thành (Nghệ An)

Về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo cũng có nhiều chính sách mới như tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục ở địa phương để chủ động trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phát triển đội ngũ nhà giáo, đào tạo bồi dưỡng, điều động, thuyên chuyển, đánh giá, sàng lọc đội ngũ nhà giáo; chủ động trong việc đào tạo, đặt hàng đối với nhà giáo. Trong tuyển dụng đã chú trọng đến đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo, theo đó đã chú trọng đến năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng sư phạm và có thực hành sư phạm.

Đáng lưu ý, dự thảo Luật đã xây dựng được tiêu chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo và chuẩn nhà giáo để nâng cao chất lượng của nhà giáo. Chuẩn nhà giáo như “chiếc gương soi”, giúp cho mỗi nhà giáo “tự soi, tự sửa”, tự bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ. Chuẩn nhà giáo là công cụ cho cơ quan quản lý giáo dục cơ sở giáo dục xây dựng quy hoạch, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá và sàng lọc nhà giáo. Đồng thời tiêu chuẩn chức danh nhà giáo và chuẩn nhà giáo còn là công cụ để kiểm soát chất lượng.

Liên quan đến chính sách thu hút nhà giáo, cần bổ sung 2 đối tượng, đó là: những học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng vào ngành sư phạm; những sinh viên đại học tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường làm giảng viên. Những đội ngũ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả cấp học, bậc học và hệ thống giáo dục quốc dân.

Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đề nghị xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi… Nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để đảm bảo Luật khả thi, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.

ĐBQH Trần Thị Quỳnh (Nam Định):Bảo đảm tính tương thích trong quy định vềđiều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo

Luật Nhà giáo được đánh giá là luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, có nhiều chính sách quan trọng, liên quan đến nhiều luật. Tôi đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn chủ động, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý để chỉnh sửa, hoàn thiện các nội dung chính sách đáp ứng yêu cầu. Từ bản dự thảo đầu tiên với hơn 70 điều, cho đến nay dự thảo chỉ còn 9 Chương, 50 Điều (giảm 20 Điều), đáp ứng yêu cầu mới trong xây dựng pháp luật là: bảo đảm “ngắn gọn”; không quy định lại các vấn đề đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành; chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ, các bộ, ngành theo thẩm quyền quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

 ĐBQH Trần Thị Quỳnh (Nam Định)

ĐBQH Trần Thị Quỳnh (Nam Định)

Tôi rất đồng tình và ủng hộ nhiều chính sách trong dự thảo Luật, nhất là các chính sách mới như: lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập; nhà giáo được chuẩn hóa thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp, có các chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp; có chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo; chính sách tiền lương và đãi ngộ. Đặc biệt, điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật là giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Tuy nhiên, cần cân nhắc quy định tại khoản 2 Điều 23 đối với nhà giáo “công tác chưa đủ 3 năm tính từ thời điểm được tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh nhà giáo trừ trường hợp tự nguyện, tình nguyện thuyên chuyển công tác về cơ sở giáo dục ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo”. Theo tôi, có thể giảm xuống còn 2 năm hoặc quy định trường hợp đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền quản lý quyết định để bảo đảm những tình huống đặc biệt phát sinh.

Bên cạnh đó, các quy định về điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo quy định tại các Điều 21, Điều 22, Điều 23 dự thảo Luật cần rà soát để bảo đảm tính tương thích với nhà giáo trong hệ thống giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các khối đặc thù như công an, quân đội, hệ thống các trường Đảng vì dường như các nội dung quy định như dự thảo Luật mới chỉ tập trung đối với nhà giáo mầm non, phổ thông.

Về chế độ làm việc của nhà giáo, nhằm bảo đảm chất lượng của hoạt động dạy học cũng như thời gian làm việc, nghỉ ngơi của nhà giáo, có thể xem xét, tính toán quy định nhà giáo làm việc 8h/ngày, 5 ngày/tuần. Trong đó, thời gian tiết dạy/giờ dạy theo định mức như hiện nay, còn lại là thời gian thực hiện các nhiệm vụ phục vụ hoạt động giảng dạy như chuẩn bị bài, đánh giá người học, nghiên cứu khoa học, các hoạt động chuyên môn khác. Nhưng đồng thời cũng phải tính toán phương án về cơ sở vật chất vì hiện nay điều kiện của nhiều nơi chưa thể đáp ứng.

Hoàng Ngọc - Minh Trang - Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-phan-anh-day-du-ban-chat-cua-quan-ly-va-phat-trien-nha-giao-post395910.html