Cần quản lý cao tốc theo đúng hiện trạng
Theo các chuyên gia, cần quản lý, tổ chức lại giao thông trên các tuyến cao tốc để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người tham gia giao thông.
Trước thực trạng Việt Nam (VN) có nhiều tuyến cao tốc chưa được đầu tư đồng bộ, các chuyên gia giao thông cho rằng Nhà nước cần quản lý cao tốc theo đúng hiện trạng và đừng vội gọi là đường cao tốc nếu chưa đủ chuẩn. Bên cạnh đó là sớm đầu tư, mở rộng cao tốc cho đúng chuẩn, tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
PGS-TS TRẦN CHỦNG, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (Varsi):
Quản lý, vận hành cao tốc chưa được quan tâm đúng mức
Đầu tư phân kỳ là công thức đầu tư áp dụng nhiều lĩnh vực, trong đó có công trình giao thông phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn lực tài chính. Đối với đầu tư cao tốc, đây là đầu tư công trình cấp cao nhất của lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ GTVT lựa chọn phương thức đầu tư phân kỳ (như cao tốc hai làn xe) phụ thuộc vào hai yếu tố.
Thứ nhất là lưu lượng xe, như vùng xa, lưu lượng xe chưa đủ lớn thì có thể phân kỳ. Thứ hai là yếu tố rất quan trọng về nguồn lực tài chính, có đủ nguồn lực để đầu tư đường cao tốc 4-6 làn xe không?
Tôi nghĩ thời gian qua việc đầu tư phân kỳ cao tốc là một sự tính toán kỹ của Bộ GTVT, phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhưng cũng cần lưu ý về các phương pháp tổ chức giao thông sao cho đảm bảo an toàn như tăng biển báo, thông báo, thông tin tín hiệu an toàn ra vào…
Cụ thể, đơn vị quản lý cần rà soát các cao tốc hai làn. Khi đầu tư phân kỳ, chúng ta cũng cần có chi phí để thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. Đơn cử như về giao thông thông minh, cần thường xuyên có camera giám sát để quản lý, vận hành đường cao tốc. Hiện nay, chúng ta chưa để ý vấn đề này đúng mức, nếu cần phải có cả đơn vị quản lý, vận hành đường cao tốc chuyên nghiệp hơn.
Đối với ý kiến có nên gọi là đường cao tốc khi chỉ có hai làn hoặc tốc độ chưa đảm bảo tiêu chuẩn hay các tiêu chuẩn được quy định khác, tôi cho rằng cao tốc có hàng loạt yếu tố kỹ thuật đi kèm như không có giao cắt đồng mức, đảm bảo kỹ thuật mặt đường chạy tốc độ cao… nên vấn đề cũng cần xem xét.
Còn về phía người tham gia giao thông, chúng ta cũng cần xây dựng văn hóa tham gia giao thông trên đường cao tốc như yêu cầu giữ khoảng cách, vượt đâu là thích hợp… Tôi cho đây là vấn đề quan trọng, chứ lưu thông cao tốc không như đô thị, cứ thấy chỗ nào trống thì chèn vào, rất nguy hiểm.
Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN:
Nên mở rộng cao tốc đúng chuẩn
Đường cao tốc thông thường mỗi bên phải có hai làn xe, điều này để phù hợp yêu cầu lưu thông, yêu cầu vận chuyển với tốc độ cao. Từ đó, mới phát huy được yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội khi giao thông đường bộ được đẩy nhanh.
Có nhiều ý kiến về việc không nên đầu tư đường cao tốc với hai làn xe và quan điểm của tôi cũng vậy. Vì sao? Vì thông thường khi thiết kế một tuyến đường cao tốc, họ đã có tính toán về việc đáp ứng yêu cầu vận chuyển trong thời gian ít nhất 5-10 năm tiếp theo, chứ không thiết kế chỉ để đáp ứng yêu cầu trong 1-2 năm trước mắt.
Nguyên tắc đầu tư đường giao thông phải phù hợp với dự báo về sự gia tăng xe, số lượng xe lưu thông. Còn về làm sao để đảm bảo an toàn ở các tuyến cao tốc hai làn xe hoặc không có làn dừng khẩn cấp như hiện nay, theo tôi không có cách nào khác phải mở rộng đường cao tốc cho đúng chuẩn để hạn chế tai nạn.
TSKH NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị:
Đừng vội gọi là cao tốc nếu chưa đủ chuẩn
Sau hàng loạt vụ tai nạn trên cao tốc vừa qua thì Nhà nước và đơn vị quản lý cần xem xét về quy hoạch, xây dựng và phát triển cao tốc.
Thứ nhất, Nhà nước nên tập trung vốn, nguồn lực cho cao tốc Bắc - Nam bởi hiện chúng ta đang đầu tư khá dàn trải. Đường sắt cao tốc, cảng biển chưa gấp bằng cao tốc Bắc - Nam vì toàn quốc đã có cảng biển, sân bay nhưng thực sự thiếu cao tốc kết nối vùng. Vì vậy cần ưu tiên nguồn vốn để hoàn thiện mạng lưới hạ tầng cao tốc.
Hơn hết Nhà nước cần có một tiêu chuẩn cao tốc, tiêu chuẩn quốc gia, cần có hành lang thoát hiểm, lan can, hệ thống đèn tín hiệu, tốc độ… đoạn nào chưa đủ chuẩn cao tốc vẫn có thể vận hành nhưng đừng coi nó là cao tốc mà coi như đường kết nối.
Trường hợp chưa có dải phân cách, thoát hiểm, làn dừng khẩn cấp… hãy coi nó là đường tỉnh thông thường và Nhà nước nên siết ở tốc độ 50-60 km/giờ. Hiện nay, nếu cao tốc Cam Lộ - La Sơn giảm tốc độ sẽ hạn chế được tai nạn xảy ra, đối với những đoạn có đường tránh cần giảm tốc độ xuống thấp nhất. Cao tốc chưa đúng chuẩn khi chưa có dải phân cách, lối thoát hiểm, hệ thống chiếu sáng… vẫn nên cho chạy chậm.
Ở nước ngoài khi đi trên cao tốc nếu xe bị hư thì rất dễ bị tai nạn bởi nếu xe di chuyển với tốc độ cao đến 100 km/giờ thì rất khó ứng phó và xử lý. Điều chúng ta cần tham khảo hệ thống cao tốc, quản lý từ các quốc gia trên thế giới từ bảng biểu thông báo, trạm dừng chân… từ đó đưa ra một tiêu chuẩn quốc gia. Và một lần nữa tôi nhấn mạnh đối với những đoạn đường nào chưa đủ chuẩn thì cần đưa nó thành một con đường bình thường.
Sau hàng loạt vụ tai nạn trên cao tốc vừa qua thì Nhà nước và đơn vị quản lý cần xem xét về quy hoạch, xây dựng và phát triển cao tốc.
PGS-TS VŨ ANH TUẤN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức:
Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Bên cạnh việc thay đổi tư duy quy hoạch, thiết kế, đầu tư và quản lý vận hành đường cao tốc để đảm bảo an toàn và tốc độ lưu thông, cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý việc đào tạo, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Khi tham gia giao thông, người điều khiển xe cần chú ý quan sát hệ thống biển báo để điều chỉnh tốc độ, điều chỉnh làn xe cho phù hợp để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác.
Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý kết hợp đào tạo, nâng cao ý thức, kỹ năng lái xe trên đường cao tốc cho người điều khiển xe. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo an toàn, tránh những vụ tai nạn thương tâm trên cao tốc sắp tới.
Sau hàng loạt vụ tai nạn trên cao tốc vừa qua thì Nhà nước và đơn vị quản lý cần xem xét về quy hoạch, xây dựng và phát triển cao tốc.•
Ưu tiên mở rộng năm tuyến cao tốc
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết sẽ ưu tiên mở rộng năm tuyến cao tốc hiện có hai làn xe lên bốn làn xe theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Năm tuyến cao tốc bao gồm: Tuyến La Sơn - Hòa Liên, hiện phấn đấu khởi công vào cuối năm 2024, hoàn thành vào cuối năm 2025-2026. Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình quy hoạch sáu làn xe, hiện tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện bước điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng tuyến này theo quy mô quy hoạch. Tuyến Yên Bái - Lào Cai, thuộc dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hiện Ủy ban Quản lý vốn sẽ chỉ đạo VEC nghiên cứu, đề xuất mở rộng đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai. Hai tuyến còn lại do Bộ GTVT quản lý là Thái Nguyên - Chợ Mới và Cam Lộ - La Sơn, hiện chỉ đạo hai ban quản lý dự án khẩn trương đề xuất phương án, nguồn vốn, phương thức đầu tư mở rộng theo quy mô quy hoạch.
“Hiện theo chúng tôi thống kê thì có năm tuyến cao tốc đang khai thác quy mô hai làn xe. Kế hoạch mở rộng năm tuyến này là ưu tiên số 1. Các tuyến phân kỳ bốn làn xe, một làn dừng khẩn cấp không liên tục sẽ tiếp tục cân đối nguồn lực để mở rộng” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.
Nguồn PLO: https://plo.vn/can-quan-ly-cao-toc-theo-dung-hien-trang-post779938.html